Đề cương tuyên truyền Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc

 

ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN

NGÀY HỘI TOÀN DÂN BẢO VỆ AN NINH TỔ QUỐC NĂM 2021

*

          I. Vai trò của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, cha ông ta luôn dựa vào Nhân dân, phát huy trí tuệ, sức mạnh, lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết toàn dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đảng ta khẳng định: Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng; sức mạnh bảo vệ Tổ quốc là sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân với nền tảng là “thế trận lòng dân”, của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) khẳng định: “Sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Chính nhân dân là người làm nên những thắng lợi lịch sử”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khẳng định: “Lực lượng toàn dân là lực lượng vĩ đại hơn hết. Không ai chiến thắng được lực lượng đó”, “trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. Hiến pháp nước Cộng Hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (năm 2013) nêu rõ: “Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa là sự nghiệp của toàn dân”.

Nhất quán quan điểm “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, trong tiến trình lãnh đạo cách mạng, Đảng, Nhà nước ta đã đề ra nhiều chủ trương quan trọng, phát động nhiều phong trào thi đua, vận động Nhân dân tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Chỉ thị số 186-CT/TW, ngày 17/02/1960 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về mấy công tác lớn phải làm để đẩy mạnh công tác đấu tranh chống bọn phản cách mạng, nhằm bảo vệ công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc” nêu rõ: “Phong trào bảo vệ trị an là một cuộc vận động quần chúng rộng rãi, nhằm giáo dục quần chúng đảm đương lấy sự nghiệp bảo vệ thành quả cách mạng và bảo vệ an toàn cho đời sống hàng ngày. Đó là hình thức tốt nhất để phát huy tính tích cực của quần chúng trong công tác đấu tranh chống kẻ địch để giữ gìn trật tự an ninh chung”. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) nhấn mạnh: “Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, kết hợp chặt chẽ với thế trận an ninh nhân dân vững chắc…Xây dựng lực lượng Công an nhân dân vững mạnh toàn diện kết hợp lực lượng chuyên trách, bán chuyên trách, các cơ quan bảo vệ pháp luật với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Ngày 01/12/2011, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 09-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”, đánh giá cao vai trò, sức mạnh to lớn của quần chúng nhân dân, các đoàn thể chính trị trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

2. Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc – Ngày 19 tháng 8

Ra đời trong những ngày sôi sục của Cách mạng Tháng Tám, tuy còn non trẻ song lực lượng Công an đã quán triệt và vận dụng sáng tạo các quan điểm, đường lối quần chúng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước, dựa vào Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc để tuyên truyền và vận động nhân dân hăng hái tham gia vào các tổ chức như: “Việt Dũng thanh niên đoàn”; “Việt nữ đoàn”; “Cảnh sát danh dự không lương”,…sát cánh cùng lực lượng Công an làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự, đấu tranh quyết liệt với các thế lực thù địch, các loại phản động và tội phạm, bảo vệ an toàn Lễ Tuyên ngôn độc lập (02/9/1945) bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ trước sự đe dọa của thù trong, giặc ngoài trong tình thế đất nước “ngàn cân treo sợi tóc”.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, lực lượng Công an đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng Quân đội nhân dân, đoàn, hội kháng chiến, tham mưu với Đảng, Chính phủ chỉ đạo tổ chức vận động nhân dân thực hiện cuộc vận động với khẩu hiệu “ba không”, nội dung phù hợp với đặc điểm từng vùng, miền chiến lược: ở căn cứ địa Việt Bắc và vùng tự do là “Không nghe, không biết, không thấy”; ở vùng tạm bị chiếm là “Không làm việc cho địch, không bán lương thực cho địch, không chỉ đường cho địch”, ở Nam Bộ phát động nhân dân tham gia phong trào “Ngũ gia liên bảo” để bảo vệ an ninh, trật tự thôn, xóm. Các cuộc vận động trên đã nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng cho nhân dân, bưng bít tai mắt quân thù và nhanh chóng phát triển ra toàn quốc thành phong trào “phòng gian bảo mật” với các nội dung: bảo vệ bí mật, tài sản của Đảng, Nhà nước, bảo vệ nội bộ, bảo vệ trị an xã hội. Nhân dân đã giúp đỡ lực lượng Công an đấu tranh ngăn chặn kịp thời các hoạt động phá hoại của địch và âm mưu lập “Xứ Nùng”, “Xứ Thái”, “Xứ Mường” tự trị…ở miền núi phía Bắc và lập “Nước Tây kỳ tự trị”, “Nước Nam kỳ tự trị” ở phía Nam, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (ngày 07/5/1954), buộc Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ, lập lại hòa bình ở Đông Dương.

Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, bước vào thời kỳ khôi phục và phát triển kinh tế, miền Nam tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân. Lực lượng Công an đã tham mưu phục vụ Đảng, Chính phủ, Trung ương Cục miền Nam chỉ đạo, tổ chức xây dựng lực lượng nòng cốt bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Ở miền Bắc, Trung ương phát động phong trào “Bảo vệ trị an” trong nhân dân và mở cuộc vận động “Bảo mật phòng gian” trong các cơ quan, xí nghiệp. Ở miền Nam, Trung ương Cục miền Nam đã chỉ đạo đẩy mạnh phong trào “Bảo mật phòng gian” ở ba vùng chiến lược và thành lập “Hội đồng bảo vệ an ninh xã, ấp”. Phong trào “Bảo vệ trị an”, “Bảo mật phòng gian” phát triển mạnh mẽ, gắn kết với phong trào thi đua lao động sản xuất, xây dựng Xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng ở miền Nam. Nhiều điển hình tiên tiến xuất hiện, như các xã: Yên Phong (Ninh Bình), Hưng Khánh (Yên Bái), Thanh Bình (Lào Cai), Quang Chiểu (Thanh Hóa), Khối 30, Khu Đống Đa (Hà Nội)…

Sau ngày giải phóng miền Nam (30/4/1975), Công an nhân dân đã tham mưu với Đảng, Nhà nước thống nhất các phong trào, cuộc vận động Nhân dân tham gia bảo vệ an ninh, trật tự trong toàn quốc thành phong trào “Quần chúng bảo vệ trật tự an ninh Tổ quốc”. Đồng thời, công an các cấp đã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội tham mưu phục vụ cấp ủy Đảng, chính quyền tổ chức, vận động mọi tầng lớp nhân dân tham gia phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc. Phong trào đã có bước phát triển khá sâu rộng, với nhiều nội dung, hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, cụ thể của từng vùng, từng khu vực, từng lĩnh vực, từng địa bàn cụ thể. Nhiều tấm gương tiêu biểu, điển hình tiên tiến được nhân rộng trong toàn quốc. Phong trào đã phát huy năng lực sáng tạo của cơ sở, khơi dậy sức mạnh, tiềm lực to lớn của toàn dân trong phòng ngừa, tấn công, trấn áp tội phạm, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa.

Trước yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ an ninh Tổ quốc trong thời kỳ mới, thực hiện chủ trương của Ban Bí thư Trung ương Đảng, ngày 13/6/2005, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 521/2005/QĐ-TTg lấy ngày 19/8 hằng năm là “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội đã tập trung tuyên truyền, giáo dục giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, tạo chuyển biến mới về nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với công tác an ninh, trật tự, đa dạng hóa các hình thức tập hợp, động viên cán bộ, đảng viên và Nhân dân tham gia có hiệu quả phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; xây dựng nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc tại địa bàn cơ sở, góp phần giữ vững sự ổn định chính trị của đất nước.

Trong 16 năm qua, Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc từng bước đi vào cuộc sống, tổ chức hướng về cơ sở, góp phần động viên các tầng lớp nhân dân tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Lực lượng Công an đã chủ động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ban, ngành, đoàn thể, tham mưu với cấp ủy, chính quyền, Ban Chỉ đạo “phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” hằng năm gắn với các hoạt động xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và kỷ niệm Ngày truyền thống Công an nhân dân.

