Đề cương tuyên truyền Năm Du lịch quốc gia 2023 - Bình Thuận - Hội tụ xanh

 

ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN

Năm Du lịch quốc gia 2023 - Bình Thuận - Hội tụ xanh

 

I. Khái quát tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Bình Thuận

Tỉnh Bình Thuận có vị trí nối liền giữa Trung Bộ và miền Đông Nam Bộ; có 10 đơn vị hành chính cấp huyện (01 thành phố, 01 thị xã và 08 huyện, trong đó có huyện đảo Phú Quý cách đất liền 56 hải lý), 124 xã, phường, thị trấn và 691 thôn, khu phố. Thành phố Phan Thiết là trung tâm chính trị văn hóa của tỉnh, cách thành phố Hồ Chí Minh 198km về hướng Đông Bắc. Bình Thuận có diện tích 7.812,8 km², dân số gần 1.360.000 người. Là một trong 28 tỉnh, thành phố giáp biển, Bình Thuận có bờ biển dài 192 km, bắt đầu từ mũi Đá Chẹt giáp Cà Ná (Ninh Thuận) đến bãi Bình Châu (Bà Rịa- Vũng Tàu), nhiều đảo bãi đá ven bờ tạo nên nhiều cảnh đẹp.

Những năm qua, kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, kinh tế của tỉnh đã phục hồi khá sớm sau đại dịch COVID-19 trên cả 3 trụ cột: Công nghiệp, du lịch và nông nghiệp. Năm 2022, tốc độ tăng trưởng (GRDP) đạt 7,75%, tổng thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 11.300 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, du lịch; nông nghiệp tiếp tục phát triển, phong trào xây dựng Nông thôn mới đạt kết quả tốt; văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện và nâng cao. Công tác xúc tiến đầu tư được quan tâm; quốc phòng, quân sự địa phương được tăng cường; an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được tăng cường; hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên rõ rệt.

II. Tình hình phát triển du lịch Bình Thuận

          1. Tài nguyên du lịch

1.1. Tài nguyên tự nhiên

Ven biển Bình Thuận có nhiều đảo, cù lao, vũng, vịnh và bãi biển có cảnh quan đẹp: Cà Ná, Cù Lao Câu, Bình Thạnh (huyện Tuy Phong), Đồi Dương -Thương Chánh, Mũi Né - Hòn Rơm (TP Phan Thiết), Mũi Điện Khe Gà (huyện Hàm Thuận Nam), Cam Bình, Ngảnh Tam Tân (huyện Hàm Tân)... ; cảnh quan thu hút nhiều du khách như: Đồi Cát bay, Hòn Rơm, Suối tiên, Đá Ông Địa, Lầu Ông Hoàng (Phan Thiết)... Ngoài ra còn rất nhiều điểm tham quan đẹp, hấp dẫn ở các địa phương nhưng chưa được khai thác như: đập Đồng Măng, đập Đồng Mới, hồ Cà Giây, hồ Picsin (huyện Bắc Bình), hồ Sông Lòng Sông, thác Yavly, suối nước khoáng Vĩnh Hảo, (huyện Tuy Phong), thác 9 tầng, thác sương mù, hồ Đa Mi, hồ Hàm Thuận - Đa Mi (huyện Hàm Thuận Bắc), du lịch sinh thái khu bảo tồn thiên nhiên Núi Tà Cú, Mũi Điện Khe Gà, suối nước nóng Bưng Thị (huyện Hàm Thuận Nam), Đồi Dương, Hòn Bà (thị xã Lagi )...thác Bà, hồ Biển Lạc (huyện Tánh Linh), thác Reo, khu vực Hồ Trà Tân- thác Mai, Đa Kai (huyện Đức Linh),…

          Hệ sinh thái động thực vật phong phú về chủng loại có giá trị cao trong việc thu hút du khách tham quan, nghiên cứu và nhiều mỏ nước khoáng có giá trị phục vụ tiêu dùng và chữa bệnh, trong đó đặc biệt là nguồn nước nóng với trữ lượng lớn ở Bưng Thị thuộc huyện Hàm Thuận Nam chưa được khai thác, có nhiều điều kiện tổ chức các hoạt động du lịch sinh thái và nghĩ dưỡng, chữa bệnh.

1.2. Tài nguyên nhân văn

Các di tích lịch sử - văn hóa kiến trúc cổ: đình Xuân An, đình Xuân Hội (Chợ Lầu - Bắc Bình), đình Đức Thắng (Đức Thắng - Phan Thiết), đình Đức Nghĩa (Đức Nghĩa - Phan Thiết), đình Phú Hội (Hàm Hiệp - Hàm Thuận Bắc), đình Tú Luông (Đức Long - Phan Thiết), đình Bình An (Bình Thạnh - Tuy Phong); chùa Cổ Thạch (còn gọi là chùa Hang, Bình Thạnh - Tuy Phong), chùa Núi Tà Cú (Thuận Nam - Hàm Thuận Nam), chùa Linh Sơn (Vĩnh Hảo - Tuy Phong), chùa Ông (Đức Nghĩa - Phan Thiết), chùa Phật Quang (Hưng Long - Phan Thiết; Tín ngưỡng dân gian có dinh Thầy Thím (Tân Tiến, La Gi), Vạn Thủy Tú (Đức Thắng-Phan Thiết), Vạn An Thạnh (Tam Thanh - Phú quý), lăng Ông Nam Hải….

Danh lam thắng cảnh Lầu Ông Hoàng (Phú Hài - Phan Thiết), thắng cảnh lịch sử truyền thống cách mạng kháng chiến của nhân dân Bình Thuận: Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Bình Thuận, Trường Dục Thanh (Phan Thiết), khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, các căn cứ kháng chiến Nam Sơn, Đông Giang (Hàm Thuận Bắc), Bắc Ruộng, Lồ Ô (Tánh Linh), khu Lê Hồng Phong, Bàu Trắng (Bắc Bình); Bảo tồn các Di tích lịch sử - văn hóa về kiến trúc cổ người Chăm: tháp Pô Đam (Phú Lạc - Tuy Phong), tháp PôShaInư (Phú Hài - Phan Thiết), phế tích tháp Chăm ở Kim Bình (Hàm Thắng -Hàm Thuận Bắc), các tháp Chăm mới phát hiện ở Hàm Phú, Thuận Hòa (Hàm Thuận Bắc), bộ sưu tập di sản văn hóa hoàng tộc Chăm và đền thờ Pô Nit (Phan Hiệp - Bắc Bình), đền thờ công chúa Bàn Tranh (Long Hải - Phú Quý).

Nền văn hóa đa dạng và lâu đời với nhiều dân tộc chung sống Chăm, Hoa, Rắc lây, Cơ ho và Tày...; Các Lễ hội truyền thống: Lễ Nghinh Ông, lễ Hội Cầu Ngư, Lễ hội Trung Thu, Lễ hội Kate, Lễ hội Dinh Thầy Thím… và các làng nghề truyền thống sản xuất các sản phẩm độc đáo của dân tộc Chăm.

Bên cạnh đó, Bình Thuận còn có những sản phẩm đặc trưng đã được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam công nhận như: Thương hiệu nước mắm đầu tiên tại Việt Nam, Đồi cát bay Mũi Né, Bãi đá Cổ Thạch, Resort - hotel nằm ven biển nhiều nhất, lễ hội Nghinh Ông Quan thánh Đế Quân, Rồng xanh dài nhất, Tượng Phật Thích ca nhập niết bàn dài nhất, diện tích trồng thanh long nhiều nhất…

2. Tình hình phát triển du lịch Bình Thuận

Sau sự kiện nhật thực toàn phần vào ngày 24/10/1995, tiềm năng du lịch Bình Thuận được phát hiện và “đánh thức”. Sau hơn 30 năm phát triển, du lịch Bình Thuận đã vươn mình phát triển vượt bậc với tốc độ tăng trưởng bình quân 31,3%/năm, đóng góp vào GRDP của tỉnh gần 10%, đang từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Về các chỉ tiêu du lịch chủ yếu, Bình Thuận luôn nằm trong số các địa phương đón nhiều khách du lịch trong các tỉnh thành thuộc khu vực duyên hải Nam Trung Bộ; có tổng thu từ du lịch và hệ thống cơ sở lưu trú cao. Chất lượng dịch vụ du lịch được nâng lên, lượng du khách và doanh thu du lịch tăng đều hàng năm, thương hiệu và uy tín được giữ vững, từng bước trở thành địa phương trọng điểm về du lịch của cả nước. Nguồn nhân lực ngành du lịch được đào tạo, bồi dưỡng, nâng dần chất lượng. Hoạt động xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch được quan tâm; môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện; đã thu hút được một số nhà đầu tư có thương hiệu, tiềm lực, đầu tư dự án quy mô lớn, cao cấp, góp phần thúc đẩy tăng trưởng ngành du lịch, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. 

