Đảng bộ huyện tập trung lãnh đạo phát triển sản xuất nông nghiệp nâng cao đời sống nhân dân

Đảng bộ huyện tập trung lãnh đạo

phát triển sản xuất nông nghiệp

nâng cao đời sống nhân dân

          Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 và đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững  giai đoạn 2013 - 2020. Năm năm qua Đảng bộ huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục khó khăn, tranh thủ sự ủng hộ, quan tâm đầu tư của cấp trên, phát huy tiềm năng và lợi thế của các loại cây trồng chủ lực, tích cực ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.

Cơ sở hạ tầng giao thông nội đồng, thủy lợi, nhất là hệ thống thuỷ lợi Tà Pao, phục vụ tốt công tác tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng tổng diện tích tưới lên 105.577 ha/103.000 ha, đạt 102,5% kế hoạch, tăng 38,02% so với giai đoạn 2010 - 2015, năng suất và sản lượng gia tăng tạo ra trên 30%. Chuyển đổi 8.504 ha đất lúa sang cây trồng cạn cho hiệu quả kinh tế cao, doanh thu từ 110 - 130 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận bình quân 40 - 50 triệu đồng/ha/năm.

Nhiều mô hình liên kết thực hiện thành công, góp phần tạo ra chuỗi sản xuất nông nghiệp chất lượng cao như: Mô hình liên kết sản xuất lúa nếp giữa Hợp tác xã Công Thành Đức Linh với nông dân xã Đức Chính, Nam Chính, thị trấn Đức Tài, với diện tích 2.430 ha. Đồng thời liên kết hợp tác với Công ty Đô Thành xúc tiến mở rộng mô hình lúa hữu cơ bao tiêu sản phẩm cho nông dân 22 ha, tăng so với đầu năm là 20 ha. Liên kết, bao tiêu sản phẩm bưởi da xanh ở thị trấn Đức Tài. Hiện nay đã tập hợp 15ha/10 hộ trồng bưởi da xanh, dự kiến đầu ra sẽ chuyển về Bến Tre và Bình Dương để tiêu thụ và xuất khẩu. Liên kết với Công ty AVIGROW mở rộng mô hình trồng chuối cấy mô xuất khẩu sang Nhật Bản có cam kết đầu tư và bao tiêu sản phẩm, đến nay diện tích hơn 20 ha ở Trà Tân, Đức Hạnh, tăng 18 ha so với đầu năm 2019. Liên kết chăn nuôi vịt giữa đơn vị cung cấp thức ăn gia súc Gold Coin với nông dân vẫn được duy trì, thực hiện liên kết hơn 1triệu con vịt thịt, bình quân trong năm lợi nhuận khoảng 10 triệu đồng/1.000 con/2,5 tháng.

 Các loại cây trồng ngắn ngày và cây lâu năm phát triển ổn định, tổng diện tích cây lâu năm hiện là 30.554 ha. Huyện đã xây dựng nhiều mô hình trình diễn, khảo nghiệm trên cây trồng, con nuôi có kết quả. Tỷ lệ sử dụng giống xác nhận trên 90%, ứng dụng cơ giới vào sản xuất chiếm tỷ lệ trên 85%. Chăn nuôi phát triển khá nhanh và chuyển đổi tích cực theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường, hiện có 41 trang trại, trong đó có 25 trang trại sử dụng công nghệ bán tự động. Công tác khuyến nông, chuyển giao ứng dụng khoa học, công nghệ được chú trọng, trung bình mỗi năm mở khoảng 60 lớp tập huấn, hơn 100 buổi hội thảo về sản phẩm và kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi.

Kinh tế tập thể - kinh tế hợp tác gắn với dịch vụ nông nghiệp đã có bước khởi sắc, nhiều hợp tác xã (HTX) được chuyển đổi và thành lập mới, từng bước hoạt động có hiệu quả, thực hiện một số dịch vụ cung ứng vật tư, bao tiêu sản phẩm nông nghiệp và hỗ trợ kịp thời các hộ sản xuất, các HTX nông nghiệp sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Có 30% hợp tác xã hoạt động có hiệu quả tổ chức được các liên kết sản xuất với nông dân, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân.  Nông dân tiếp cận các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, bảo đảm năng suất, chất lượng, được thị trường ưa chuộng để đưa vào sản xuất, nhân  ra diện rộng.