Các hoạt động tiến tới Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được tổ chức thường xuyên, liên tục. Công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” đã được cấp ủy, chính quyền, công an các cấp quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ trên các mặt, từ ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn đến đổi mới, đa dạng hóa nội dung, hình thức phù hợp với đặc điểm từng vùng, miền, nhóm đối tượng, địa bàn, tầng lớp di cư. Nhiều đơn vị, địa phương đã ứng dụng công nghệ thông tin (báo điện tử, mạng xã hội…) để tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ an ninh, trật tự. Công tác xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” được đẩy mạnh, phù hợp với điều kiện thực tế của địa bàn và đối tượng tác động. Phong trào thi đua “Học tập, đuổi kịp và vượt các điển hình tiên tiến trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” nhận được sự tham gia, hướng ứng của nhiều cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục, khu dân cư, thôn, xóm…trong toàn quốc. Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” đã gắn kết với các phong trào thi đua, các cuộc vận động cách mạng khác như “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”,…được đông đảo người dân hướng ứng tham gia.

Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc hằng năm được các địa phương đảm tổ chức đảm bảo yêu cầu, thiết thực, với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng nhằm ôn lại vị trí, vai trò, tầm quan trọng của phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” và Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; đánh giá kết quả đạt được và đề ra phương hướng xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; thảo luận, trao đổi kinh nghiệm về xây dựng phong trào; khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự; ký kết giao ước thi đua giữa các ban, ngành, đoàn thể các cơ quan, đơn vị trong công tác đảm bảo an ninh trật tự. Trong Ngày hội nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được tổ chức như: Hội diễn văn nghệ quần chúng, ca múa nhạc; thi đấu thể thao; trò chơi dân gian; diễn tập phòng chống cháy nổ; diễn đàn “Công an lắng nghe ý kiến nhân dân”; thi tìm hiểu pháp luật về an ninh, trật tự…thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Nhiều địa phương còn tổ chức các hoạt động xã hội có ý nghĩa như tổ chức khám, chữa bệnh, cấp, phát thuốc miễn phí cho người dân; thăm hỏi, tặng quà đối tượng chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn…Chính vì vậy, Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đã trở thành phong trào rộng khắp tạo nên khí thế thi đua sôi nổi, thực sự là ngày hội của Nhân dân.

3. Những kết quả đạt được qua thực hiện Quyết định số 521/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” ở tỉnh ta

Ngày 23/01/2006, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-UBND về việc thực hiện Quyết định số 521/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Hàng năm, Ban Chỉ đạo tỉnh về phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội tỉnh đều ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức các hoạt động “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” trong các cơ quan, doanh nghiệp, trường học và tại địa bàn dân cư.

Trên cơ sở đó, các hoạt động “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” đã được tổ chức bằng nhiều hình thức phong phú, có sự kết hợp giữa phần “lễ” và phần “hội”, điển hình là các hoạt động mít tinh, diễu hành biểu dương lực lượng; tuyên dương các điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ và Công an xã tiêu biểu; tổ chức các hoạt động từ thiện, đỡ đầu, gặp mặt, thăm hỏi các gia đình thương binh, liệt sỹ, người có công trong sự nghiệp giữ gìn ANTT; lồng ghép vào các cuộc họp dân để tuyên truyền; biên soạn tài liệu phát trên hệ thống truyền thanh; trưng các khẩu hiệu, pa nô, áp phích cổ động trực quan tại nơi công cộng, đông dân cư; tổ chức các diễn đàn, hội thi tìm hiểu về pháp luật và phòng, chống tội phạm; các hoạt động thể dục, thể thao, văn hoá văn nghệ lồng ghép tuyên truyền phát động phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ… tạo hiệu ứng tích cực trong công tác vận động nhân dân trong tham gia các hoạt động đảm bảo an ninh trật tự tại địa bàn cơ sở; từ đó thúc đẩy phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở địa phương ngày càng phát triển và đạt được nhiều kết quả quan trọng góp phần đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội.

