Đức Linh – “Bước chuyển” 40 năm

 

Thời điểm được chia tách huyện năm 1983, cơ sở hạ tầng của huyện Đức Linh hầu như chưa có gì. Nhưng tiềm năng thì ai cũng thấy. Sẽ là một vùng nông nghiệp trù phú. Có thể là 1 vùng chế biến khoáng sản lẫn khai thác nguồn nước khoáng Đa Kai cùng dịch vụ. Và sẽ là gì nữa, khi Đức Linh giáp ranh với 2 tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng… 40 năm từ khi chia tách huyện, với những quyết sách cơ bản phù hợp với tiềm năng lẫn điều kiện thực hiện, Đảng bộ huyện Đức Linh đã tạo ra bước chuyển nổi bật   

Cuộc gặp của đổi thay

Có ai đó đã nói Đức Linh là vùng đất chỉ thiếu biển. Còn lại, tất cả đều có mà nổi bật là một vùng có thế mạnh về phát triển nông nghiệp. Bởi nhờ có mưa nhiều hơn các huyện phía Bắc tỉnh, có đất đai màu mỡ, có sông La Ngà chảy qua bồi phủ phù sa hàng năm tạo nên vùng thung lũng đặc trưng…Nhiều năm sau giải phóng và sau cả thời điểm chia tách huyện, Đảng bộ huyện Đức Linh qua các kỳ Đại hội đều thấy rõ điều nổi bật ấy, nên cơ cấu kinh tế được xác định liên tục theo hướng nhấn mạnh phát triển nông nghiệp trước tiên. Nhưng với tính chất của sản xuất nông nghiệp thì nguy cơ rủi ro bởi thời tiết, thị trường luôn thường trực và cũng vượt quá tầm kiểm soát, ngay cả với 1 tập thể có quyết tâm. Đức Linh những năm ấy cứ loay hoay như thế, dù nỗ lực xây hạ tầng thủy lợi, kéo điện từ Xuân Lộc – Đồng Nai qua, nâng cấp vài tuyến đường trong khả năng có thể…

                                                                 Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ III

                                                                                     Nhiệm kỳ 1983 - 1986.

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm Đức Linh.

Trạm biến điện 110/22KV Đức Linh. 

Thế rồi, một ngày của năm 1994, nhận được tin Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt về dự sự kiện khởi công thủy điện Hàm Thuận – Đa Mi, khảo sát thực địa để tính toán xây dựng Đập dâng Tà Pao và sau đó, sẽ ghé thăm Đức Linh. “Là ghé thăm thôi chứ không phải là buổi làm việc. Nhưng những gì lúc ấy Thủ tướng nhắc nhở, dặn dò như khai sáng tầm nhìn lẫn định hướng phát triển của Đức Linh, như tiếp thêm động lực cho Đảng bộ và nhân dân Đức Linh. Đó là phải khai phá ra, làm cho hội tụ, cho nổi bật các yếu tố để phát triển vùng công nghiệp” – Nguyên Bí thư Huyện ủy Đức Linh Đoàn Văn Sáu tiếp đoàn của Thủ tướng khi ấy, nhớ lại.

Cây cao su - Vàng trắng Đức Linh.

         Thời gian sau đó, cứ như thời cơ đến, Chương trình 327 đưa vốn về tận tay người dân để phủ xanh đất trống đồi trọc, Đức Linh có thêm mấy ngàn héc ta cao su. Rồi tiếp đó, có chính sách đầu tư cao su tiểu điền, góp phần mở rộng thêm diện tích cao su trên địa bàn huyện. Lúc này, Công ty Cao su Bình Thuận sau khi mở rộng nhà máy chế biến mủ có sẵn, đã tính toán xây dựng thêm 2 nhà máy chế biến mủ khác ở Suối Kè, nhằm đáp ứng lượng mủ sẽ khai khác trên địa bàn khi hàng ngàn héc ta cao su vào giai đoạn thu hoạch. Thêm nữa, thời điểm ấy, trên địa bàn huyện đã xuất hiện những vườn cao su trung điền với diện tích lớn từ 50 ha đến 300 ha. Và thực tế diễn ra, đúng là dự đoán, với nhu cầu sơ chế mủ cao su cao, năm 2005 - 2006, nhiều cơ sở chế biến mủ cao su tư nhân hình thành hoạt động nhộn nhịp, đã định hình rõ hơn ngành công nghiệp chế biến mủ cao su ở huyện nông nghiệp Đức Linh. Nổi bật, năm 2011, giá mủ cao su sơ chế tăng từ mức dưới 30 triệu đồng/tấn lên 120 triệu đồng/tấn và đứng ở mức cao kéo sang năm 2013, đã nâng cao thu nhập người dân. Từ đó, trong chính nhiều gia đình cũng điều chỉnh hướng làm ăn và dịch vụ trên địa bàn huyện đã bùng nở, nhất là ở 2 thị trấn.