Để quản lý nguồn gốc xuất xứ các sản phẩm nông nghiệp ngành nông nghiệp huyện đã đã phối hợp với  đơn vị triển khai ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất để thực hiện đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu như: Lúa nếp HTX Công Thành; các sản phẩm gạoTinh Hoa Gạo của công ty TNHH Đại Nhật Phát đã được cấp nhãn bao bì và Chứng nhận HACPP; Bưởi da xanh Đông Hà; Sầu riêng Rô Mô (ĐaKai); Hồ tiêu Đắc Lộc, Rau an toàn Trà Tân; Rau an toàn Tiến Phát (Vũ Hòa); Hạt điều rang muối Hoàng Gia Tiến (Đức Hạnh); Dầu thực vật Lê Thông (Mê Pu) và sẽ còn những thương hiệu sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của huyện được cơ quan chức năng công nhận, đánh dấu bước đổi mới trong cách nhìn nhận tiến bộ của người dân làm nông nghiệp ở Đức Linh. Sản xuất đi đôi với chất lượng đảm bảo an toàn thực phẩm, uy tín để gắn kết với thị trường tiêu thụ mới, tạo giá trị bền vững.

Có thể khẳng định, qua 5 năm thực hiện sản xuất nông nghiệp đã có sự thay đổi theo hướng tích cực, hình thành vùng sản xuất chuyên canh tập trung hiệu quả thu nhập trên 1 ha đất, đời sống, thu nhập người dân đã được nâng lên rõ rệt cao hơn 1,5 lần so với  nhiệm kỳ 2010 - 2015. Trên địa bàn huyện đã hình thành được các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung và từng bước tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện theo hướng mỗi làng một sản phẩm, chuyển từ sản xuất truyền thống sang phát triển các loại cây đặc sản chất lượng cao, sản xuất bước đầu được kết nối với thị trường theo chuỗi giá trị. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới được người dân hưởng ứng, từ đó bộ mặt nông thôn khang trang, sạch, đẹp hơn.

Tuy nhiên, trong sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhỏ lẻ, do vậy việc ứng dụng công nghệ trong sản xuất chưa được rộng khắp, mới chỉ áp dụng trên những mô hình trang trại và gia trại, nên chất lượng nông sản và tính cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp chưa cao. 

 Trong  nhiệm kỳ 2020 -  2025, Đảng bộ huyện Đức Linh tập trung lãnh đạo phát triển những ngành hàng có lợi thế và có sức cạnh tranh cao, có tiềm năng phát triển rõ rệt đáp ứng những thị trường có nhu cầu lớn trong nước và xuất khẩu. Đặc biệt triển khai đồng bộ khâu đột phá trong nông nghiệp, đó là tổ chức thực hiện Đề án phân tích tính lý hóa đất lúa, bố trí vùng lúa chất lượng cao để đến năm 2025 toàn huyện có trên 1.000 ha lúa sản xuất chất lượng cao theo chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp, HTX với nông hộ từ khâu đầu tư ban đầu đến khâu cuối cùng thu mua và sơ chế tiêu thụ để nâng cao giá trị. Ngành nông nghiệp huyện sẽ tiếp tục phối hợp với các chính quyền địa phương, tổ chức, Doanh nghiệp, HTX và nhân dân để khuyến khích thực hiện liên kết sản xuât theo chuỗi giá trị. Tạo điều kiện để các doanh nghiệp, HTX tham gia vào các chương trình, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, trong đó chú trọng các dự án nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao. Khuyến khích giới thiệu sản phẩm cho các đơn vị tổ chức có tiềm năng, nhằm phát huy thế mạnh, để tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp được đưa vào danh sách sản phẩm OCOOP của huyện nhà.

Để thực hiện được điều đó, cần có sự duy trì và gắn kết chặt chẽ giữa nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nông, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp của huyện theo hướng tham gia hội nhập vào thị trường nông sản. Hy vọng, với tiềm năng thế mạnh hiện có, sự đồng thuận của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện, Đức Linh sẽ có bước đột phá mới trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp trong nhiệm kỳ 2020 - 2025.

                                                          Trương Quang Đến

 

 

 

ipv6 readyChung nhan Tin Nhiem Mang