Đức Linh: Giáo dục học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số Kết quả đạt được và những điều trăn trở
Đức Linh:
Giáo dục học sinh vùng đồng bào dân
tộc thiểu số
Kết quả đạt được và những điều trăn
trở
Trên địa bàn huyện Đức Linh hiện nay có 3 xã với 6 trường và
điểm trường thuần học sinh dân tộc thiểu số, đó là: xã Trà Tân có 1 trường tiểu
học và 1 điểm trường mẫu giáo ở địa bàn thôn 4; xã Đức Tín có 1 điểm trường
tiểu học và 1 điểm trường mẫu giáo ở địa bàn thôn 7; xã Mê Pu có 1 điểm trường
tiểu học và 1 điểm trường mẫu giáo ở địa bàn thôn 9.
Nhiều gia đình trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số cuộc
sống còn rất khó khăn, thiếu cái ăn, cái mặc, thiếu phương tiện và vật dụng
thiết yếu cho con em học tập, có những gia đình không có góc học tập và thậm
chí không có bàn ghế để các em ngồi học ở nhà. Ngoài việc đi học ở trường, các
em còn phải đi làm rẫy, đi chăn trâu, chăn bò, giữ em, đi lượm ve chai, đi mót
nông sản,…Việc học tập của các em chưa được gia đình quan tâm, định hướng, nên
khá bấp bênh. Tuy nhiên, cũng có một số ít gia đình tiến bộ hơn hẳn, nhận thức
được sự cần thiết cho con cái đến trường để “kiếm cái chữ” nên có sự quan tâm
nhất định trong việc cho con cái đến trường học tập.
Thực tế cuộc sống và nhận thức của người dân vùng đồng bào
dân tộc thiểu số tác động không nhỏ đến công tác giáo dục của nhà trường. Chặng
đường dài làm công tác giáo dục học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã đem
lại những kết quả đáng trân trọng, song vẫn còn không ít những trăn trở phải
suy nghĩ để nâng cao được chất lượng giáo dục ở những vùng này, giúp các em
theo kịp với các bạn học sinh người kinh cùng trang lứa. Để rồi mai sau, chính
các em là những người làm thay đổi cuộc sống của bản thân, gia đình các em và
địa phương mình.
Do đặc điểm người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số sống
chủ yếu bằng nghề nông, cuộc sống lam lũ gắn chặt với ruộng nương; nếp sống
người dân còn lạc hậu; các em nói tiếng Việt còn chưa rõ. Do vậy, các trường đã
chú trọng bồi dưỡng ngôn ngữ tiếng Việt cho các em ngay từ ngày đầu các em đến
trường, đến lớp; rèn luyện cho các em thói quen tốt mỗi ngày để dần trở thành
kỹ năng sống cho các em.
Đối với các cháu mẫu giáo, cô giáo vất vả rất nhiều mỗi
ngày, vì phải tập cho các cháu từng li từng tí. Tập cho các cháu nói tiếng
Việt, rèn cho các cháu thói quen đi vệ sinh và bỏ rác đúng nơi quy định, nhắc
nhở các cháu đi dép khi ra khỏi lớp học và để dép lên kệ gọn gàng trước khi vào
lớp học; rèn cho các cháu biết giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh lớp học; tổ
chức cho các cháu học tập, vui chơi, sinh hoạt tập thể một cách nề nếp; giáo
dục các cháu lễ giáo thưa trình, cảm ơn, xin lỗi;... Để tất cả những điều này
trở thành sự tự giác, thói quen, kỹ năng có ở trẻ là cả một sự kiên trì của cô
giáo. Có dịp đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tiếp xúc với các cháu được đi
học với các cháu chưa được đi học, sẽ thấy được sự khác biệt lớn giữa hai đứa
trẻ.
