Phát triển công nghiệp năm 2023 – Bình Thuận ghi tên Đức Linh

 

anh tin bai

Công ty TNHH Giày Nam Hà Việt Nam (Đông Hà)

Tuyển dụng lao động.

 

 

          Có thể nói, 3 cụm công nghiệp thành lập theo Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 với tổng diện tích 182,8 ha do doanh nghiệp làm chủ đầu tư hạ tầng đều thuộc địa bàn xã Đông Hà, là nhộn nhịp nhất trong đầu tư hạ tầng và thu hút đầu tư không chỉ ở Đức Linh mà còn so với các cụm công nghiệp lẫn khu công nghiệp trong tỉnh Bình Thuận.

Sự đặc biệt may mắn

Đầu tháng 10/2023, Công ty TNHH Giày Nam Hà Việt Nam (Cụm công nghiệp Nam Hà - xã Đông Hà) bắt đầu tuyển dụng người lao động. Hình ảnh người người chen nhau nộp hồ sơ xin việc, bất chấp trời đang mưa; quang cảnh buổi phỏng vấn, những cán bộ của Công ty TNHH Giày Nam Hà Việt Nam tất bật lựa chọn nhân sự để bảo đảm cho kế hoạch khởi động các chuyền may đầu tiên của giai đoạn 1 vào giữa tháng 10, trở nên đặc biệt trong bối cảnh sản xuất kinh doanh nhiều biến động 2 năm qua.

Vừa dứt dịch bệnh Covid -19 lại chiến tranh Nga - Ucraina kéo dài làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu khiến các công ty có liên quan bị đứt đơn hàng, không có đơn hàng, phải sa thải nhiều công nhân, trong đó có lao động tại Bình Thuận. Trong khi đó, không ít doanh nghiệp ở các khu công nghiệp (KCN) tại tỉnh cũng không ngoại lệ, phải ngưng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng nên tình hình người lao động mất việc làm đã và đang diễn ra.

Trong bối cảnh trên, tại cụm công nghiệp (CCN) mới xuất hiện ở xã Đông Hà - giáp ranh vùng kinh tế năng động phía Nam này, một công ty sản xuất giày cho tập đoàn Nike (Hoa Kỳ) đã xây dựng xong nhà máy giai đoạn 1 với kế hoạch tuyển 7.000 lao động sẽ chính thức đi vào hoạt động vào cuối năm 2023. Chưa thể dự liệu điều gì rõ hơn trong tương lai, nhưng trước mắt đó là sự may mắn đặc biệt, là điểm sáng, điều hy vọng. Vì đến cuối năm nay, không chỉ mở ra một thị trường tuyển lao động cho người dân 2 huyện Đức Linh, Tánh Linh và cả vùng gần của huyện Xuân Lộc (Đồng Nai), mà còn tạo sức hấp dẫn từ chính sách trả lương của công ty, góp phần nâng thu nhập người lao động trong cảnh khó khăn chung. Chủ trương công ty mẹ của Công ty TNHH Giày Nam Hà Việt Nam, là đều trả mức lương vùng 1 cho người lao động, kể cả các nhà máy của công ty có nằm ở 3 vùng khác đi nữa. Theo đó, Đông Hà - Đức Linh thuộc vùng 4 nhưng người lao động làm việc trong nhà máy ở đây vẫn hưởng lương của vùng 1, tức thành phố Hồ Chí Minh - nơi mà lâu nay, người lao động ở Đức Linh, Tánh Linh bất chấp làm việc xa nhà để được hưởng. Có việc làm, lại gần nhà và đặc biệt nhận mức lương cao như ở thành phố Hồ Chí Minh là 3 điểm hấp dẫn khiến việc tuyển dụng của Công ty TNHH Giày Nam Hà Việt Nam có nhiều cơ hội lựa chọn nhân lực.

Vì vậy, chỉ trong thời gian ngắn, đơn vị đã tuyển được 1.000 lao động theo chuẩn đặt ra, khởi động các chuyền may đầu tiên từ giữa tháng 10/2023. Việc tuyển dụng lao động ở đây vẫn tiếp tục song song với việc lắp ráp 9 chuyền may khác. Theo kế hoạch, cứ xong chuyền nào là nhà máy sẽ đưa chuyền đó vào hoạt động, nên đến cuối năm nay 2023 công ty vẫn tất bật tuyển dụng lao động, vận hành thử nghiệm để nhà máy chính thức hoạt động, bảo đảm tiến độ thực hiện các đơn hàng. Theo thông tin từ Công ty TNHH Giày Nam Hà Việt Nam, năm 2024 sẽ sản xuất 4 triệu sản phẩm.

Sự khác biệt từ an cư

4 triệu sản phẩm giày trên được ghi vào kế hoạch phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - dịch vụ năm 2024 của huyện. Đây là sản phẩm mới được sản xuất trên địa bàn huyện và Nhà máy Giày Nam Hà Việt Nam rộng hơn 70 ha là kết quả nổi bật của cả quá trình phát triển công nghiệp ở Đức Linh. Theo quy hoạch đến năm 2030, trên địa bàn huyện sẽ thành lập 9 cụm công nghiệp với diện tích 497,16 ha. Và đến thời điểm cuối năm 2023 trên địa bàn huyện đã thành lập được 6 CCN với quy mô tổng diện tích khoảng 278 ha. Trong đó có 3 CCN với tổng diện tích 95,34 ha được thành lập trước năm 2017 hiện do Nhà nước quản lý chưa được đầu tư cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh nên cũng chưa phát huy hiệu quả rõ rệt, dù tỷ lệ lấp đầy với CCN Hầm Sỏi - Võ Xu chiếm 51,2%, CCN Mê Pu 65,7%, CCN Sùng Nhơn 83%.

Trong khi đó, 3 CCN còn lại với tổng diện tích 182,8 ha thành lập theo Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 do doanh nghiệp làm chủ đầu tư hạ tầng gồm CCN Nam Hà, CCN Nam Hà 2 và CCN Đông Hà đều thuộc địa bàn xã Đông Hà thì có thể nói là nhộn nhịp nhất trong đầu tư hạ tầng và thu hút đầu tư không chỉ ở Đức Linh mà còn so với các CCN lẫn KCN trong tỉnh. Ngoài các hạng mục cơ bản đã thi công xong, trong năm các chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp trên địa bàn xã Đông Hà đã tiếp tục triển khai thi công các hạng mục để hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp. Cụ thể, 2 CCN Nam Hà, Nam Hà 2 được tiếp tục thi công hoàn thiện hạng mục trạm xử lý nước thải tập trung, bảo vệ môi trường, hệ thống thoát nước mưa, hệ thống cấp nước và PCCC và các con đường chính của cụm… Còn CCN Đông Hà cũng tiếp tục hoàn chỉnh cấp phối và thảm nhựa 5/8 tuyến đường chính và hoàn thành hệ thống thoát nước mưa, nước thải…

Sự nhộn nhịp ấy cũng tỷ lệ thuận với thu hút dự án thứ cấp vào các CCN trên địa bàn xã Đông Hà. Như tại CCN Đông Hà, các dự án thứ cấp đang đẩy nhanh tiến độ đầu tư. Cụ thể, nhà máy sản xuất máy móc thiết bị của công ty TNHH Intermac; nhà máy đóng gói thực phẩm của công ty TNHH Eul sung VINA; dự án sản xuất linh kiện xe hơi của công ty TNHH AISL VINA. Và hiện nay, chủ đầu tư đã thực hiện ký kết cho thuê đất diện tích 10.124,48 m2 với Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng HT. Và tại CCN Nam Hà, Công ty TNHH Giày Nam Hà Việt Nam đã bước vào giai đoạn chính thức đi vào hoạt động vào cuối năm 2023.

Vì sao công ty này chọn vào CCN Nam Hà, nơi mà trước mắt với hạ tầng kỹ thuật chưa thuận lợi bằng các CCN, KCN ở các tỉnh, thành nằm trong vùng kinh tế năng động phía Nam? Câu trả lời cho thấy, bên cạnh hạ tầng sẽ sớm đầu tư hoàn chỉnh, chính các khu dân cư kề bên CCN mà chủ đầu tư hạ tầng ở đây xây dựng theo mô hình sản xuất - an cư là mấu chốt tạo ra sự khác biệt để có sự lựa chọn trên.

 

Đồng chí Nguyễn Văn Húy - Tỉnh ủy viên - Bí thư Huyện ủy cho biết, mô hình xây dựng CCN kèm theo khu dân cư liền kề mà chủ đầu tư hạ tầng các CCN Nam Hà và Nam Hà 2 triển khai tại xã Đông Hà là hiếm có không chỉ ở Bình Thuận mà cả toàn quốc. Có thể ở nơi khác, hạ tầng kỹ thuật tốt nhưng chỗ ở công nhân không có hoặc chật chội thì rất khó ứng phó, nếu như xảy ra biến cố như đợt dịch bệnh COVID-19 rồi. Do đó, mô hình sản xuất - an cư ở Đức Linh là điểm khác biệt, quyết định để thu hút các dự án thứ cấp vào.

 

Nguyễn Huỳnh Long

 

ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang