Thủ tướng Chính phủ đã phê
duyệt Đề án Sản xuất, cấp, quản lý căn cước công dân (CCCD). Dự án sẽ được
triển khai đồng bộ song hành cùng với Dự án Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư và
đã được vận hành vào đầu năm 2021. Trong đó, thẻ CCCD sẽ được gắn chíp điện tử
thay thế cho chứng minh nhân dân. Đây được đánh giá là phù hợp với xu hướng
công nghệ hiện nay.
Thẻ CCCD có gắn chíp là
giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam, đồng thời còn là thiết bị nhận diện,
xác thực danh tính và thông tin công dân trong hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia,
có giá trị để thực hiện các hoạt động giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.
Về chất liệu sử dụng: Thẻ
CCCD được làm bằng chất liệu nhựa cứng có độ bền cao, còn chứng minh nhân dân
được làm bằng phôi giấy sau đó ép nhựa để sử dụng.
Số thẻ CCCD chính là số
định danh cá nhân được cấp cho mỗi công dân Việt Nam, không lặp lại ở người
khác. Thẻ CCCD không quy định mục họ, tên gọi khác; mục dân tộc được thay bằng
quốc tịch, dấu có hình Công an hiệu được thay bằng dấu có hình Quốc huy.
Thời hạn sử dụng của chứng
minh nhân dân là 15 năm còn đối với thẻ CCCD sau lần cấp đầu tiên, công dân
phải đổi khi đủ 25 tuổi, 40 tuổi, 60 tuổi và từ 60 tuổi công dân không phải
đổi. Về giá trị sử dụng, thẻ CCCD được sử dụng thay cho việc sử dụng hộ chiếu
trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước quốc tế hoặc thỏa thuận
quốc tế cho phép công dân nước ký kết được sử dụng thẻ CCCD thay cho việc sử
dụng hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau, khi đó thẻ CCCD sẽ được sử dụng ngôn ngữ
khác.
Thẻ CCCD sử dụng chíp điện
tử có nhiều ưu điểm hơn so với mã vạch. Trước hết độ bảo mật cao hơn, có thể
lưu trữ được nhiều thông tin hơn, có thể tích hợp thêm các thông tin của các
Bộ, ngành khác về Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội, bằng lái xe… và phù hợp với
xu thế công nghệ số hiện nay so với việc sử dụng thẻ mã vạch CCCD.
Qua đó, có thể phòng tránh
được việc các loại giấy tờ bị giả mạo cũng như chi phí cho việc công chứng giấy
tờ truyền thống, tạo sự thuận lợi cho công dân khi thực hiện các giao dịch trực
tuyến của Chính phủ điện tử. Đáng chú ý, khi thẻ CCCD gắn chíp điện tử có tích
hợp đầy đủ các thông tin, lúc đó người dân đi giao dịch và làm các thủ tục sẽ
không phải mang nhiều loại giấy tờ, mà chỉ cần dùng thẻ CCCD có gắn chíp để
thực hiện các giao dịch. Việc sử dụng thẻ CCCD có gắn chíp điện tử sẽ thuận lợi
hơn trong các giao dịch hành chính của công dân cũng như phục vụ công tác quản
lý nhà nước; nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, hướng tới Chính
quyền số, chuyển đổi số và xây dựng Chính quyền điện tử, đây là xu hướng tất
yếu của phát triển xã hội hiện nay.
Đặc biệt, mức độ bảo mật của
chíp rất cao nên thông tin định danh của công dân được lưu trên CCCD gắn chíp
là không thể thay đổi và không thể giả mạo, đồng thời việc đối sánh sinh trắc
học có thể được thực hiện ngay trên chíp, hạn chế tối đa giả mạo danh tính.
Chíp gắn trên thẻ CCCD không có chức năng định vị, theo dõi để xác định vị
trí của công dân. Việc tích hợp, sử dụng thông tin trên chíp tuân thủ quy
định của pháp luật Việt Nam, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin.
|
|
Người dân khi làm CCCD cần
mang theo 02 loại giấy tờ cơ bản là sổ hộ khẩu và chứng minh nhân dân 9 số, 12
số, CCCD mã vạch đang sử dụng (nếu có) đến cơ quan Công an cấp huyện để được
hướng dẫn làm thủ tục cấp CCCD theo quy định.
Tuy nhiên, để được cấp CCCD
hợp lệ thì trước tiên người dân cần phải bổ sung trường thông tin bắt buộc là
ngày tháng năm sinh phải đầy đủ, nhất là người dân ở tuổi trung niên và lớn
tuổi, trong sổ hộ khẩu và chứng minh nhân dân hiện nay thiếu thông tin về ngày,
tháng sinh. Vì vậy, người dân cần đối chiếu, nếu trong sổ hộ khẩu chưa có thông
tin về ngày sinh, tháng sinh thì mang giấy khai sinh đến cơ quan Công an để bổ
sung vào hộ khẩu trước khi đi làm CCCD.
Trường hợp người dân không có giấy tờ
chứng minh ngày sinh, tháng sinh trong sổ hộ khẩu và chứng minh nhân dân, đề
nghị đến UBND cấp xã nơi cư trú để được hướng dẫn, cấp giấy khai sinh để bổ
sung vào sổ hộ khẩu, phục vụ cho việc cấp CCCD được đúng thủ tục pháp lý theo
quy định.
Nguyễn Hà