Trong giai đoạn 2005 – 2015, các cấp, ngành, các tổ chức đoàn thể chính trị đã tổ chức 49.569 buổi họp dân ở thôn, khu phố vận động nhân dân tham gia phong trào bảo vệ ANTT và tuyên truyền về “Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ”. Hàng năm, tổ chức đăng ký cam kết thực hiện mục tiêu 3 giảm (giảm phạm pháp hình sự, giảm tai nạn giao thông, giảm tệ nạn xã hội) có 91% số hộ trong toàn tỉnh hưởng ứng ký cam kết thực hiện. Thông qua công tác phối hợp tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức khác nhau, quần chúng nhân dân đã cung cấp 157.520 nguồn tin có liên quan đến công tác ANTT, trong đó có 44.980 nguồn tin tố giác tội phạm, giúp cơ quan Công an vận động và phối hợp truy bắt 1.792 đối tượng có lệnh truy nã; điều tra khám phá 4.043 vụ án hình sự, làm rõ 5.582 đối tượng; triệt phá 934 vụ buôn bán trái phép chất ma túy…cảm hoá giáo dục 2.516 đối tượng hình sự; giải quyết 30.148 vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp trong nhân dân.

Các ban, ngành đoàn thể đã phối hợp với lực lượng Công an cơ sở nhận cảm hoá giáo dục tại cộng đồng 9623 đối tượng vi phạm ANTT, trong đó có 2.512 người tiến bộ được đưa ra khỏi diện; giới thiệu công việc làm ổn định cho 757 người, có 413 người tham gia vào các tổ chức quần chúng làm công tác ANTT ở cơ sở; tổ chức đưa 3.427 đối tượng vi phạm ANTT ra kiểm điểm trước nhân dân; gọi răn đe giáo dục và yêu cầu làm cam kết 2.987 đối tượng; lập hồ sơ đưa 1.178 đối tượng vào cơ sở giáo dục, 262 đối tượng vào trường giáo dưỡng, 331 đối tượng vào cơ sở chữa bệnh, 129 đối tượng vào trung tâm cai nghiện. 

Trong đấu tranh phòng chống tội phạm xuất hiện nhiều gương tiêu biểu về sự dũng cảm, kiên quyết đấu tranh chống tội phạm của quần chúng nhân dân rất đáng trân trọng và tôn vinh, như: anh Nguyễn Thành Tâm ở Thị trấn Lương Sơn, chị Đinh Thị Yến ở xã Hồng Thái, anh Nguyễn Đức Khang ở Thị trấn Chợ Lầu, (Bắc Bình) đã hỗ trợ, giúp đỡ lực lượng công an truy đuổi quyết liệt, bắt giữ 03 đối tượng cướp Tiệm vàng Thu Thành, thị trấn Chợ Lầu, huyện Bắc Bình xảy ra ngày 14/10/2011; nhân dân cung cấp thông tin chính xác, kịp thời để giúp Công an điều tra làm rõ vụ trộm 250 cây vàng ở thị trấn Võ Xu, huyện Đức Linh...

Công tác củng cố, xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ được chú trọng thường xuyên và được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ. Ban chỉ đạo tỉnh đã tổ chức hội thảo chuyên đề "Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động mô hình tự quản, tự phòng đảm bảo ANTT", sau đó ban hành hướng dẫn quy trình xây dựng mô hình để xây dựng đảm bảo thống nhất trên địa bàn toàn tỉnh. Qua thực hiện, trong giai đoạn này xuất hiện nhiều mô hình  tự quản, tự phòng  phát huy hiệu quả trong công tác phòng chống tội phạm như: mô hình “Khu dân cư đảm bảo an ninh, trật tự” tại khu Di tích văn hóa, lịch sử tín ngưỡng dân gian xếp hạng cấp Quốc gia Dinh Thầy Thím xã Tân Tiến (thị xã Lagi); Tổ tự quản “4 không - 5 tốt” của Trường THPT chuyên Trần Hưng Đạo; Tổ tự quản “4 không, 5 đảm bảo” của Công ty Cổ phần du lịch khách sạn Sài Gòn - Mũi Né (TP. Phan Thiết); “Tổ thanh long VietGap tự quản tự phòng về ANTT” ở xã Hồng Sơn (Hàm Thuận Bắc); “Giáo họ Phương Lạc an toàn, đoàn kết, văn hóa” ở Thị trấn Ma Lâm (Hàm Thuận Bắc); mô hình “3 trong 1” do Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp xây dựng; mô hình “Họ tộc tự quản về ANTT” ở một số địa bàn vùng đồng bào dân tộc Chăm; mô hình “Thôn tự quản, chống lây lan ma túy” thôn 1, xã Hàm Liêm (Hàm Thuận Bắc); mô hình “Khu dân cư an toàn về ANTT” xã Hàm Mỹ và mô hình “Tổ phụ nữ tuyên truyền phòng, chống tệ nạn ma túy” xã Hàm Kiệm, (Hàm Thuận Nam); mô hình “Tổ cảm hóa, giáo dục thanh thiếu niên có nguy cơ vi phạm pháp luật và phòng chống tệ nạn ma túy” tại phường Phú Trinh, mô hình ”Nhà trọ không có tội phạm” tại (TP. Phan Thiết)... Đặc biệt, đã xây dựng được 161 đội dân phòng (1.439 đội viên), 4.273 tổ nhân dân tự quản và 1.012 tổ hòa giải với hơn 4.000 thành viên. Các tổ chức quần chúng nêu trên là lực lượng cốt cán đông đảo giải quyết có hiệu quả các vụ việc mâu thuẫn xảy ra trong nội bộ nhân dân và tham gia quản lý, cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ các đối tượng lầm lỗi tại cộng đồng dân cư, góp phần quan trọng trong công tác giữ gìn ANTT, đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ ở địa phương.

 Từ năm 2015 đến nay, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn toàn tỉnh tiếp tục được duy trì và có bước đẩy mạnh. Từ việc phát động thường xuyên phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, cán bộ và nhân dân cung cấp 7.477 tin báo tố giác tội phạm, giúp cơ quan chức năng điều tra làm rõ 1.806/2.185 vụ phạm tội về trật tự xã hội, bắt 2.033 đối tượng; triệt phá 236 băng - nhóm, 1.577 đối tượng cướp, cướp giật, trộm cắp; phối hợp truy bắt 624 đối tượng truy nã, trong đó vận động 136 đối trượng truy nã ra đầu thú; bắt 87 vụ/394 đối tượng mại dâm; 771 vụ/4.529 đối tượng đánh bạc; triệt phá 949 vụ/1.794 đối tượng buôn bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy. Các ban, ngành, đoàn thể đã phối hợp với lực lượng Công an tổ chức gọi hỏi răn đe, cảm hóa giáo dục và đưa kiểm điểm trước dân 9.678 đối tượng hình sự, ma túy, gây rối làm mất trật tự, an ninh; xử phạt hành chính 4.488 đối tượng vi phạm an ninh, trật tự; đưa 1.445 đối tượng vào quản lý tại xã, phường, thị trấn; lập hồ sơ đưa 24 đối tượng vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục; 610 đối tượng vào trung tâm cai nghiện...góp phần bảo đảm an ninh trật tự.

