Ông Nguyễn Văn Tiến
thị trấn Đức Tài.
Lâu rồi thú chơi câu đối ở
thôn quê nhạt dần nên tôi bất ngờ khi được đọc đối câu đối Tết của anh Nguyễn Văn
Tiến ở tổ 10, khu phố 2, thị trấn Đức Tài :
ĐÓN THỜI CƠ MỚI ĐẢNG VẠCH ĐƯỜNG ĐƯA ĐẤT NƯỚC
VĂN MINH TƯƠI SẮC MỚI
THỪA
KHÍ THẾ XUÂN DÂN ĐƯA BƯỚC DỰNG QUÊ HƯƠNG GIÀU MẠNH ĐẬM MÀU XUÂN.
Tôi tò mò,
thích thú tìm đến anh.
Anh
sinh năm 1938 nhưng tôi vẫn gọi bằng anh vì cái dáng thư sinh vốn nghiệp thầy
giáo thời trai trẻ của anh. Sau 1975 anh là một trong những chủ nhiệm lăn lộn
với phong trào hợp tác xã nông nghiệp kiểu mẫu ở huyện. Anh am hiểu nhiều về
lịch sử, đền đài miếu mạo và những thay đổi của thổ nghi vùng đất Đức Linh. Anh
có thú vui Hán Tự. Anh có tập thơ Đường “Giọt quê thi tứ” là thi phẩm của những
cảm xúc với quê hương, bè bạn, là những cuộc đối họa với bạn thơ muôn nơi trong
các câu lạc bộ Thơ Đường. Vậy mà anh vẫn còn miệt mài với một kiểu say: say câu
đối. Tôi rất vui khi tìm lại được từ anh thú chơi chữ nghĩa.
Những
năm gần đây phải sống hối hả trong sức nóng của kinh tế thị trường, ở các thành
phố lớn chỉ vào dịp Tết nguyên đán mới xuất hiện những phố trưng bày thư pháp
và những câu đối mừng tết, mừng xuân. Các ông đồ già, đồ trẻ mũ mão chỉnh tề
trịnh trọng tay đưa như rồng bay phượng múa. Những câu đối bằng chữ Hán, chữ Nôm
đẹp trong giấc mơ của người bán và người mua. Nhưng chỉ là những ngày xuân về,
tết đến. Còn ở vùng nông thôn, thú chơi này hầu như mai một. Nhất là những ngày
thường, lại càng ít ai quan tâm tới. Thế mà ở Đức Linh vẫn có một người say
trong thao thức hằng đêm với việc chọn câu, đối chữ.
Bây giờ cầm
trên tay tập HIẾU HỶ ĐỐI THI tập hợp 116 câu đối mà anh Nguyễn Văn Tiến đã miệt
mài sáng tác trong nhiều năm để tặng bạn bè, người thân và cũng để ngâm nga
chiêm nghiệm. Tập câu đối có 6 phần, với các đề tài: mùa xuân, tân hôn, tân
gia, mừng thọ, tang hiếu và xã hội. Câu đối viết cho Xuân cho Tết chiếm số
nhiều trong tập. Tôi ngạc nhiên là nhiều câu đối của anh đã đến với cuộc sống
thường nhật, như chúc tân hôn cho con của bạn, cháu của người thân; chúc tân gia cho con, cho bạn và ngạc nhiên
hơn là những câu đối cho cả siêu thị điện thoại di động Trọng Loan, hiệu ảnh Thanh
Vân; khai trương Công ty An Bình Long khu công nghiệp Sóng Thần; tặng UBND thị
trấn Đức Tài; tặng trường THPT Hùng Vương nhân khai giảng năm học mới; trang
trí cổng trại “Quyết thắng” nhân kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt
Nam,…
Câu đối của
anh viết khi xuân về, tết đến, trong lễ lạt hoặc các sự kiện gia đình bạn bè
như tân gia, mừng thọ, đám cưới, đám hỏi và những ngày vui khác. Chính lối sinh
hoạt này đã tạo nên ở gia đình anh và các con cháu một cách sống chuẩn mực pha
một chút nghiêm khắc cổ phong. Con cháu, bạn thân vẫn luôn chờ đón ở anh những
đôi câu đối trong các dịp trọng đại của gia đình. “ Không có câu đối của ông,
gia đình thấy thiêu thiếu một điều gì đó”. Đôi câu đối sáng màu vàng đỏ làm
tăng thêm vẻ tôn nghiêm, trang trọng trong các sinh hoạt tâm linh của xóm làng.
Trước bàn thờ nghi ngút khói hương, đôi câu đối nền đỏ chữ vàng hai bên thay
cho lới khấn nguyện. Anh dạy con cháu nhớ công đức tổ tiên bằng những câu đối
nằm lòng:
TỔ TIÊN MUÔN THUỞ LƯU CÔNG ĐỨC
CON CHÁU MỘT LÒNG NHỚ NGHĨA ƠN.
Ngày cha mất
anh đã khóc tiễn cha khi cụ hưởng thọ 92 tuổi, với 56 năm tuổi Đảng. Anh khóc
tiễn cha nhưng thầm nhắc cháu con về
niềm tự hào của cha ông một thuở. Đôi câu đối trên bàn thờ anh viết:
CHÍN
HAI TUỔI VỮNG BƯỚC VỚI ĐỜI SỰ NGHIỆP GIA ĐÌNH CHUNG SỨC GÁNH
NĂM
SÁU NĂM BỀN LÒNG THEO ĐẢNG CƠ ĐỒ ĐẤT NƯỚC GÓP CÔNG XÂY.
Quê anh ở Quảng Ngãi, tâm tư
luôn hướng về quê, và anh tự hào viết về quê hương Quảng Ngãi của mình:
QUẢNG KHÍ HÀO HÙNG
MUÔN THUỞ TRỜI MÂY VỜN NÚI ẤN
NGHĨA TÌNH DÀO DẠT
NGÀN NĂM TRĂNG GIÓ LUYẾN SÔNG TRÀ.
Vốn là người luôn quan tâm
tới những hoạt động văn hóa tâm linh, những nơi chùa thiêng miếu cổ, những sự
kiện cúng bái, tế lễ và cả những hoạt động của các tổ chức thiện nguyện trong
vùng. Chùa Quảng Hương ở xã Đức Chính do sư cô Thích Nữ Diệu Hương trụ trì có
rất đông phật tử, tiếng lành đồn xa về những việc làm giàu ý nghĩa. Cảm công
đức sư cô anh viết:
DIỆU PHỔ KINH LUÂN HOẰNG CHÁNH QUẢ
HƯƠNG LƯU HẠNH ĐỨC HIỂN THIỀN MÔN.
Ngày
con trai làm nhà mới anh viết tặng con lúc tân gia:
TÂN TẠO HOÀN
THÀNH PHÚC ĐẾN MÃI CAO NỀN PHÚ QUÍ
GIA CƯ ỔN ĐỊNH
LỘC VÀO THÊM SÁNG CỬA VINH HOA.
Đó không chỉ
là lời chúc, sự cầu mong mà còn là lời dạy của anh để đời cho con cháu.
Ngày khai
trương cửa hàng, cửa hiệu có người tìm đến anh xin đôi câu đối khai trương:
NHÀ CỬA MÃI KHANG TRANG PHÚC ĐỨC THEO VỀ NĂM
THÁNG ĐẸP
HIỆU HÀNG LUÔN NHỘN NHỊP LỘC TÀI RỦ ĐẾN SỚM
CHIỀU VUI.
Năm 2013 Đình làng Võ Đắt hoàn tất xây dựng
chuẩn bị cho việc đón nhận Bằng công nhận Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh,
lãnh đạo thị trấn Đức Tài cùng với Ban quản lý Đình làng Võ Đắt kêu gọi mọi
người viết câu đối cho Đình, cử người ra tận Huế và nhiều tỉnh thành khác để
nhờ người viết. Sau nhiều ngày tập hợp, cuối cùng chọn trong vài chục câu
đối gửi về, Ban tổ chức đã chọn những
câu đối của anh.
Hai
câu được viết ở mặt trước cổng tam quan của đình:
Câu
1:
VÕ
ĐẮT NHÂN HÒA QUY BÁ TÁNH TÔN THẦN
LƯU NHẤT CẢNH
ĐỨC
TÀI ĐỊA LỢI LẬP TAM QUAN ĐÓN
KHÁCH HIỂN THIÊN THU.
Câu
2:
CẦU NƯỚC MẠNH ĐỜI ĐỜI TƯƠI BẢN SẮC
NGUYỆN DÂN GIÀU LỚP LỚP ĐẸP TINH HOA.
Hai câu viết ở
mặt sau cổng tam quan:
Câu 1:
MỞ RỘNG TAM QUAN MUÔN DẶM ĐÓN CHÀO CON CHÁU
TỚI
NÂNG CAO THẦN TỰ NGÀN NĂM
THÀNH KÍNH KHÓI HƯƠNG BAY.
Câu 2:
NHÂN TÀI XÂY
DỰNG THÁNH THẦN ĐÂU CÓ PHỤ
VẬT LỰC TRÙNG
TU LÀNG XÓM HẲN KHÔNG QUÊN.
Anh tâm sự: Khi
nghe tin các cấp lãnh đạo cho phép xây dựng lại Đình Võ Đắt trên nền cũ nhiều
người mừng lắm. Có lẽ tôi viết được những câu đối ấy là từ tấm lòng kính mộ với
vùng quê mình đang sống. Băn khoăn trăn trở viết. Cái khó là nếu viết thiên về
Hán tự cho câu đối trang trọng, đậm chất cổ thi, người bình dân khó hiểu. Mà
nếu viết thuần việt quá thì câu đối khó mà giữ được luật đối và sự linh thiêng.
Viết câu đối để ở nơi đông người, nhất là chốn thiêng liêng là rất khó. Tôi đã
cố hết mình như là một sự đóng góp cho đời sống tâm linh của một vùng quê mình
chọn.
Câu
đối là văn hóa, là một nét của đời sống tâm linh. Câu đối của anh Nguyễn Văn
Tiến không còn là của riêng anh mà nó đã trở thành một nét đẹp cuộc sống của
xóm làng, bạn bè thân thuộc trong những dịp lễ lạt, đã tạo một nét đẹp văn hóa làng
xã.
Thật
đúng như tên gọi tặng anh: Người giữ lề son thiếp vàng chữ nghĩa.
Đinh Đình Chiến