Trong những năm qua, để khai thác tốt lợi thế về tiềm năng du lịch của tỉnh, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch phát triển du lịch. Công tác quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch được quan tâm; công tác quản lý nhà nước về du lịch được tăng cường, ANTT, VSMT, VSATTP được đảm bảo, chất lượng nguồn nhân lực du lịch, dịch vụ du lịch từng bước được nâng cao do đó du lịch Bình Thuận đã có bước phát triển mạnh mẽ và đạt được những thành tựu đáng khích lệ như :

2.1. Công tác xây dựng quy hoạch phát triển du lịch

Cùng với việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW 16/01/2017 của Bộ Chính trị “về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”, nhận thức được tiềm năng thế mạnh về du lịch, Bình Thuận là tỉnh sớm định hướng, triển khai xây dựng ngành du lịch Bình Thuận phát triển phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, các quy hoạch ngành, lĩnh vực của cả nước, của vùng và của tỉnh

- Ngày 03/10/2011 Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh (khoá XII) đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về phát triển du lịch đến năm 2015.

- Ngày 24/10/2016 Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh (khoá XIII) đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về phát triển du lịch đến năm 2020.

- Ngày 24/10/2021, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh (Khóa XIV) đã ban hành Nghị quyết 06-NQ/TU về phát triển du lịch đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

- Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án Đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực du lịch tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến 2030; Quyết định phê duyệt Đề án quản lý, đầu tư, khai thác các tuyến, điểm thăm quan du lịch trên địa bàn thành phố Phan Thiết (Phan Thiết City tour) giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch triển khai Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2022 - 2030.

Các cơ quan chức năng cũng đã tích cực triển khai, thực hiện các nội dung như:

- Trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, phê duyệt Đề án “Đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch tỉnh Bình thuận đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”.

- Đang phối hợp với đơn vị tư vấn chỉnh sửa nội dung đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mũi Né, tỉnh Bình Thuận đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.

- Tiếp tục xây dựng “Phương án phát triển cơ sở hạ tầng mạng lưới cơ sở văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” và “Phương án phát triển kết cấu hạ tầng du lịch, các khu, điểm, chuỗi phát triển du lịch trọng điểm của tỉnh Bình Thuận gắn với tổng thể du lịch của vùng và cả nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” (Quy hoạch tỉnh Bình Thuận).

- Trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, phê duyệt “Đề án phát triển kinh tế ban đêm” để tích hợp vào quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 .

- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh cho chủ trương lập, điều chỉnh các đồ án quy hoạch xây dựng, đặc biệt là quy hoạch chung xây dựng (QHCXD), quy hoạch phân khu xây dựng (QHPKXD) các khu vực ven biển (QHCXD các khu vực: Khu vực ven biển Tân Thắng - Thắng Hải, khu vực ven biển Cổ Thạch - Bình Thạnh, khu vực ven biển Tân Thuận - Tân Thành; QHPKXD các khu vực: Khu vực ven biển Tân Thắng - Thắng Hải, khu vực ven biển Tân Thuận, khu vực ven biển Tân Thành, khu vực ven biển Thuận Quý, khu vực ven biển từ Suối Nước đến Hòa Thắng, khu vực ven biển Hòa Thắng, khu vực ven biển Hòa Thắng - Hòa Phú, khu du lịch Bàu Trắng,...) để làm cơ sở để triển khai quy hoạch chi tiết và lập dự án đầu tư xây dựng, tạo điều kiện thu hút các dự án đầu tư du lịch - thể thao biển trên địa bàn tỉnh và thuận lợi trong việc quản lý trong các hoạt động xây dựng nói chung và các hoạt động du lịch nói riêng.

2.2. Đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, phát triển sản phẩm du lịch

- Hệ thống hạ tầng giao thông, vận tải

+ Cảng hàng không Phan Thiết: Hiện nay, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đã hoàn thành toàn bộ mặt bằng sân bay 543 ha và đài dẫn đường 2,56 ha. Đang triển khai các xây dựng các hạng mục Quân sự.

+ Dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam (phía Đông) qua địa bàn tỉnh: hoàn thành 100% giải phóng mặt bằng dự án (công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, di dời công trình hạ tầng kỹ thuật), cải tạo hệ thống điện cao thế 500kV, 220Kv. Dự kiến đoạn Phan Thiết - Dầu Giây (dài 99 km - đoạn qua Bình Thuận dài 47,67 km, qua 2 huyện: Hàm Tân, Hàm Thuận Nam), đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết (đi qua 4 huyện: Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam dài hơn 100 km) phấn đấu hoàn thành và đưa vào khai thác dịp 30/4/2023; riêng đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo dự kiến thi công hoàn thành đưa vào khai thác trong năm 2024.

+ Dự án Đường trục ven biển ĐT.719B đoạn Phan Thiết - Kê Gà và nâng cấp, mở rộng đường ĐT.719 đoạn Kê Gà - Tân Thiện hiện đang tập trung triển khai thi công xây dựng công trình.

+ Công tác bảo trì đường bộ: Triển khai xây dựng, sửa chữa, nâng cấp hệ thống giao thông đường bộ phục vụ phát triển du lịch - thể thao biển. Trong đó tập trung ưu tiên sửa chữa đảm bảo an toàn giao thông các tuyến đường huyết mạch phục vụ du lịch (ĐT.706B, ĐT.715, ĐT.71ỏ, ĐT.719, Quốc lộ 28B, Quốc lộ 55 ...), đảm bảo khả năng vận hành thông suốt, an toàn, không xảy ra trường hợp ách tắc giao thông.

- Hoạt động của tuyến vận tải giữa đất liền và đảo Phú Quý được duy trì ổn định, lịch trình đảm bảo thông suốt. Lịch chạy tàu được các đơn vị sắp xếp phù hợp, với 04 tàu khách cao tốc (Superdong - Phú Quý I, Superdong - Phú Quý II, Phú Quý Express, Phú Quý Island); 07 tàu hàng (Hoàng phúc 27, Tuấn Tú 45, Tuấn Tú 09, Hoàng Bảo, Hoàng Thiên 99, Quản Trung, Quản Trung 02), nhờ đó đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu vận chuyển người dân và khách du lịch.

- Phương án phát triển kè du lịch:

+ Về đề xuất phương án xây dựng công trình kè bảo vệ bờ biển, cảnh quan tại khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh đề xuất phương án sơ bộ. Đồng thời, xây dựng đề cương đề án, hiện đang rà soát, lấy ý kiến các sở, ban, ngành để có đủ cơ sở thực hiện công tác đấu thầu, tuyển chọn tư vấn có đủ năng lực thực hiện đề án nghiên cứu chuyên sâu; dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2023.

+ Về dự thảo hướng dẫn xây dựng kè tạm bằng ống cát vải địa kỹ thuật Geotube cho các khu du lịch khu vực Hàm Tiến - Mũi Né: Hiện đang lập đề cương để hợp đồng với đơn vị tư vấn thực hiện công tác khảo sát, xác định khu vực bị sạt lở cần phải đầu tư trước và vị trí trong khu vực sạt lở cần ưu tiên làm kè trước để bảo vệ bờ biển và tạo bãi tắm; đồng thời, xác định lại đường bờ biển làm cơ sở để đầu tư xây dựng kè, phục hồi bờ biển và tạo bãi tắm theo ý kiến chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2023.

- Về tình hình cung ứng điện: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 48 nhà máy điện với sản lượng điện thiết kế khoảng 31,5 tỷ kWh/năm. Ngành công nghiệp điện, năng lượng của tỉnh đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội của cả nước và tỉnh nhà, trong đó có phát triển ngành du lịch, đảm bảo việc cung cấp điện ổn định cho ngành du lịch.

- Hạ tầng mạng lưới bưu chính, viễn thông được các doanh nghiệp quan tâm tiếp tục đầu tư theo hướng hiện đại, chất lượng các dịch vụ ngày càng được nâng lên. Hạ tầng mạng 3G, 4G phủ sóng tất cả các khu du lịch phục vụ cho nhu cầu thông tin liên lạc của du khách. Cuối tháng 6 năm 2022, Tập đoàn Viettel thử nghiệm phủ sóng di động thế hệ thứ 5 (5G) tại dự án NovaWorld và Novahill - thành phố Phan Thiết, đưa Bình Thuận trở thành một trong những tỉnh, thành phố được phủ sóng 5G sớm nhất cả nước.

2.3. Thu hút đầu tư, phát triển đa dạng, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch

Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, mời gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư chiến lược, có thương hiệu, uy tín, năng lực, kinh nghiệm để đầu tư các dự án quy mô lớn ở những khu vực có tiềm năng phát triển du lịch, dịch vụ của tỉnh theo quy hoạch. Tiếp tục rà soát, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, thực hiện tốt các khâu, các bước trong quy trình chấp thuận chủ trương đầu tư, giao đất, cho thuê đất, cấp phép xây dựng…, tạo môi trường thu hút đầu tư thông thoáng, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh về du lịch. Cơ cấu lại, đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch theo hướng:

- Du lịch biển, thể thao, giải trí: Thu hút đầu tư các dự án tổ hợp du lịch, khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, xanh - sạch - đẹp gắn với dịch vụ vui chơi, giải trí, thương mại, dịch vụ, thể thao, casino... Lấy Khu du lịch quốc gia Mũi Né làm hạt nhân lan tỏa để thúc đẩy phát triển du lịch ra các khu vực khác. Đăng cai tổ chức các giải thi đấu thể thao cấp quốc gia và quốc tế; trong đó xây dựng và phát triển giải lướt ván buồm cúp thế giới PWA Mũi Né – Việt Nam, nằm trong hệ thống giải đấu hàng năm của Hiệp hội lướt ván buồm thế giới PWA.

- Du lịch văn hóa: Khôi phục, giữ gìn, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, di tích lịch sử, văn hóa lễ hội, làng nghề truyền thống; phát triển các sản phẩm lưu niệm và ẩm thực đặc trưng của địa phương để tạo sự khác biệt, độc đáo của du lịch Bình Thuận. Đầu tư xây dựng Bảo tàng tỉnh, tiếp tục hoàn thiện Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ để bảo tồn, giới thiệu, quảng bá lịch sử, văn hóa của tỉnh gắn với phát triển du lịch.

- Du lịch điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe: Phát triển các khu du lịch điều dưỡng, chữa bệnh, các cơ sở hưu dưỡng. Thu hút các dự án đầu tư bệnh viện quốc tế gắn điều trị với chăm sóc, phục hồi sức khỏe, thẩm mỹ…

- Kết hợp du lịch nghỉ dưỡng – MICE: Đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng gắn với du lịch MICE. Thực hiện xã hội hoá xây dựng Trung tâm hội nghị - triển lãm tại Phan Thiết, nâng cấp và xây dựng mới cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị cho các trung tâm hội nghị, hội thảo tại các khu du lịch quy mô lớn, nâng cao trình độ và kỹ năng của nhân viên để đảm bảo chất lượng dịch vụ chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách.

- Du lịch nông nghiệp, sinh thái rừng - biển - đồi cát: Khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân đầu tư du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, học tập, nghiên cứu, trải nghiệm hoạt động nông, lâm nghiệp gắn với phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, chăm sóc và phát triển rừng, nuôi trồng thủy sản. Gìn giữ, bảo tồn, phát triển các khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông, Tà Cú, các khu rừng phòng hộ, rừng ngặp mặn, khu bảo tồn biển Phú Quý, Cù Lao Câu phục vụ du lịch sinh thái, trải nghiệm sống hài hòa với thiên nhiên và giáo dục ý thức bảo vệ môi trường. Tổ chức các tour khám phá đồi cát ven biển, hồ, thác nước (hồ Bàu Trắng, huyện Bắc Bình; hồ Đa Mi, huyện Hàm Thuận Bắc; Thác Bà, huyện Tánh Linh, đảo Phú Quý…), tuyến du lịch Tà Năng - Phan Dũng… Kêu gọi đầu tư các loại hình lái xe, đua xe mạo hiểm trên đồi cát; lặn khám phá biển…

- Du lịch cộng đồng: Khôi phục, giữ gìn, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, làng nghề, cảnh quan thiên nhiên; khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương về các sản phẩm OCOP, sản phẩm thủ công truyền thống, làng nghề… để phát triển du lịch cộng đồng. Bố trí ngân sách và huy động nguồn vốn xã hội hóa đầu tư phát triển các khu công cộng phục vụ du lịch cộng đồng, tạo điều kiện cho du khách có nhiều lựa chọn trong hoạt động du lịch nghỉ dưỡng, trải nghiệm, vui chơi, giải trí; đồng thời, khuyến khích, hỗ trợ người dân trực tiếp tham gia kinh doanh và hưởng lợi từ du lịch.

2.4. Nguồn nhân lực du lịch

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Du lịch Bình Thuận phối hợp với Trường Cao đẳng, Đại học có chuyên ngành du lịch, các đơn vị có liên quan thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ du lịch, bồi dưỡng kiến thức về du lịch cộng đồng cho lực lượng lao động, cộng đồng dân cư địa phương tham gia hoạt động du lịch.

- Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 16/26 cơ sở giáo dục nghề nghiệp có đăng ký hoạt động, tổ chức đào tạo các ngành nghề phục vụ phát triển du lịch. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh tuyển mới và đào tạo nghề cho 17.930/10.000 người, đạt 179,3% so với kế hoạch năm và bằng 244,41% (17.930/7.336) so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, tuyển mới đào tạo nghề thuộc lĩnh vực du lịch cho 955/17.930 người, chiếm tỷ lệ 5,33% (cao đẳng: 108 người, trung cấp: 376 người, sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng: 471 người). Một số ngành nghề đào tạo phục vụ du lịch gồm: Quản trị khu Resort; Quản trị kinh doanh nhà hàng khách sạn và du lịch, kinh doanh dịch vụ; Kỹ thuật chế biến món ăn; Dinh dưỡng và kỹ thuật nấu ăn; Tiếng Anh; Pha chế thức uống; Kỹ thuật chế biến bánh Âu; Nghiệp vụ bar trưởng, bếp trưởng,...

- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức 04 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cho cán bộ quản lý, nhân viên phục vụ ở các cơ sở kinh doanh du lịch, dịch vụ du lịch với số lượng 238 học viên bao gồm các lớp kiến thức du lịch cộng đồng; cứu hộ, cứu nạn và kỹ thuật bơi lội.

- Sở Nội vụ đã phối hợp với Trường Cán bộ quản lý Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức lớp bồi dưỡng “Nâng cao chất lượng hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch Bình Thuận” cho 33 công chức, viên chức thuộc các phòng quản lý du lịch địa phương, các ban quản lý khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh và các đơn vị thực hiện chức năng quảng bá xúc tiến du lịch của tỉnh.

- Hiệp hội Du lịch phối hợp Phòng khám đa khoa Kim Cương - Sài Gòn tổ chức 02 khóa tập huấn sơ, cấp cứu cho 28 doanh nghiệp đăng ký với gần 100 người tham gia; phối hợp Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tổ chức 01 khóa đào tạo kỹ năng lãnh đạo dành cho quản lý cấp trung với số lượng 56 học viên của 14 doanh nghiệp du lịch và 04 khóa đào tạo liên quan đến chuyên môn, nghiệp vụ dịch vụ, du lịch.

2.5. Hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch

Hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch trong thời gian qua được chú trọng và thực hiện bằng nhiều hình thức, hiệu quả mang lại rõ hơn. Bên cạnh nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước, đã tích cực vận động xã hội hóa để thực hiện các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Bình Thuận.

Bám sát chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch hàng năm của Tổng cục Du lịch, tỉnh đã tổ chức tham gia các sự kiện du lịch lớn ở trong và ngoài nước, đồng thời chủ động tổ chức nhiều sự kiện lớn ở tỉnh nhằm truyền thông, quảng bá tiềm năng, thế mạnh, sản phẩm du lịch của tỉnh góp phần định vị và phát triển thương hiệu du lịch Bình Thuận; triển khai Chương trình kích cầu nội địa nhằm thu hút khách du lịch nội địa.

Chất lượng các ấn phẩm quảng bá du lịch Bình Thuận ngày càng nâng lên cả về nội dung, hình thức. Thực hiện thường xuyên cập nhật thông tin du lịch Bình Thuận trên các website của tỉnh, của ngành và trên các phương tiện truyền thông trong nước và nước ngoài. Thiết lập các trang mạng xã hội, giới thiệu hình ảnh thông tin, clip…về du lịch Bình Thuận trên facebook, youtube... Phối hợp xây dựng, phát sóng các chương trình truyền hình tạo sự lan tỏa về hình ảnh du lịch Bình Thuận đến với du khách trong và ngoài nước.

Trên cơ sở sản phẩm lợi thế và tiềm năng phát triển du lịch, trên nguyên tắc hợp tác bình đẳng cùng có lợi, tỉnh đã liên kết, hợp tác phát triển du lịch vùng duyên hải Nam Trung bộ (trong đó Bình Thuận là một trọng điểm gắn với biển Mũi Né, đảo Phú Quý…), với các tỉnh Lâm Đồng, thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội… tạo điều kiện thu hút đầu tư các dự án du lịch; hỗ trợ công tác xúc tiến, quảng bá du lịch giữa các tỉnh, thành, trong liên kết vùng.

Việc mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, các hoạt động lễ hội truyền thống ở tỉnh để thu hút du khách được chú ý duy trì hàng năm và được sự quan tâm của chính quyền địa phương.

Đã tổ chức công bố biểu tượng (logo) du lịch Bình Thuận đồng thời triển khai bộ nhận diện, góp phần khẳng định và phát triển thương hiệu du lịch Bình Thuận đến các thị trường du lịch trong nước và quốc tế.

Hiện nay, cùng với Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông thường xuyên cung cấp, cập nhật thông tin về công tác chuẩn bị Năm Du lịch quốc gia 2023 – Bình Thuận Hội Tụ xanh cho các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương.

