10/12/2020
Đức Linh: Triển khai Kế hoạch hành động thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và Đề án phân tích tính lý hóa của đất và bố trí vùng lúa chất lượng cao
UBND huyện Đức Linh vừa triển khai Kế hoạch hành động
thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và Đề án phân tích tính lý hóa của
đất và bố trí vùng lúa chất lượng cao gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên
đất lúa đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 .
Việc triển khai kế hoạch nhằm mục đích cơ cấu lại
ngành sản xuất nông nghiệp gắn với tình hình phát triển kinh tế xã hội và bảo
vệ môi trường, phát triển ngành nông nghiệp bền vững theo chuỗi liên kết trong
sản xuất. Tạo động lực thu hút nhà đầu tư vào công nghệ sơ - chế biến nông sản.
Thực hiện chuỗi sản xuất nhằm tăng sức cạnh tranh, nâng cao giá trị gia tăng
sản phẩm nông nghiệp trên thị trường. Phấn đấu doanh thu bình quân đạt 140-150
triệu đồng/ha/năm, cho thu nhập bình quân đạt từ 55-60 triệu đồng/ha/năm, giá
trị tăng trưởng ngành nông nghiệp bình quân hàng năm đạt 3%/năm. Tổ chức thực hiện
tốt Đề án phân tích tính lý hóa của đất và bố trí vùng lúa chất lượng cao gắn
liền với chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa đến năm 2020, định hướng đến
năm 2030. Phấn đấu đến năm 2025 hình thành vùng sản xuất lúa chất lượng cao đạt
ít nhất 1.000 ha. Xây dựng và phát triển ít nhất 1 thương hiệu lúa gạo chất
lượng xuất khẩu.
Để triển khai kế hoạch đạt hiệu quả, yêu cầu sự vào
cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị, nhất là cấp xã thực hiện công tác vận
động người dân thay đổi tập quán sản xuất trên cây trồng, con nuôi để khai thác
hết tiềm năng, lợi thế về đất đai, thổ nhưỡng nhằm tăng năng suất, sản lượng và
chất lượng sản phẩm để tăng giá trị doanh thu trên 1 hecta đất canh tác cao
nhất. Khuyến khích người dân tích tụ ruộng đất và thực hiện dồn điền đổi thửa
để dần hình thành nên “cánh đồng lớn” thuận lợi trong áp dụng cơ giới hóa theo
hướng tiên tiến vào sản xuất. Huy động các nguồn lực, nhân lực, phát huy phong
trào thủy lợi nhỏ và cải tạo đồng ruộng để đảm bảo các điều kiện nước tưới, áp
dụng đồng bộ quy trình sản xuất, cơ giới hoá, công nghệ tiên tiến vào sản xuất
tạo ra sản phẩm lúa gạo an toàn, đạt chất lượng. Khuyến khích người dân và
doanh nghiệp thực hiện chuỗi liên kết sản xuất lúa theo quy trình SRI, hình
thành và phát triển vùng sản xuất lúa chất lượng cao. Gắn sản xuất với thu mua,
chế biến và tiêu thụ sản phẩm cung cấp cho thị trường, qua đó nâng cao giá trị
gia tăng và hiệu quả sản xuất lúa.
Ngọc
Tượng