Địa chỉ đỏ - Đồi Lồ Ồ Xã Sùng Nhơn, huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận


Địa chỉ đỏ - Đồi Lồ Ồ

Nhìn lại chặng đường đấu tranh cách mạng vẻ vang, nhân dân Đức Linh luôn tự hào với những chiến công chói lọi, ghi dấu những mốc son trong trang sử quê hương anh hùng. Điạ chỉ đỏ - Đồi Lồ Ô, ở xã Sùng Nhơn, huyện Đức Linh là một trong những địa danh lịch sử gắn liền với những chiến công rực rỡ lưu mãi đến muôn đời sau.

Phát huy truyền thống bách chiến bách thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Với lòng căm thù giặc sâu sắc, ý chí quyết tâm và lòng dũng cảm tuyệt vời, với cách đánh mưu trí, sáng tạo, thực hiện phương châm “lấy ít đánh nhiều, lấy yếu đánh mạnh, lấy thô sơ thắng hiện đại”, lực lượng dân quân du kích, bộ đội địa phương cùng nhân dân trong huyện với các loại vũ khí thô sơ tự tạo đã giáng trả những đòn đích đáng vào đội quân xâm lược và bè lũ tay sai được trang bị hiện đại. Thực hiện liên tục, chủ động, tiến công mọi lúc, mọi nơi, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, đã đánh hàng trăm trận lớn nhỏ, tiêu hao, tiêu diệt hàng nghìn tên địch, phá hủy hàng ngàn tấn phương tiện chiến tranh các loại, gây cho địch nhiều nỗi kinh hoàng khiếp sợ, dồn chúng vào thế sa lầy, bị động, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị tập trung của Tỉnh, Quân khu tiến hành các trận tiêu diệt lớn.


Tháng 2/1965, huyện Hoài Đức (Đức Linh ngày nay) được giải phóng. Chiến thắng này đã giáng cho địch một đòn chí tử làm rung chuyển hệ thống kìm kẹp ở đây, góp phần đánh bại “Chiến tranh đặc biệt” của Đế quốc Mỹ. Địch hoang mang dao động, nên đã mở nhiều đợt càn quét đẫm máu. Những cán bộ, chiến sĩ cách mạng và nhân dân bám trụ phải lên núi cao, rừng sâu. Đồi Lồ Ô (hiện tọa lạc tại thôn 1 xã Sùng Nhơn) nằm trên sườn núi B’nom Panlon ở cực Nam dãy Trường Sơn có nhiều tảng đá lớn tạo thành hang đá tự nhiên, được rừng cây nguyên sinh và tre lồ ô che phủ nên được người dân địa phương đặt tên là đồi Lồ Ô. Nơi đây có vị trí hiểm trở, bí mật, an toàn, có tầm quan sát rộng, là một trong những nơi trú ẩn tương đối an toàn nên được chọn làm căn cứ kháng chiến. Những năm tháng chiến tranh, địch càn quét dữ dội, máy bay địch và bọn biệt kích luôn rình rập để tiêu diệt tận gốc vùng căn cứ cách mạng, nhưng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân luôn nêu cao tinh thần đấu tranh anh dũng và quyết tâm bám trụ. Lúc bấy giờ, các đảng viên của Đảng bộ Sùng Nhơn chủ yếu họat động ở đây. Cơ quan Huyện ủy đóng gần đồi Lồ Ô luôn tăng cường lãnh đạo và chi viện kịp thời.

Dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, quân và dân Sùng Nhơn đã vượt qua bao khó khăn, gian khổ, ác liệt, vừa sản xuất, vừa chiến đấu để bảo vệ đường dây Trung Sơn, phục vụ phía trước và giữ vững vùng căn cứ trước nhiều đợt càn quét và phi pháo của địch. Tiêu biểu là đẩy lùi trận càn của hơn một tiểu đoàn địch vào năm 1969, tiêu diệt 22 tên địch.

Từ căn cứ kháng chiến Lồ Ô, lực lượng cách mạng xã Sùng Nhơn ngày càng phát triển, phối hợp cùng quân và dân trong huyện tham gia chiến dịch giải phóng Hoài Đức vào ngày 23/3/1975.

Ngày nay, Di tích căn cứ kháng chiến - Đồi Lồ Ô là điểm tham quan giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ mai sau.

Trung Nguyên

          

ipv6 readyChung nhan Tin Nhiem Mang