Đối với học sinh tiểu học, các em tiếp tục được thầy giáo,
cô giáo rèn luyện lễ giáo và thói quen tốt. Tiến thêm một bước là được học chữ
và nhiều kiến thức khác của cấp học. Những ngày đầu vào lớp 1, các thầy cô giáo
phải dành thời gian để bồi dưỡng tiếng Việt cho các em, dạy các em tư thế ngồi
viết, cách cầm bút để viết, điều khiển nét chữ, từng chữ một, rồi từng từ một,
rồi từng câu một; rồi đọc từng chữ, từng từ, từng câu, từng đoạn, từng bài,....
Đây là cả một sự kiên trì, nhẫn nại và là tình thương của thầy cô giáo dành cho
học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Dạy chữ cho trò khó khăn là vậy. Song,
việc giữ các em ở lại trường, không để các em bỏ học càng khó khăn hơn. Để các
em không bỏ học giữa chừng đi làm rẫy, hoặc đi lang thang lượm ve chai; các
trường còn quan tâm tổ chức nhiều hoạt động khác như: xây dựng thư viện thân
thiện, trang bị nhiều sách, truyện, tranh phù hợp với lứa tuổi để các em đọc,
tổ chức cho các em vừa học vừa chơi, tham gia ca múa tập thể, thể dục thể thao,
vẽ tranh, tìm hiểu an toàn giao thông, chăm sóc cây xanh, trang trí lớp học
xanh - sạch - đẹp. Tất cả từng ngày theo các em vượt qua cấp tiểu học.
Lên cấp trung học cơ sở, các em bắt đầu hòa nhập học tập với
các bạn người kinh cùng trang lứa. Để giúp học sinh dân tộc thiểu số theo kịp
chương trình học, các trường trung học cơ sở phải có sự quan tâm ngay từ đầu
năm học, có kế hoạch giúp đỡ, kèm cặp, động viên các em thường xuyên, giáo dục
các em bằng tất cả tấm lòng và tình thương của nhà giáo. Đồng thời, tổ chức
nhiều hoạt động bổ ích để thu hút các em tham gia và hòa nhập cùng các bạn, tạo
mối quan hệ thân thiện, bình đẳng trong học sinh để các em gắn bó với bạn bè,
với trường, với lớp; hạn chế được tình trạng các em bỏ học giữa chừng.
Bằng tất cả nỗ lực của các trường, chất lượng học tập và rèn
luyện của học sinh các cấp học ngày càng được nâng cao, không có học sinh tiểu
học bỏ học; học sinh bỏ học ở cấp THCS giảm dần. Theo đó, nhận thức của cha mẹ
học sinh cũng ngày càng tiến bộ.
Tuy đạt được những
kết quả đáng trân trọng, nhưng công tác giáo dục học sinh vùng đồng bào dân tộc
thiểu số vẫn còn nhiều điều trăn trở, đó là sự tiến bộ chưa đồng đều giữa các
em học sinh trong từng cấp học, giữa cấp học này với cấp học khác, giữa trường
này với trường khác, giữa địa phương này với địa phương khác. Có những thói
quen tốt của các em được hình thành ở cấp học dưới nhưng nhạt dần khi lên cấp
học trên; hoặc ở trường các em được rèn tốt nhưng ở nhà thì chưa. Sự quan tâm
của gia đình trong việc động viên các em học tập chưa được thường xuyên, thậm
chí còn mặc nhiên vẫn còn là nỗi lo lớn và lâu dài.
Giáo dục học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cần sự nỗ
lực cố gắng của đội ngũ nhà giáo thôi chưa đủ, mà còn cần lắm sự quan tâm của
cộng đồng, của hệ thống chính trị, của toàn xã hội cùng tác động nâng cao nhận
thức của người dân vùng đồng bào khó khăn. Sự cộng hưởng này hiện hữu trong
cuộc sống sẽ tạo nên những chuyển biến lớn lao, xua tan những trăn trở vẫn đang
tồn tại trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay.
Trước thềm năm mới, lòng người rộng mở chào đón bao hy vọng
về những điều tốt đẹp. Mong rằng trong những điều tốt đẹp luôn có điều tốt đẹp
dành cho các em học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Nguyễn Thị Cho