2.6. Khách du lịch, doanh thu du lịch

  Trong những năm gần đây, với chính sách đổi mới và hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước, phát huy tiềm năng, thế mạnh với những chủ trương, định hướng ưu tiên phát triển, du lịch tỉnh Bình Thuận được xác định là một trong 03 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà và đã có sự phát triển tích cực. Địa bàn du lịch được mở rộng; các điểm danh thắng được tôn tạo, nâng cấp; hệ thống các cơ sở lưu trú du lịch được quan tâm đầu tư phát triển. Chất lượng dịch vụ du lịch được nâng lên, lượng du khách và doanh thu du lịch tăng đều hàng năm, thương hiệu và uy tín được giữ vững, từng bước trở thành địa phương trọng điểm về du lịch của cả nước.

Khách du lịch đến Bình Thuận tăng nhanh, giai đoạn 2010 - 2019 tăng trưởng bình quân về lượt khách là 11%/năm, doanh thu tăng 23,6%/năm. Năm 2018, toàn tỉnh đón gần 7,4 triệu lượt khách, trong đó khách nội địa là 6,5 triệu lượt khách, khách quốc tế là 876.000 lượt khách. Doanh thu du lịch đạt trên 3.200 tỷ đồng. Năm 2019, toàn tỉnh ước đón 7.650.000 lượt khách tham quan, tăng 3,4% so với năm 2018; Trong đó: khách quốc tế ước 910.000 lượt khách, tăng 3,8% so với năm 2018; Doanh thu ước đạt 3.600 tỷ đồng, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2018. 

Ngành Du lịch Bình Thuận phát triển bước đầu tạo được sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng tăng tỷ trọng khối dịch vụ; đồng thời tạo chuyển biến tích cực trong hoạt động kinh doanh du lịch của các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh; góp phần tích cực đưa hình ảnh du lịch Bình Thuận thân thiện, an toàn và mến khách đến với cộng đồng và du khách; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ tài nguyên, môi trường du lịch.

3. Định hướng phát triển du lịch Bình Thuận trong thời gian tới

3.1. Quan điểm phát triển

- Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có nội dung văn hóa sâu sắc, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa và hội nhập quốc tế cao, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội; ưu tiên phát triển du lịch chuyên nghiệp, bền vững, an toàn, gắn với bảo vệ môi trường, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc.

- Phát triển đồng thời cả du lịch nội địa và quốc tế. Tăng cường liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa Bình Thuận với các địa phương khác trong nước và các nước trên thế giới; giữa ngành du lịch với các ngành, lĩnh vực khác.

- Thu hút các nhà đầu tư có thương hiệu, tiềm lực, kinh nghiệm, uy tín đầu tư vào tỉnh; phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ du lịch; nâng cao khả năng cạnh tranh của du lịch Bình Thuận là định hướng chiến lược quan trọng để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và là trụ cột kinh tế của tỉnh.

3.2. Mục tiêu phát triển

- Phấn đấu đến năm 2025: Đón 8,9 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế chiếm từ 10 - 12%. Doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 23.300 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2025 từ 18 - 20%/năm. Du lịch đóng góp vào GRDP của tỉnh đạt 10 - 11%.

- Phấn đấu đến năm 2030: Đón 16 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế chiếm từ 15 - 20%. Doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 63.000 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2026 - 2030 từ 20 - 22%/năm. Du lịch đóng góp vào GRDP của tỉnh đạt 12 - 13%. Quy hoạch và xây dựng nền tảng pháp lý, chính sách để Khu du lịch quốc gia Mũi Né trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

III. Công tác chuẩn bị Năm Du lịch quốc gia

1. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo

Tỉnh ủy, UBND tỉnh xác định Năm Du lịch quốc gia 2023 - Bình Thuận Hội tụ xanh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh; cơ hội lớn để Bình Thuận quảng bá, xúc tiến du lịch, thu hút các nhà đầu tư, khách du lịch trong nước, quốc tế đến Bình Thuận, tạo sự phát triển đột phá về du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong những năm tiếp theo. Vì vậy, UBND tỉnh đã đưa nội dung này vào Chương trình công tác năm 2023 và chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tập trung chuẩn bị các điều kiện để tổ chức thành công Năm Du lịch quốc gia 2023.