Công tác xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tiếp tục được quan tâm; trong đó, công tác xây dựng mô hình “Tự phòng, tự quản” tiếp tục được Ban Chỉ đạo các cấp thường xuyên đánh giá, phân loại, xây dựng mới và duy trì hiệu quả hoạt động của những mô hình phát huy tác dụng; thông qua công tác xây dựng và tổ chức hoạt động của các mô hình đã vận động sự tham gia của hơn 11.000 thành viên nòng cốt. Nhiều mô hình đã phát huy hiệu quả thiết thực, phù hợp với đặc điểm tình hình địa bàn cơ sở, nguyện vọng của cán bộ, quần chúng nhân dân và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, hỗ trợ đắc lực nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương và thực hiện tiêu chí 19 về “Quốc phòng - An ninh” trong xây dựng nông thôn mới như mô hình “Camera an ninh phòng, chống tội phạm” đã xây dựng, nhân rộng tại 142 địa bàn cơ sở với 1.895 mắt camera; mô hình “Thôn tự quản chống lây lan ma túy” được xây dựng ở 9/10 huyện, thị xã, thành phố tại 151 thôn, khu phố với 1.297 thành viên tổ nòng cốt, từ mô hình này đã vận động 1.157 trường hợp người nghiện ma túy đi uống thuốc Methadone; cảm hóa tiến bộ 122 trường hợp hòa nhập cộng đồng, có việc làm ổn định... và nhiều mô hình được xây dựng tại một số khu vực đặc thù phát huy hiệu quả thu hút sự quan tâm, tuyên truyền của các cơ quan truyền thông như mô hình “Tổ liên quân phòng, chống tội phạm”, "Chức sắc tôn giáo tham gia tự quản về an ninh trật tự” ...

Đặc biệt trong giai đoạn này, công tác phối hợp giữa lực lượng Công an với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên được đẩy mạnh thực hiện trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn kết với thực hiện các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và các phong trào thi đua yêu nước khác theo Chỉ thị số 23-CT/TU, ngày 12/4/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh phong trào thi đua trên các địa bàn khu phố, thôn đã tác động tích cực đến các mặt của đời sống xã hội, góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái; xây dựng đời sống văn hoá, phát triển giáo dục, chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân, qua đó đã góp phần nâng cao chất lượng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở địa phương, đơn vị đi vào chiều sâu, thiết thực, bền vững.

Cùng với đó, việc tổ chức các hoạt động “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”  rộng khắp ở các địa bàn cơ sở: thôn, khu phố, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường; từ năm 2015 – 2020, toàn tỉnh đã tổ chức 4.035 lượt “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” tại các địa bàn thôn, khu phố, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường với gần 500 nghìn lượt người tham gia. Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tinh thần cảnh giác cách mạng, tích cực tham gia công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bài trừ tệ nạn xã hội cho cán bộ và nhân dân qua đó phục vụ công tác đảm bảo an ninh trật tự, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

*

Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Đồng thời, việc tổ chức Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc cũng nâng cao nhận thức và hành động của nhân dân trong việc tham gia thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở; củng cố niềm tin của nhân dân vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, nâng cao “Sức đề kháng” trước các luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch, phản động. Từ đó, Nhân dân tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” và hoạt động tội phạm, tệ nạn xã hội; cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi tại gia đình và cộng đồng dân cư; giữ gìn trật tự công cộng; an toàn giao thông; phòng, chống cháy nổ, cứu nạn, cứu hộ; tham gia xây dựng nội quy, quy ước về khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường “An toàn về an ninh, trật tự”; tham gia xây dựng tổ chức Đảng, chính quyền, các lực lượng vũ trang, các tổ chức chính trị - xã hội trong sạch, vững mạnh.

Chình vì vậy, cấp ủy, chính quyền các cấp và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền và tổ chức các hoạt động “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” góp phần đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm, xây dựng thế trận “an ninh nhân dân” vững chắc, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp phải bám sát chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tại Công văn số 2756/UBND-NCKSTTHC, ngày 27/7/2021 về tổ chức “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” năm 2021.

 

 

ipv6 readyChung nhan Tin Nhiem Mang