Những điểm sáng qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Đức Linh lần thứ XI

Những điểm sáng qua 5 năm thực hiện

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Đức Linh lần thứ XI

Bám sát mục tiêu, nhiệm vụ phát triển năm năm (2015 - 2020), nhất là 4 nhiệm vụ trọng tâm và 3 khâu đột phá mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XI đề ra, Ban Chấp hành  Đảng bộ huyện đã lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Kinh tế huyện tiếp tục phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế từng bước đúng định hướng, đã có nhiều chủ trương để huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) triển khai đồng bộ, hiệu quả, 100% số xã trên địa bàn huyện đạt chuẩn NTM; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân có bước cải thiện; các chính sách đền ơn đáp nghĩa, phúc lợi xã hội và an sinh xã hội đảm bảo; quốc phòng - an ninh được giữ vững; công tác cải cách hành chính tiếp tục được quan tâm, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ từng bước nâng cao... Đó là những điểm sáng nổi bật của Đảng bộ trong 5 năm qua.

Tổng sản lượng lương thực năm 2020 đạt 153.200 tấn, bằng 122,60% so với Nghị quyết đề ra; thu ngân sách bình quân hàng năm đều vượt từ 7 - 10% so với dự toán được giao; tỷ lệ giảm hộ nghèo hàng năm đạt từ 0,85 đến 2,5%/năm (đến năm 2020, hộ nghèo giảm còn 1,14%, vượt xa Nghị quyết đề ra là 4,71%); tỷ lệ hộ được dùng nước hợp vệ sinh là 99,31/95%, đạt 104,54%; kết nạp 800/800 đảng viên mới; 100% tổ chức Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội đạt vững mạnh, vượt 20% so với chỉ tiêu Nghị quyết…

Hôm nay, đi trên những tuyến đường NTM ở các xã trong huyện dễ dàng nhận thấy sự đổi thay nhiều mặt về đời sống của người dân. Nhiều ngôi nhà mới khang trang được mọc lên với điều kiện sống ngày một tốt hơn. Hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và sinh hoạt, điện - đường - trường - trạm và các công trình dân sinh khác được đầu tư khang trang, sạch đẹp. Nhiều khu vực trước đây từng là “điểm tối” về điện, đường, trường học… thì bây giờ được cải thiện cơ bản. Sự phấn khởi của người dân được thể hiện rõ, không chỉ qua từng câu chuyện, trong từng bữa ăn, từng buổi chợ mà còn trong các sinh hoạt ở tổ dân cư, họp cử tri, sinh hoạt các đoàn thể…

Triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng và áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã mang lại kết quả tích cực. Toàn huyện đã chuyển đổi 8.504 ha đất lúa gồm: bắp 4.295 ha; đậu phộng: 1.454 ha; cây đậu các loại (chủ yếu là đậu xanh, trên những vùng không đủ nước để làm lúa, làm bắp): 1.582 ha; chuyển đổi dưa hấu: 884 ha; chuyển đổi sang trồng củ sắn: 160 ha theo hình thức 1 lúa + 2 cây củ đậu. Mô hình trồng dâu nuôi tằm trên đất lúa một vụ, đất màu sang trồng dâu nuôi tằm tại xã Sùng Nhơn với diện tích 9,97 ha; việc chuyển đổi này đã cho doanh thu từ 110 - 130 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận bình quân 45 - 50 triệu đồng/ha/năm. Huyện tích cực chuyển đổi chăn nuôi theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường. Hiện toàn huyện có 41 trang trại, trong đó có 25 trang trại sử dụng công nghệ bán tự động. Huyện đã triển khai thực hiện 3 đề tài xây dựng mô hình trồng cỏ cao sản phục vụ chăn nuôi gia súc, kỹ thuật xây dựng bếp tiết kiệm năng lượng. Đã xây dựng 3 mô hình nhà lưới trồng rau tại xã Trà Tân, nhà lưới trồng củ quả tại thị trấn Đức Tài, trồng lan Mokara cắt cành.