UBND tỉnh chỉ đạo Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch chủ động liên hệ, trao đổi với Tổng cục Du lịch, các Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố đã đăng cai Năm Du lịch quốc gia để trao đổi kinh nghiệm tổ chức các sự kiện của Năm Du lịch quốc gia, tổng hợp các tài liệu phục vụ cho việc xây dựng nội dung chương trình, kế hoạch tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2023 – Bình Thuận Hội tụ xanh. Phối hợp với Tổng cục Du lịch, các đơn vị liên quan tham mưu trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Chương trình Năm Du lịch quốc gia 2023 – Bình Thuận Hội tụ xanh; Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2023;

 UBND tỉnh ban hành Quyết định thành lập Ban Tổ chức, các tiểu ban Năm Du lịch quốc gia 2023; Kế hoạch tổ chức Năm Du lịch quốc gia, Kế hoạch tổ chức Lễ khai mạc và các hoạt động khác trong Chương trình Năm Du lịch quốc gia 2023.

 2. Công tác chuẩn bị cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật phục vụ cho Năm Du lịch quốc gia 2023

Để tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2023 tại Bình Thuận thành công tốt đẹp, tỉnh Bình Thuận đang tích cực thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu như: Giải phóng mặt bằng một số dự án du lịch còn đang vướng mắc; đẩy nhanh thi công các dự án cơ sở hạ tầng du lịch; chỉnh trang đô thị, cắt tỉa cây xanh, trồng hoa tại các nút giao thông, điện chiếu sáng trên địa bàn thành phố Bình Thuận; tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch; kêu gọi đầu tư xây dựng các cơ sở lưu trú, cơ sở dịch vụ vui chơi giải trí có chất lượng cao; tuyên truyền trực quan về Năm du lịch quốc gia trên địa tỉnh; đồng thời tăng cường tuyên truyền, quảng bá trong và ngoài nước về Năm Du lịch quốc gia 2023.

3. Về quy mô: Cấp quốc gia.

4. Về phạm vi tổ chức.

- Các hoạt động chính được tổ chức tập trung tại tỉnh Bình Thuận.

- Các chương trình, sự kiện hưởng ứng sẽ do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và một số bộ, ban, ngành Trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì tổ chức tại tỉnh Bình Thuận hoặc tại địa phương có liên quan.

5. Thời gian: Từ tháng 01 đến tháng 12 năm 2023.

6. Chủ đề và logo

- Chủ đề, Tiếng Việt: “Năm Du lịch quốc gia 2023 - Bình Thuận - Hội tụ xanh”. Tiếng Anh: “Visit VietNam year 2023 – BinhThuan Green Tourism comes together”

- Logo (sử dụng logo du lịch tỉnh Bình Thuận)

- Cơ quan chỉ đạo: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tỉnh ủy Bình Thuận.

- Cơ quan tổ chức: Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; các đơn vị liên quan; Ban Tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2023.

- Cơ quan thực hiện: Tổng cục Du lịch; các đơn vị thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận; Sở Du lịch/Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các sở, ban, ngành thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận và các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan.

- Cơ quan phối hợp: Các bộ, ban, ngành Trung ương và các cơ quan, đơn vị liên quan.

IV. Hoạt động của Năm Du lịch quốc gia

Năm Du lịch quốc gia 2023, Bình Thuận - Hội tụ xanh có 208 sự kiện, hoạt động; trong đó có 13 hoạt động tầm quốc gia do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các Bộ, ban, ngành Trung ương tổ chức; tỉnh Bình Thuận chủ trì tổ chức chuỗi 31 sự kiện, hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch đặc sắc, hấp dẫn có quy mô liên tỉnh, quốc gia và quốc tế diễn ra trong suốt năm 2023; cùng với đó là 164 sự kiện, hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia 2023 do 41 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND tỉnh Bình Thuận phối hợp tổ chức họp báo giới thiệu về Năm Du lịch quốc gia 2023 vào ngày 23/11/2022 tại thành phố Hà Nội nhằm cung cấp thông tin nội dung cơ bản của Năm Du lịch Quốc gia 2023 cho các cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương; tối ngày 31/12/2022 UBND tỉnh, thành viên Ban Tổ chức, UBND thành phố Phan Thiết và các cơ quan, đơn vị liên quan đã tổ chức Lễ công bố “Năm du lịch quốc gia 2023 - Bình Thuận - Hội tụ xanh” (gắn lễ hội đếm ngược và chương trình biểu diễn nhận cờ tại tỉnh Quảng Nam)

Lễ Khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2023 - Bình Thuận - Hội tụ xanh được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND tỉnh Bình Thuận phối hợp tổ chức vào lúc 19 giờ 30 phút, ngày 25/3/2023 tại NovaWorld Phan Thiết, xã Tiến Thành, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY BÌNH THUẬN

 

ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang