Khởi nghiệp - Sản xuất và kinh doanh gốm gia dụng thủ công
anh tin bai

 

Chị Lê Thị Hiền, ở tại thôn 2 xã Đa Kai, huyện Đức Linh, với chuyên môn làm việc trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, thu nhập khá cao và ổn định.

Tuy nhiên, với thiên chức của người phụ nữ, chị lập gia đình đến khi sinh bé đầu lòng, hạnh phúc với vai trò làm mẹ, nhu cầu được ở nhà chăm sóc cho con và gia đình trở thành mối quan tâm lớn. Day dứt khi đứng trước sự lựa chọn tiếp tục quay trở lại làm công việc chuyên môn được học tập từ những năm tháng ở trường Đại học hay tìm kiếm một hướng đi mới.

Trong khoảng thời gian nhiều thách thức đó, tư duy về chất lượng cuộc sống của chị Hiền bắt đầu thay đổi, rồi chị  dần nhận ra mình thích một cuộc sống tự do về thời gian hơn là chuyên cần với công việc chuyên môn. Đó cũng là lúc chị quyết định mạo hiểm, theo đuổi một công việc yêu thích nhất, mà sau này chị gọi là nghề nghiệp hoàn hảo của đời chị - Sứ mệnh làm gốm, làm đẹp cho sóng chén trong gian bếp của mọi gia đình.

Trên thị trường gốm sứ gia dụng, đa số các sản phẩm được sản xuất công nghiệp, theo dây chuyền hoặc hàng nhập khẩu từ Trung Quốc với mẫu mã vô cùng phong phú. Gốm sứ gia dụng thủ công gần như không có cơ hội cạnh tranh về mặt giá cả, mẫu mã không đa dạng, không bắt kịp xu thế thẩm mỹ của xã hội, làng nghề gốm thủ công dần mai một. Cái bát tuy nhỏ, nhưng với văn hoá lấy gia đình làm trung tâm, người Việt chúng ta luôn coi trọng mâm cơm gia đình. Cả nhà quây quần bên mâm cơm, cái bát âm thầm xuất hiện trong đời sống của mỗi chúng ta. Nếu như những vật dụng này vốn chưa được nhận diện về sự quan trọng của nó thì chị hy vọng với sự say mê lao động và sáng tạo, chị có thể kiến tạo ra một sản phẩm GỐM GIA DỤNG THỦ CÔNG hội tụ được các tiêu chí: chất lượng cao, mẫu mã đa dạng, tư duy thẩm mỹ đặc trưng thương hiệu, sắc nét, đậm tính bản địa và dân tộc để tạo nên cái đẹp trong cảm xúc mà sản phẩm tạo ra cho khách hàng và giá cả phù hợp với nhóm khách hàng mục tiêu.

Trong 2 năm (2022 - 2023) thực hiện khảo sát tâm lý tiêu dùng, đặc biệt đối với nhóm tuổi từ 20- 45 tuổi, có thu nhập ổn định, có sở thích nội trợ, lối sống xanh, sống vừa vặn cũng là xu thế mà họ hướng đến trong đời sống, họ có cùng một điểm chung là đặc biệt ưu ái và ưu tiên sử dụng các sản phẩm gốm gia dụng thủ công bản địa; họ cũng đặc biệt quan tâm đến các yếu tố truyền thống hoặc tính dân tộc trong sản phẩm. Nhận thấy nhu cầu phù hợp với tiềm năng của bản thân, chị bắt đầu tự tin dấn thân với sự nghiệp thiết kế gốm sứ gia dụng của mình và cho ra đời thương hiệu Tu Hú Ceramics.