Hạ tầng thủy lợi được chú trọng đầu tư; hệ thống thủy lợi Tà Pao được đầu tư kiên cố, kênh mương nội đồng được tu sửa thường xuyên gắn với phong trào làm thủy lợi nhỏ, đã cung cấp tưới trên 80% diện tích cây lúa, nâng diện tích tưới toàn huyện đạt 17.000 ha/năm. Nhiều đơn vị hợp tác xã chuyển đổi và thành lập mới từng bước hoạt động có hiệu quả, thực hiện một số dịch vụ cung ứng vật tư và bao tiêu sản phẩm nông nghiệp; có 30% hợp tác xã hoạt động có hiệu quả tổ chức được các liên kết sản xuất với nông dân. Đó là mô hình liên kết sản xuất lúa nếp ở Đức Tài, Võ Xu, Nam Chính từ năm 2016 - 2019 với diện tích trên 1.500 ha/năm; liên kết sản xuất với Công ty giống cây trồng Đông Nam sản xuất hơn 200 ha lúa giống; liên kết với Công ty Việt Nông thực hiện 50 ha/5 năm mô hình sản xuất giống khổ qua, mướp, bí, bầu, đậu đũa... ở Đức Tín, Mê Pu…

Bên cạnh đó, 100% số xã có hệ thống giao thông đạt chuẩn NTM; các tuyến đường đô thị, đường giao thông nông thôn được đầu tư cứng hóa là 482,54 km, với tổng kinh phí thực hiện gần 837 tỷ đồng, tỷ lệ đường giao thông được cứng hóa đạt trên 75%. Đến nay, toàn huyện đã thực hiện chương trình bê tông hóa giao thông nông thôn theo Nghị quyết số 03-NQ/TU của Tỉnh ủy được 42,866km, với kinh phí là 56,583 tỷ đồng... 

Các thành phần kinh tế tiếp tục phát triển. Huyện hiện có gần 300 doanh nghiệp với tổng vốn kinh doanh trên 1.205 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần số doanh nghiệp và tăng 2,1 lần số vốn so với năm 2015. Kinh tế hộ cá thể phát triển ổn định, đến nay có 6.805 hộ kinh doanh với tổng số vốn gần 1.000 tỷ đồng. Huyện đã thu hút, mời gọi trên 60 doanh nghiệp đăng ký, khảo sát đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách; trong đó có 25 dự án được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng vốn thực hiện trên 2.000 tỷ đồng.

Kinh tế phát triển, chất lượng sống của người dân không ngừng được nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 8,71% năm 2016 giảm xuống còn 1,14% năm 2020, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Hiện tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân tăng lên hàng năm, đến năm 2020 đạt trên 90%. 10/10 xã đạt chuẩn “văn hóa nông thôn mới” và 2 thị trấn đạt chuẩn “văn minh đô thị”; tỷ lệ gia đình văn hóa, thôn, khu phố văn hóa hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu. Toàn huyện có số trường có phòng học kiên cố hiện nay là 42/58 trường, đạt 72% (tăng 37,8% so với đầu nhiệm kỳ); có 39/58 (67,2%) trường đạt chuẩn quốc gia, vượt 17,2% so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra. Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ngày càng phát huy hiệu quả, góp phần kéo giảm các loại tội phạm.

Kết quả đó có được từ hiệu quả công tác xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị. Huyện đã tổ chức nhiều đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng cổ vũ các nhân tố mới, các phong trào thi đua yêu nước. Việc sắp xếp đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và nhân sự cấp ủy còn khuyết được thực hiện thường xuyên; các bước quy trình trong công tác cán bộ thực hiện chặt chẽ, đúng quy định. Công tác kiểm tra, giám sát, tự kiểm tra được các cấp ủy thực hiện thường xuyên; chủ động nắm bắt thông tin và tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức đảng và đảng viên. Các tổ chức đảng và cấp ủy thường xuyên nắm bắt tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng, những kiến nghị của nhân dân; nhiều mô hình “Dân vận khéo” được triển khai thực hiện và phát huy hiệu quả tích cực, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư... Các cấp chính quyền đã chủ động xây dựng và thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, cải cách thủ tục hành chính, tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết những vấn đề bức xúc, đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Trong việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhiều địa phương, đơn vị đã có những cách làm sáng tạo, thiết thực, hiệu quả; nhiều điển hình tiên tiến gắn với các phong trào quần chúng, đặc biệt là phong trào xây dựng NTM, văn minh đô thị đã được công nhận và biểu dương…

Những kết quả đó đã góp phần phát triển huyện Đức Linh ngày càng bền vững theo hướng hiện đại, văn minh, tạo tiền đề quan trọng để xây dựng đạt chuẩn huyện nông thôn mới vào cuối năm 2020, hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra.

 

                                      Nguyễn Văn Tới

                                                         

 

 

 

ipv6 readyChung nhan Tin Nhiem Mang