Thi công tuyến kênh thủy lợi Tà Pao.

         Trong khi đó, vùng phía Tây Nam huyện giáp ranh Đồng Nai, Lâm Đồng hình thành vùng cây ăn trái đặc sản; phía Bắc huyện gồm các xã nằm dọc theo sông La Ngà, vốn tận dụng sự màu mỡ của vùng thung lũng đã phát triển cây lương thực, thành vùng trọng điểm lúa của tỉnh. Song song đó, các nhà máy chế biến nông sản đi kèm cũng xuất hiện cùng với sự hình thành các liên kết sản xuất. Thời điểm này, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở Đức Linh đã triển khai. Các nhà máy, các dự án hoạt động trên lĩnh vực may mặc, chế biến nông sản, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí…đã, đang và chuẩn bị xuất hiện trên địa bàn. Tuy nhiên, tại Đại hội XI nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ Đức Linh chưa đưa vào Nghị quyết Đại hội cơ cấu kinh tế với vị trí đầu tiên là công nghiệp như tại Đại hội X,  nhiệm kỳ 2010 - 2015, mà là: “Tập trung huy động mọi nguồn lực, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của nhân dân...”

Công viên huyện Đức Linh.

 

Đòn bẩy từ cán bộ

Vì sao không có sự khẳng định cơ cấu trên trong Đại hội XI, Bí thư Huyện ủy Đức Linh Nguyễn Văn Húy, người mà vào tháng 8/2018, được Tỉnh ủy chỉ định giữ chức vụ Bí thư Huyện ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020, cho biết vì nhiều lý do không nêu rõ trong văn kiện nhưng thời gian ấy, Đảng bộ Đức Linh vẫn tập trung phát triển công nghiệp trước tiên. Bằng chứng, ngay từ năm 2016, đã có chủ trương, quy hoạch sử dụng đất phát triển công nghiệp trên địa bàn. Trên cơ sở ấy, 6 cụm công nghiệp được triển khai, trong đó có 3 cụm công nghiệp tại xã Đông Hà được bổ sung quy hoạch sau, khi vùng giáp ranh với huyện Xuân Lộc - Đồng Nai đã hội tụ nhiều yếu tố của liên kết vùng. Bây giờ, 3 cụm công nghiệp này đã thu hút được 2 nhà đầu tư kết cấu hạ tầng trên diện tích 182 ha, với tổng số vốn đầu tư trên 800 tỷ đồng, dự kiến giải quyết việc làm cho trên 12.000 lao động. Hiện đã có nhà đầu tư thứ cấp vào, đang xây dựng nhà máy là Công ty TNHH Giày Nam Hà - Việt Nam, với giai đoạn 1 là 10.000 công nhân, giai đoạn 2 là 10.000 công nhân khiến vùng đất này đang nhộn nhịp lên từng ngày.

Khởi công XD Nhà máy May Nhà Bè.

Đầu tư xây dựng Cụm công nghiệp Nam Hà (Đông Hà).

Điều đó cùng với các nhà máy khác đang hoạt động ở 3 cụm công nghiệp: Sùng Nhơn, Mê Pu và Võ Xu đã đánh dấu sự hiện diện rõ của công nghiệp. Cũng có nghĩa Đức Linh đã chính thức chuyển từ cơ cấu kinh tế: Nông nghiệp – dịch vụ - công nghiệp sang công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp. Đó là một hành trình nỗ lực của toàn Đảng bộ và nhân dân Đức Linh để công nghiệp lên vị trí đầu tiên.

Bí thư Huyện ủy Đức Linh Nguyễn Văn Húy kể tiếp, khi đã xác định phát triển công nghiệp, lãnh đạo huyện chủ động đề nghị làm việc với tỉnh và các sở ngành liên quan để được quan tâm xây dựng hạ tầng, làm cơ sở thu hút đầu tư. Các cán bộ từ huyện đến xã, bộ phận thì vận động tuyên truyền người dân hiến đất làm đường, đồng thuận đền bù nhanh để xây dựng sớm các công trình liên quan như nhà máy xử lý rác, nhà máy nước…; bộ phận thì gặp gỡ, kêu gọi các nhà đầu tư vào Đức Linh. Sau đó, là đồng hành cùng nhà đầu tư tháo gỡ mọi vướng mắc trong quá trình triển khai các thủ tục để nhà đầu tư đẩy nhanh xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ. Chính Bí thư Nguyễn Văn Húy, vào thời gian ấy là Bí thư Huyện ủy đồng thời là Chủ tịch UBND huyện, cũng đã đồng hành cùng các nhà đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp ra Bộ Công Thương 3 lần để thỏa thuận theo đề nghị của UBND tỉnh cho xây dựng 3 cụm công nghiệp theo đúng quy định của Nghị định 68.

“Qua đó, cho thấy cán bộ ở Đức Linh năng động, đoàn kết, cùng nhìn một hướng nên mới có được kết quả như ngày hôm nay”- Bí thư Huyện ủy Nguyễn Văn Húy nhận định. Nhưng để có được lực lượng cán bộ như ngày hôm nay, đó là cả quá trình rút kinh nghiệm sâu sắc những ưu, khuyết điểm để tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực nâng tầm nhiệm vụ. Và giải pháp khắc phục như trong một Văn kiện Đại hội Đảng bộ huyện đã nêu: “Điều quan trọng là Ban Chấp hành Đảng bộ huyện không che giấu mà đã công khai thừa nhận, thành tâm lắng nghe ý kiến của nhân dân, kịp thời rút kinh nghiệm và quyết tâm sửa chữa. Chính vì thế, đã tạo sự đoàn kết trong toàn dân, toàn quân, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị và ngày càng được nhân dân tin yêu”.

Vị trí lợi thế mới

Cán bộ đã được tạo dựng phong cách năng động, phù hợp cho phát triển công nghiệp, đó là một lợi thế của Đức Linh. Bên cạnh, huyện còn có một lợi thế khác mà theo thời gian đã được nổi bật lên. Đó là Đức Linh có vị trí địa lý giáp ranh với các tỉnh trọng điểm kinh tế phía Nam, gần với các thành phố lớn, đang là khu vực có tốc độ phát triển cao nhất cả nước. Khoảng cách từ huyện Đức Linh đến các thành phố (TP) như: TP. Hồ Chí Minh, TP.Biên Hòa - tỉnh Đồng Nai, TP. Vũng Tàu - tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, TP. Phan Thiết - tỉnh Bình Thuận, TP. Thủ Dầu Một - tỉnh Bình Dương, TP. Bảo Lộc - tỉnh Lâm Đồng chỉ trong vòng bán kính chưa đến 150 km, tức đi về được trong ngày. Thêm nữa, lại nằm giữa 2 cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và Dầu Giây - Liên Khương; đồng thời cách sân bay Long Thành khoảng 80 km, có nghĩa Đức Linh thành vùng có sân bay. Vì vậy, cơ hội cho thu hút đầu tư phát triển công nghiệp rất lớn.

Đến nay, hệ thống kết cấu cấu hạ tầng trên địa bàn huyện đã đồng bộ. Đặc biệt, hạ tầng giao thông đã tạo được kết nối tương đối thuận lợi trong nội huyện, trong tỉnh và ngoài tỉnh. Điểm nổi bật là toàn huyện đã đầu tư cứng hóa được 748 km đường bộ đạt tỷ lệ trên 87%, trong đó có 491 km đường giao thông nông thôn và đảm bảo có đường ô tô tới các thôn, xóm. Trong đó, có phần đóng góp lớn của việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Sau 10 năm xây dựng, năm 2021, Đức Linh đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Theo đó, đời sống người dân ngày càng nâng cao, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng hàng năm. Nếu năm 2020 đạt bình quân 43,1 triệu đồng/người, thì năm 2021 đạt bình quân 48,6 triệu đồng/người. Năm 2022 đạt bình quân 52 triệu đồng/năm và tỷ lệ hộ nghèo còn 4,38% theo chuẩn nghèo đa chiều mới. Tỷ trọng ngành Nông nghiệp giảm từ 57,23% năm 2011 xuống còn 46,94% năm 2020, tỷ trọng ngành Dịch vụ tăng từ 23,76% năm 2011 lên 28,05% năm 2020 và tỷ trọng ngành Công nghiệp - Xây dựng tăng từ 19,01% năm 2011 lên 25,01% năm 2020.

Với tiềm năng và lợi thế mới cũng như kết quả trên thực tế, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Đức Linh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định “Đầu tư phát triển kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp hợp lý trong toàn bộ cơ cấu nền kinh tế; tập trung mọi nguồn lực đẩy mạnh sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả gắn với đầu tư phát triển”.

Để hoàn thành mục tiêu - nhiệm vụ phát triển kinh tế theo định hướng nêu trên. Đồng thời, để có cơ hội góp phần tích cực hơn nữa vào phát triển chung của toàn tỉnh, bên cạnh các giải pháp tổ chức thực hiện đã nêu trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Đức Linh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025; huyện Đức Linh có thêm một số đề xuất với tỉnh. Trong đó, có nhấn mạnh phát huy lợi thế vị trí địa lý của huyện trong thu hút, kêu gọi đầu tư; phải tập trung kêu gọi đầu tư trên lĩnh vực công nghiệp để đến năm 2030 cơ bản hình thành vùng phát triển công nghiệp phía nam huyện với 3 xã: Đông Hà, Trà Tân và Tân Hà. Đồng thời, tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư vào địa phương, nhất là đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp.

Hảo Chi

 

 

ipv6 readyChung nhan Tin Nhiem Mang