Khi vùng giáp ranh ở Đức Linh có lợi thế so sánh

 

anh tin bai

Đồng chí Tiêu Hồng Phúc - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy

 Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh

Cùng lãnh đạo các sở ngành làm việc với huyện và chủ đầu tư

về kế hoạch xây dựng nhà ở xã hội

tại Cụm công nghiệp Nam Hà (Đông Hà).

 

Những ngày cuối năm 2023, ghé Cụm công nghiệp Nam Hà (xã Đông Hà) cảm nhận không khí nhộn nhịp phấn khởi khi hệ thống nhà xưởng giai đoạn 1 của Công ty TNHH Giày Nam Hà Việt Nam đã thi công xong và đưa vào hoạt động với kế hoạch cần 10.000 lao động. Người lao động từ các nơi nườm nượp về đây, trong đó phải kể đến người lao động ở 2 huyện Đức Linh, Tánh Linh vốn bị mất việc từ các công ty ở Đồng Nai, Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh đã kịp tìm được công việc tương tự tại quê nhà. Và mấy tháng qua, họ đã thử việc ở nhà máy trong cùng công ty tại Xuân Lộc – Đồng Nai, để chuẩn bị khi hệ thống nhà xưởng ở xã Đông Hà hoàn thiện thì bắt đầu thực hiện đơn hàng tốt mà công ty đã nhận được vào đầu năm 2023.

Trong bối cảnh khó khăn chung của sản xuất, kinh doanh, điều đó như thêm may mắn cho vùng đất giáp ranh này của Đức Linh với huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) đã thành vùng lợi thế. Nói vậy, bởi trước kia nơi đây bạt ngàn rừng cao su và cuộc thay đổi ngoạn mục ấy vốn dĩ do chính lãnh đạo huyện Đức Linh và lãnh đạo tỉnh đã chung sức, hỗ trợ cùng doanh nghiệp thực hiện đúng các thủ tục đầu tư cụm công nghiệp một cách sớm nhất, tìm kiếm được nhà đầu tư thứ cấp phù hợp để bây giờ vùng sản xuất, kinh doanh đang định hình.

Điều đáng quan tâm khác, chủ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp này cũng đang xúc tiến thủ tục đầu tư xây dựng các lốc nhà ở dành cho công nhân nằm gần Cụm công nghiệp Nam Hà. Theo thiết kế sẽ xây 3 lốc nhà ở công nhân trong khuôn viên 10 ha đất liền kề các khu dân cư kiểu mẫu với những công trình hạ tầng hầu hết đã hình thành như công viên, trạm y tế, trường mẫu giáo, chợ, trung tâm thương mại, sân vận động… Đây là một sự khác biệt, góp phần quyết định tạo nên lợi thế so sánh của cụm công nghiệp. Khi công nhân tập trung về trong giai đoạn 1, trong đó có cả người từ nơi khác đến vốn thường mang tâm lý chung rất cần một chỗ ở gần chỗ làm. Đó là ước mơ rất đơn giản, thiết thực của người lao động nhưng lại thành xa vời trong thời gian qua, chỉ vì phần lớn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trên cả nước, chứ không chỉ Bình Thuận đã không có quỹ đất dành cho phát triển những khu nhà ở cho công nhân. Và dịch COVID-19 vừa qua đã phơi bày rất rõ điều đó, khi chủ trương phải sản xuất 3 tại chỗ để bảo đảm vẫn có hàng hóa trong dịch bệnh, các doanh nghiệp đã lúng túng thực sự và không thể tiếp tục trong thời gian dài hơn. Vì vậy, việc Cụm công nghiệp Nam Hà được bố trí 10 ha đất để xây 3 lốc nhà ở cho công nhân, là một sự hoàn chỉnh, hứa hẹn khắc phục được những biến cố như dịch bệnh… bất ngờ ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh. Hơn thế, còn góp phần nâng cao mức sống cho người công nhân ở đây theo đúng nghĩa an cư lạc nghiệp.

Đồng chí Nguyễn Văn Húy, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, cho biết: việc xây dựng nhà ở cho công nhân tại Cụm công nghiệp Nam Hà là một bước đi phù hợp. Thông qua hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong xây dựng lẫn mua căn hộ nhà ở xã hội, cả doanh nghiệp và công nhân đều được hưởng lợi ở các góc độ khác nhau, hướng đến sự phát triển bền vững.

Hảo Chi

ipv6 readyChung nhan Tin Nhiem Mang