Khởi nghiệp nuôi phôi, trồng nấm mối đen ​

 

Chị Lê Thị Hậu ở thôn 4, xã Đức Hạnh, huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận. Sau khi tốt nghiệp giáo dục mầm non và làm việc tại một trường ở thành phố Hồ Chí Minh với đồng lương hàng tháng không đủ chi tiêu, trong cuộc sống cũng gặp nhiều khó khăn, nên chị Hậu và chồng quyết định xin nghỉ việc để về quê nhà xã Đức Hạnh, Đức Linh lập nghiệp.

 

 

Bước đầu khởi nghiệp, chi Hậu đã dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu, tìm tòi trên mạng internet về kỹ thuật nuôi phôi, trồng nấm mối đen và đi tham quan nhiều mô hình trồng nấm cho hiệu quả kinh tế cao ở tỉnh Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh. Qua đó, chị  nhận thấy điều kiện khí hậu ở Đức Hạnh thích hợp trồng nấm, nên ấp ủ ý tưởng và bàn bạc với gia đình để thực hiện.

Trong quá trình tìm hiểu, chị nhận thấy nấm mối đen trong thành phần dinh dưỡng của nó đem lại lợi ích sức khỏe của con người, có thể ngăn ngừa bệnh ung thư, tăng cường sức đề kháng, bồi bổ sức khỏe….. từ khi làm phôi cho đến khi ra thành phẩm, toàn bộ các nguyên liệu làm bằng hữu cơ, không có bất kỳ hóa chất  và các chất gây hại cho sức khỏe con người. Chính vì vậy, chị đã mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà xưởng diện tích trên 300m² với số tiền là 350 triệu đồng, gồm nhà nấm, nhà ủ và nhà làm phôi. Gia đình chị mua vật liệu về tự thiết kế nhà xưởng nên giảm được chi phí. Nguồn vốn đầu tư vào các trang thiết bị và các khoản chi phí khác là vốn tự có và nhờ cha mẹ hỗ trợ.

Mô hình trồng nấm mối đen của gia đình chị Hậu hoàn toàn khép kín, sử dụng hệ thống làm mát tự động để cân đối nhiệt độ và phun sương, đảm bảo nhiệt độ luôn ở mức 24 - 280C, thích hợp cho nấm mối đen sinh trưởng và phát triển, đạt năng suất, chất lượng cao.

Sản phẩm nấm mối qua công đoạn sơ chế, đóng gói thành túi 0,5kg để cung cấp cho người tiêu dùng trong và ngoài huyện, thời gian thu hoạch trong năm là 2 đợt phôi, mỗi đợt thu hoạch từ 5-6 tháng lợi nhuận mỗi tháng 20 triệu đồng.

Ngoài ra, vợ chồng chị Hậu còn làm phôi để bán ra thị trường. Lúc đầu khi chưa có kinh nghiệm chị phải đặt mua phôi ở Đồng Nai. Sau khi làm được vài vụ thì bản thân thấy không hiệu quả, phôi dễ bị hư và thời gian thu hoạch không dài nên vợ chồng quyết định đăng ký một khóa học tại TP.HCM. Hoàn thành khóa học chị tự mua vật tư về làm phôi, ban đầu chỉ để phục vụ cho gia đình, sau đó có ý tưởng bán ra thị trường. Chị tự tìm kiếm đầu ra, giới thiệu phôi thông qua bán sản phẩm nấm mối và qua hình thức kinh doanh online. Khi phôi đã đạt hiệu quả thì người dân tự tìm đến cơ sở của chị để mua và từ đó chị có thêm thu nhập từ việc bán phôi nấm mối đen. Tổng lợi nhuận từ bán phôi hàng tháng cho doanh thu từ 30 triệu đồng, xuất ra thị trường từ 4.000-5.000 phôi giống. Lợi nhuận từ việc trồng nấm và bán phôi chị thu về 50 triệu đồng mỗi tháng sau khi đã trừ chi phí nhân công và các vật tư.

Chị Hậu đã đúc rút được kinh nghiệm và cũng đã nắm được quy trình kỹ thuật trồng nấm nên hỗ trợ tư vấn, tận tình hướng dẫn cho người có nhu cầu đặt mua và cùng ý tưởng như chị. Nấm và phôi của chị được khách tại thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, La Gi  đặt mua, có lúc không đủ nguồn hàng cung ứng. Dự kiến trong thời gian đến, chị Hậu sẽ mở thêm cơ sở, kết nối với các cơ sở trong và ngoài huyện để đưa nấm mối đen đến tay người tiêu dùng.

Mô hình khởi nghiệp nuôi phôi, trồng nấm mối đen của chị Hậu, còn tạo việc làm cho một số lao động nữ có thêm thu nhập, phát triển kinh tế gia đình tại địa phương.  Ngoài làm kinh tế gia đình, vợ chồng chị Hậu luôn chấp hành tốt các chủ trương chính sách pháp luật của Đảng và nhà nước, tham gia các hoạt động phong trào của địa phương.

Phòng Kinh tế và Hạ tầng

                                                                             

ipv6 readyChung nhan Tin Nhiem Mang