Tìm về Tết quê
anh tin bai

Kinh tế ở buổi cao trào, cao su thành vàng trắng, tiêu, điều giá bốc ngất. Đức Linh ào ào lột xác. Nhà cửa lên tầng, ngõ tường cao kín. Hàng trăm thứ trong nhà được sắm sanh với những loại đắt tiền. Ngườì Đức Linh ăn tết có vẻ giàu sang khi mà làng đua nhau lên phố. Mọi thứ có hết ở chợ. Ưng gì có nấy.

          Được chừng chục năm thì thoái trào. Cao su, tiêu, điều lúc thì mất mùa, lúc thì rớt giá, Rớt đến mức xót xa. Giá chỉ còn bằng phần tư, phần năm ngày trước.  Mấy năm nay người Đức Linh đằm lại trong cách chi tiêu vì đồng tiền khó kiếm. Vậy nên khi xuân đến, cái tết lại trở về với không khí ngày xưa, chân chất mà ấm cúng hơn lên.

Những năm trước ngại khó, muốn thứ gì chợ đều có sẵn. Gần hết tháng Chạp mới lo mua sắm,  thành thử tết đến muộn màng. Mấy năm nay các bà, các chị hẹn nhau làm các món. Vất vả chút nhưng  mà vui vì được sống lại với một thời tuổi trẻ. Mấy ông đàn ông trong nhà những năm trước ngại khó, sợ phải dọn dẹp, với lại có tiền mất gì không ra chợ. Vài năm nay các bà bày ra các thứ lủng củng mấy ông không phản đối, mấy bà coi như các ông đã ngầm ý đồng tình. Vậy là các bà tới luôn.

          Không khí tết! Đầu tiên là mấy cái lò nổ bỏng đì đùng. Âm thanh vang trầm lồng ngực tuổi thơ. Mùi bỏng nổ của gạo nếp thơm lựng một góc quê. Bỏng trong túi các em nhỏ. Bỏng được giấu trong cặp sách các cô, cậu học trò. Xòe tay, nắm bỏng nếp từ tay bạn chuyển sang tay mình, lao xao, lao xao hơi tết. Hương thơm bỏng nếp nôn nao mọi ngõ ngách xóm thôn. Bỏng được dùng làm bánh cốm trắng ngần, sánh mật. Đây là thứ bánh dân dã nhưng lúc nào cũng có trên bàn thờ ông bà tổ tiên ngày tết. Dù nó không đẹp như các thứ bánh được làm từ các nhà máy nhưng nó gần gũi với người quê vì tự tay người làng làm ra. Nó còn là kỉ niệm, là thứ gợi về những ngày tháng xa xưa của nhiều thế hệ.

           Tết quê, mỗi nhà không thể không có thứ mứt dừa đủ màu xanh đỏ. Dễ làm. Các công đoạn mua dừa về, chặt ra, chọn thứ trái có cơm dày để làm mứt. Cắt cơm dừa mỏng dày tùy tay gia chủ. Đến lúc nhuộm màu, sên đường rồi đem phơi. Cả thôn sặc sỡ đủ màu. Cũng có những người, nhất là người lớn tuổi lại thao thức với món bánh tổ. Chiếc bánh làm bằng bột nếp có vị ngọt của đường, vị cay nồng của gừng. Cầm chiếc bánh đằm nặng trên tay không cần trang trí, tròn to theo chừng tay múc. Bánh tổ được chưng trên bàn thờ hoặc ngoài bàn thiên. Cứ cầm chừng sau tết, khi mà các thứ bánh trái khác đã vơi đi thì bánh tổ thành chủ lực. Bánh được cắt lát, chiên lên, mùi thơm làm nôn nao cả xóm. Theo các cụ thứ bánh này hiền vì có hơi gừng nên khi ăn vào làm ấm bụng. Cắc cụp cắc cụp âm thanh chuẩn bị tết vang trầm khắp xóm.

           Rồi khi những nhà vườn tất bật chở hoa lên chợ,  không khí tết mới khẩn trương hơn. Ngôi nhà kiến trúc kiểu phố trở nên chật chội. Bộ bàn ghế salon giữa nhà được xếp gọn. Mọi công việc tràn ra cả sân. Các gia đình hiện đại đều sử dụng bếp ga thì nay chiếc bếp ga thành xa lạ. Hàng xóm í ới gọi nhau, chia nhau thứ này thứ khác. Kể cả mớ bột, bịch than…Việc làm bánh thuẫn thường làm về đêm. Buổi chiều tranh thủ đánh bột. Bột đánh càng lâu, càng kỹ thì chiếc bánh làm ra mới đẹp, mới thơm. Những nụ cười rạng rỡ trên gương mặt đỏ hồng vì sức nóng của bếp than hồng. Lối xóm í ới khoe nhau những chiếc bánh thuẫn nở đẹp. Những đứa bé ngồi sát bên bà hồi hộp chờ từng mẻ bánh. Mỗi khi xuất hiện những chiếc bánh “đầu tròn như sư cọ” là nhanh tay nhặt lấy – “Phần con”. Chiếc bánh ăn vào lúc đó thật sự ngon. Ngon vì mùi thơm của bột, của trứng, vị ngọt đậm của đường và cả chút hơi nóng của ngọn lửa truyền qua. Chiếc bánh tan trong miệng làm nôn nao hương vị tết.

anh tin bai

 

anh tin bai

          Cái sân nhà phố những ngày giáp tết mới chật chội khó xoay trở với đủ thứ của tết quê. Những chậu cây kiểng được khiêng dồn một góc. Ba hòn đá chẻ xếp lại thành bếp bên góc sân. Hàng xóm chia nhau từng bó củi được lấy từ rẫy về. Những tấm bạt trải ra giữa sân. Công nghệ đùm gói bánh chưng, bánh tét được chuyền từ sân nhà này sang sân nhà khác.  Ban đầu là sự vụng về của người lâu lắm không đùm, không gói. Nhưng sau vài ba thao tác, kỹ năng lại có dịp trở về. Những chiếc bánh chưng, bánh tét thành hình, sắc sảo. Vui nhất là các bà, các chị. Họ vừa làm vừa nhắc lại chuyện ngày xưa. Đêm 27, 28 tháng chạp cả một dãy khu dân cư thức bên nồi bánh chưng của tết. Cánh đàn ông chỉ biết lăng xăng bên các bà với những công việc lặt vặt như chế thêm nước, chụm thêm củi… Rồi bằng sự sáng tạo của một thành viên xóm, nhóm đàn ông chạy qua chạy về với chầu rượu đứng. Hơi nóng của bếp lửa làm má của các bà vợ ửng đỏ khi qua về khoe với nhau những món ăn mình đã làm được cho tết. Hơi nóng phừng phừng của rượu lại làm các ông hoạt bát hơn lên, nói những lời tếu táo, đôi mắt lúng liếng vì vui…

           Và ở Đức Linh nếu không nhắc đến cây mai ngày tết thì e có lỗi rất nhiều với xóm, với làng. Đức Linh không phải là địa phương duy nhất trồng mai, chơi mai. Nhưng không phải vô cớ mà giữa nhiều địa phương trồng mai như Hóc Môn, Củ Chi, Bình Định, mai Đức Linh cũng được kể tên trong danh sách chơi mai và nhiều cao thủ chơi mai tìm về. Mai Đức Linh trở thành loại mai địa phương có sức sống khỏe, bông to, cánh dày vì gốc gác là mai rừng được trồng hàng vài chục năm thuần hóa.

          Cứ vào khoảng ngày mười bốn, mười lăm tháng chạp, mọi nhà tíu tít ới gọi nhau nhắc con cháu lặt lá, cắt cành chờ ngày mai nảy nụ. Cũng có năm mai nở không đúng hẹn. Nhưng mai nở sớm hay nở muộn một vài hôm không việc gì phải băn khoăn như dân chơi chuyên nghiệp. Với mọi người dân Đức Linh, mai vàng có cả một tiết xuân. Chơi mai với cả “ Ba ngày tết, bảy ngày xuân”, có khi kéo ra cả nguyên tiêu vẫn còn kịp. Vậy là mai cứ thả sức nở, cứ bám vào đất mà rút mật ươm nụ, nảy bông. Dưới tán những cây mai, những chiếc bàn thiên chưng đầy lễ vật gia chủ cúng năm mới, bày tỏ lòng mình với trời đất, tổ tiên. Và cùng với triết lý giản đơn như thế cây mai vàng đã sinh sôi nảy nở mà gắn bó với con người. Có những “Lão mai” đến cả trăm năm tuổi. Mai Đức Linh không kiểu cách và cũng không khó tính như những cây mai trồng chậu của những người chơi sành điệu. Nếu có dịp đi suốt một vòng các con đường làng, ta phát hiện ra nhà nào cũng có một vài cây mai trồng ở trước sân. Một thứ mai giản dị, đơn giản nó xuất hiện như một lẽ tự nhiên trong đời sống người dân. Không cần săm soi, uốn tỉa. Cứ thế mai lớn lên với những trò chơi con trẻ trước sân nhà. Mai Đức Linh không chỉ đẹp ở một cành, một cây mà đẹp cả một trời sắc vàng nối dài theo xóm. Cây nối cây, nhà nối nhà cả một vùng rộng lớn. Đủ để giữ vẻ tôn nghiêm của không gian thờ cúng, đủ sức hàm chứa niềm vui sống, sự tự tin của ấm no trù phú.

          Cứ thế nhiều năm nay, những lứa mai vàng nối tiếp nhau gắn bó với mọi người dân và xứng đáng được xếp vào loài cây quý: cây phong thủy của làng.

          Bao nhiêu năm nay mai quê Đức Linh chịu nhiều nắng, mưa, gió, bão nhưng vẫn vững vàng theo năm tháng, vươn sức sống để đâm chồi nảy lộc, dường như đó là sự tượng trưng cho phẩm chất nhẫn nại, kiên trì và can đảm trước mọi khó khăn thử thách của con người. Mỗi độ xuân về, hoa mai vàng chớm nụ chuẩn bị khoe  sắc thì cũng là lúc những thành viên trong gia đình lại được tụ họp, quây quần bên nhau.  Mâm cỗ với các thứ bánh truyền thống cùng với cánh mai vàng, Đức Linh luôn giữ nét đẹp riêng của mình, một nét đẹp văn hóa truyền thống  mà trải qua nhiều nhiều năm lao động cần cù người dân mới tạo dựng nên được. Làng có thể thành phố, những ngôi nhà ngói xưa có thể được thay bằng những ngôi nhà nhiều tầng bề thế, nhưng không khí tết thì không thể phôi phai khi những chiếc bánh chưng, bánh tét, bánh thuẫn, mứt gừng, mứt dừa cùng với cây mai tạo nên không gian tết, không gian xuân, đã tạo nên truyền thống trong đời sống văn hóa và tâm linh của người dân Đức Linh.

           Trời thoáng một chút lạnh, kiểu lạnh đất phương Nam những ngày giáp tết. Xuân đã về, vời vợi sắc quê.

Đinh Đình Chiến

 

ipv6 readyChung nhan Tin Nhiem Mang