Từ định hướng trên, chị Lê Thị Hiền đã đưa ra mục đích chính, là xác định cơ sở sản xuất, kinh doanh sẽ dự định cung cấp cho thị trường những sản phẩm/dịch vụ gì, mong muốn đạt được gì, giải thích lý do vì sao kế hoạch sẽ có khả năng đáp ứng nhu cầu hay giải quyết vấn đề gì cho xã hội, cộng đồng… Từ đó, chị nhìn nhận ngày nay với sự phát triển của xã hội, người Việt đã bắt đầu chú trọng đến đời sống tinh thần và quan tâm đến sự gắn kết gia đình nhiều hơn. Căn bếp nói riêng hay không gian nhà ở là nơi để mỗi người trở về nhà sau mỗi ngày làm việc, học tập. Đó luôn là nơi mọi người dễ dàng gần gũi, chia sẻ với nhau các hoạt động trong ngày. Vì vậy, gian bếp vô cùng quan trọng trong đời sống của người Việt Nam chúng ta nói chung và đặc biệt hơn nữa đối với những người đang giữ vai trò nội trợ trong gia đình. Gốm sứ gia dụng thủ công Tu Hú với mục đích chính là cung cấp các sản phẩm gốm sứ gia dụng chất lượng cao đến người tiêu dùng. Với đội ngũ trẻ, nhiệt huyết và sáng tạo với nghề gốm, như bao doanh nghiệp khác, ngoài chức năng cung ứng sản phẩm tiêu dùng cho thị trường, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương nơi chị đang ở và sẽ phát triển thêm các cơ sở sản xuất ổn định. Chị nguyện gìn giữ, tiếp nối nghề gốm thủ công truyền thống của cha ông ta để lại, cũng là cách để góp phần bồi đắp cho văn hoá Việt Nam ngày càng phát triển.

Từ những định hướng phát triển sản phẩm gốm sứ Tu Hú Ceramics. Chị bắt đầu xây dựng mục tiêu tài chính trong sản xuất, kinh doanh cho dự án sản xuất quy mô 15.000sản phẩm/tháng. Tu Hú Ceramics chuyên sản xuất và thiết kế các sản phẩm gốm sứ gia dụng cao cấp và các sản phẩm mở rộng như: Gốm sứ kết hợp với nến thơm tinh dầu thiên nhiên, Gốm sứ kết hợp với mây tre. Sản phẩm đã được Bộ Công thương công bố đạt tiêu chuẩn Việt Nam về vệ sinh an toàn hực phẩm.

Thương hiệu Tu Hú Ceramics đã được cấp chứng nhận bảo hộ. Sản phẩm hướng đến phân khúc thị trường khách hàng sở thích chăm sóc nhà cửa và gia đình, quan tâm đến chất lượng và nguồn gốc của sản phẩm và đặc biệt yêu thích nội trợ; doanh nghiệp trong và ngoài nước hoạt động trong lĩnh vực F&B; doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại chuyên mua bán, phân phối các sản phẩm thuộc ngành nghề kinh doanh, sản xuất đồ dùng, gốm sứ gia dụng,…

Với mục tiêu kinh doanh bền vững, cơ sở sản xuất kinh doanh của chị Hiền luôn chú trọng đem lại giá trị và lợi ích cho khách hàng, cho cộng đồng, cho xã hội để kiến tạo nên giá trị tài chính tốt, bền vững cho doanh nghiệp của mình phát triển bền vững, có ích cho xã hội. Hiện cơ sở đã và đang duy trì xuyên suốt và bền bỉ với các mục tiêu “Giữ môi trường xanh”. Các hoạt động trong khu vực sản xuất hoàn toàn khép kín, không sử dụng hoá chất độc hại, không rác thải công nghiệp ra môi trường, bao bì đóng gói của doanh nghiệp thân thiện với môi trường và hoàn toàn tái chế 100%. Lợi nhuận hàng quý được cơ sở chủ động trích ra cho các hoạt động trồng cây và hiện nay đang đồng hành cũng quỹ “Sống Foundation” đóng góp cho hoạt động "Trồng rừng giữ nước" trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận và trồng rừng ngập mặn ở Sóc Trăng.

 Nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm đã và đang tạo nên uy tín vững chắc và được khách hàng tin tưởng. Điều này đảm bảo cho hoạt động kinh doanh ngày càng thuận lợi, giải quyết việc làm ổn định, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân địa phương tại xã Đa Kai và các xã lân cận khác. Để góp phần phát triển nghề gốm tỉnh Bình Thuận, chị Hiền đang có ý tưởng nghiên cứu và phát triển Dự án “Đổi mới và phát triển làng Gốm Gọ” thuộc xã Bình Đức, huyện Bắc Bình và hy vọng với các thử nghiệm về sản phẩm đang được tiến hành, có thể mở ra cho bà con làng Gốm Gọ Bình Đức một cơ hội mới, thực hiện để bảo tồn di sản cho làng Gốm Chăm bình dị này.

Lê Văn Sáu

 

ipv6 readyChung nhan Tin Nhiem Mang