Chị Nguyễn
Thị Thuý Phượng sinh sống ở khu phố 1, thị trấn Đức Tài, vốn là người xuất thân
từ gia đình làm nông. Sau khi lập gia đình, quanh năm suốt tháng chân lấm tay
bùn với diện tích khoảng 08 ha đất do một phần cha mẹ cho, phần còn lại vợ chồng
chị tích cóp vốn và vay mượn mua lại của các hộ dân. Thế nhưng, sản xuất cây
lúa kém hiệu quả, thu nhập hàng năm thấp, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, nhất là
việc chi phí trang trải trong gia đình, chi phí cho việc học tập của các con.
Qua thời gian trăn trở suy nghĩ về công việc làm nông vất vả nhưng thu nhập còn
quá thấp; với diện tích khoảng 8 ha đất sẵn có cùng với suy nghĩ mong muốn làm
sao có thêm thu nhập kinh tế gia đình, nhưng vẫn đảm bảo
thời gian để chăm lo cho các con. Từ đó, chị đã mạnh dạn đầu
tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, kết hợp với nuôi trồng thuỷ sản theo mô hình
VAC phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở khu vực sản xuất đã mang lại hiệu quả
kinh tế cao.
Để thực hiện những suy nghĩ của mình về mô hình VAC,
chị Phượng đã có những sáng tạo đưa ra giải pháp thực hiện như: Tận dụng đất trũng thấp, lực lượng lao động tại chỗ, thực
hiện mô hình VAC nhằm phát huy hiệu quả sử dụng đất cao nhất bằng cách cải tạo
diện tích khoảng 30.000 m2 vùng trũng thấp
thành ao nuôi cá, xung quanh bờ trồng cây dừa. Cải tạo khoảng 30.000 m2 trồng
cây ăn trái kết hợp trồng cỏ chăn nuôi bò; tận dụng phân bò bón cho cây trồng
giảm chi phí đầu vào, tăng giá trị thu nhập và chất lượng sản phẩm. Diện tích
còn lại chị Phượng bố trí để làm láng trại chăn nuôi bò, cùng các công trình phụ
trợ khoảng 20.000 m2.
Bước vào thực hiện mô hình, chị Phượng tiến
hành đắp bờ ao kết hợp đường đi khu vực trồng sen, nuôi cá vào mùa mưa và sản
xuất lúa vào mùa khô; xây dựng 05 cống bê tông dài 7 m/cống, đường kính 1 m để
cấp và thoát nước cho ao nuôi cá; đầu tư mua sắm 01 xuồng chèo tay dùng cho hoạt
động chăm sóc và quản lý ao nuôi; 02 máy
bơm nước cùng trang thiết bị chuyên dùng … Đối với trại chăn nuôi bò đầu tư
láng trại 500 m2 thuộc nhà tiền chế cấp 4. Quy mô đàn bò ban đầu là 15- 20 con. Đầu tư các công trình khác như: kho chứa dụng cụ, vật dụng và phục vụ việc sản xuất kinh
doanh của mô hình.
Theo chị Phượng, lúc ban đầu chỉ làm để gia đình có việc làm và thu nhập
kinh tế tăng lên, nhưng qua một năm triển khai thực hiện mô hình, chị thấy công
việc này phù hợp với điều kiện thổ những của địa phương và phù hợp với hoàn cảnh của từng chị em phụ nữ tại địa phương, có thể rảnh ngày nào làm ngày đó,
tiền công trả theo ngày làm thực tế. Đây là những thuận lợi, rất phù hợp với thói quen lao động
của các chị em vùng nông thôn. Mô hình VAC - trồng cây ăn trái kết hợp với
chăn nuôi và nuôi cá nước ngọt đã đem lại lợi nhuận và giải quyết việc làm cho
gia đình; đồng thời tạo công ăn việc làm thường xuyên cho chị em phụ
nữ tại địa phương, góp phần giảm nghèo bền vững và chuyển đổi cơ cấu
cây trồng vật nuôi đúng hướng, hiện nay là mô hình VAC của chị Phượng rất có hiệu
quả.
Đối với
cây ăn trái trong 3 năm đầu chưa cho thu hoạch nên chưa có doanh thu. Năm thứ
tư bắt đầu thu hoạch, doanh thu khoảng 200.000.000 đồng/năm. Doanh thu năm thứ
nhất từ việc nuôi cá, nuôi gà, nuôi bò khoảng 440.000.000 đồng. Trong đó: Doanh
thu từ nuôi cá 150.000.000 đồng; chăn nuôi gà bình quân hàng năm 3 lứa gà,
doanh thu 120.000.000 đồng; doanh thu từ chăn nuôi bò 170.000.000 đồng.
Mô hình
VAC trồng cây ăn trái, kết hợp chăn
nuôi của chị Phượng góp phần tích cực vào công tác chuyển đổi cơ cấu cây
trồng - vật nuôi đúng hướng ở địa phương, nâng cao hiệu quả khai thác sử dụng đất;
tạo công ăn việc làm, giải quyết một phần lao động chị em phụ nữ nhàn rỗi, góp
phần xoá đói, giảm nghèo, tăng thu nhập kinh tế cho gia đình, góp phần vào việc
phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Mô hình
có thể nhân rộng để các hộ nông dân học tập và áp dụng vào diện tích trũng thấp
sản xuất kém hiệu quả của mình để chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi hợp lý
theo đúng định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Lê
Văn Sáu