19/02/2020
Đức Hạnh: Hiệu quả kinh tế từ mô hình trồng chuối cấy mô
Đức Hạnh:
Hiệu quả kinh tế từ mô hình trồng chuối cấy mô
Thực hiện chương trình chuyển
đổi cơ cấu cây trồng sau khi các diện tích cây tiêu bị thiệt hại nặng, từ nguồn vốn vay quỹ hỗ trợ nông dân của tỉnh,
anh Nguyễn Văn Vũ, ở thôn 4, xã Đức Hạnh đã mạnh dạn ký hợp đồng với doanh nghiệp
trồng hơn 2 hecta chuối cấy mô.
Sau 10 tháng trồng thí điểm,
mô hình trồng chuối cấy mô của gia đình anh Vũ đã cho thu hoạch. Đi thăm vườn chuối, chúng tôi thấy những cây
chuối được trồng theo hàng, cỏ được phát dọn sạch sẽ xung quanh gốc. Nhiều buồng
chuối trĩu quả chuẩn bị thu hoạch, hứa hẹn đem lại nguồn thu nhập ổn định cho
gia đình. Sau khi thu hoạch lứa chuối đầu tiên đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, anh Vũ vui
mừng cho biết: Phía công ty cung cấp giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, kể
cả hệ thống tưới tự động và thu mua sản phẩm với giá 1.300 đồng/kg, anh chỉ bỏ
công chăm sóc. Lần đầu thu hoạch được 30 tấn, trong thời gian ngắn nữa là thu
hoạch hết vườn với khoảng trên 120 tấn, trừ chi
phí công chăm sóc từ 30 - 35 triệu đồng, cũng còn lãi hơn 100 triệu đồng.
Chuối sau khi thu hoạch xong, các bụi chuối tiếp
tục cho chuối non nên chỉ khoảng 6 tháng sau
là có thể thu hoạch đợt tiếp theo. Trung bình mỗi bụi chuối sẽ cho từ 6 - 7 buồng, mỗi buồng từ 25 - 30kg.
Năm thứ 2 sản lượng chuối sẽ tăng gấp đôi. Trong quá trình trồng cần lưu
ý, thường xuyên làm cỏ và cắt tỉa lá chuối già, bệnh và bổ sung thêm các loại
phân như: lân, kali, đạm với hàm lượng vừa đủ giúp cây phát triển tốt, sớm ra
buồng.
Nhờ chăm chỉ học hỏi kinh
nghiệm và tìm tòi các kiến thức về kỹ thuật trồng, chăm sóc nên toàn bộ diện
tích chuối của gia đình anh Vũ phát triển tốt cho thu nhập khá cao, hơn hẳn so
với trồng các cây nông nghiệp khác. Vì vậy, anh tiếp tục mở rộng diện tích đầu tư tăng thu
nhập gia đình.
Anh Nguyễn Văn Vũ là nông dân đầu tiên ở Đức Hạnh thực hiện mô hình
trồng chuối cấy mô, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên vùng đất trồng cây tiêu chết
vì dịch bệnh.
Phạm Văn Mừng