Đức Linh: Tích cực thực hiện chính sách hỗ trợ người gặp khó khăn vì đại dịch Covid-19 ​

 

 

Năm 2021, các cấp ủy, chính quyền huyện Đức Linh đã tích cực triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Trung ương và tỉnh.   

Đã hỗ trợ 1/1 trường hợp người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương với số tiền 4.170.000 đồng. Hỗ trợ 416/416 người điều trị COVID-19 và  cách ly y tế với số tiền 589.880.000 đồng. Hỗ trợ 11/11 hộ kinh doanh với số tiền 33 triệu đồng. Hỗ trợ 2.923/2.925 lao động tự do và các đối tượng đặc thù khác với số tiền 4.384.500.000 đồng.

Cấp gạo từ nguồn dự trữ quốc gia

hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn

trong đợt dịch Covid -19.

Bên cạnh việc thực hiện các chính sách nêu trên, UBND huyện triển khai thực hiện cấp gạo kịp thời và đầy đủ, đúng thời gian cho 3.098 hộ/10.719 khẩu, với 160,785 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia. Mỗi khẩu được hỗ trợ 15 kg gạo và thời gian hỗ trợ là 1 tháng. Ngoài ra, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện hỗ trợ 429 hộ nghèo, mỗi hộ 1 triệu đồng  hỗ trợ 43 người già đơn thân, mỗi người 1 triệu đồng. Việc làm này góp phần tháo gỡ một phần khó khăn cho người già đơn thân, hộ nghèo, cận nghèo và những gia đình gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên việc triển khai thực hiện tại huyện vẫn còn một số khó khăn:

Việc rà soát, thống kê và hướng dẫn hoàn chỉnh hồ sơ các đối tượng: người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương; người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm; hộ kinh doanh các xã, thị trấn còn nhiều lúng túng nên mất nhiều thời gian. Chủ yếu do doanh nghiệp chưa thực hiện đầy đủ quy định chế độ cho người lao động tại doanh nghiệp nên cơ quan chức năng không có cơ sở để xác nhận.

Các xã, thị trấn vừa tập trung cho công tác phòng chống dịch vừa triển khai thực hiện chính sách trong thời gian đang thực hiện giãn cách xã hội nên gặp khó khăn trong công tác lập hồ sơ, thủ tục đề nghị hỗ trợ dẫn đến tiến độ thực hiện cũng còn hạn chế.

Về xác nhận điều kiện, nơi làm việc, bị dừng hoạt động, trong Quyết định QĐ 2108/QĐ-UBND  của UBND tỉnh Bình Thuận không quy định cơ quan, cá nhân nào xác nhận người lao động bị ngừng việc nên rất khó thực hiện. Vì đối với công dân Đức Linh làm việc ở Thành phố Phan Thiết hay La Gi khi bị dừng việc, mất việc khi đăng ký đề nghị hỗ trợ tại huyện Đức Linh thì không có cơ sở xác nhận về những điều kiện theo quy định của QĐ 2108/QĐ-UBND ở nơi họ làm việc.

Quy định thời gian báo cáo tại khoản 3, Điều 1 của Quyết định 2108/QĐ-UBND quy định: “ Cứ mỗi 03 ngày, UBND cấp xã rà soát và lập danh sách người lao động đủ điều kiện hỗ trợ gửi UBND cấp huyện;…” là không phù hợp, vì cấp xã sau khi nhận danh sách ở thôn khu phố báo cáo về (quy trình rà soát phải tiến hành từ tổ trở lên), phải họp xét và thông báo công khai rồi mới tổng hợp báo cáo được.

Huyện cũng đã rà soát, tổng hợp đề xuất UBND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ đặc thù cho các nhóm đối tượng, gồm: (1) Nhóm đối tượng là chủ cơ sở làm dịch vụ đám cưới, dàn nhạc, quay phim, chụp hình, MC, sân bóng chuyền, sân bóng đá Mini không đăng ký giấy phép kinh doanh...,  những trường hợp này phải dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. (2) Trường hợp một số chủ phương tiện (ô tô 5 chỗ, 7 chỗ, 16 chỗ) hoạt động vận chuyển hành khách theo dạng tự do hoặc chạy dịch vụ, nhận chạy hợp đồng cưới, hỏi... vào các địa phương khác thực hiện Chỉ thị 16/CT-CP và tỉnh ta thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15/CT-CP thì người lao động hoạt động tại dịch vụ này phải dừng hoạt động. (3) Đối với những người là công dân Đức Linh đang làm việc ở thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và các địa phương khác thực hiện Chỉ thị 16/CT-CP bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid -19 nay đang gặp khó khăn về kinh tế do phải ngừng, hoặc mất việc làm; số lao động này gặp nhiều khó khăn vì mất việc làm. (4) Công dân bán hàng tạp hóa ở huyện, do đối tượng đi giao hàng cho các cửa hàng tạp hóa bị F0; những người nhận hàng trở thành F1; cửa hàng tạp hóa bị phong tỏa,đóng cửa;  đối tượng là F1 phải cách ly y tế tập trung 14 ngày, và cách ly tại nhà thêm 14 ngày.

Tình hình dịch bệnh Covid-19  ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, đã ảnh hưởng rất nhiều đến các lĩnh vực phát triển kinh tế, thị trường lao động, đời sống xã hội,… Tình hình sản xuất kinh doanh suy giảm, đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình lao động, việc làm trên địa bàn huyện. Việc triển khai thực hiện kịp thời các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 đã góp phần tích cực vào việc phòng chống dịch bệnh, duy trì phát triển kinh tế - xã hội, ổn định cuộc sống của nhân dân toàn huyện.

                           Nguyễn Tấn Nghệ

 

ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang