Đức Hạnh: Hiệu
quả từ mô hình trồng rau thủy canh
Nhằm mang đến cho người tiêu dùng nguồn thực phẩm
sạch, an toàn, anh Phạm Sơn Hà ở thôn 2, xã Đức Hạnh, đã tiên phong phát triển
mô hình sản xuất rau thủy canh ở địa phương. Bước đầu mô hình cho hiệu quả kinh
tế cao và được nhiều hội viên nông dân trên địa bàn xã đến tham quan học hỏi và
chia sẻ kinh nghiệm.
Vì muốn tìm hướng
đi mới trong sản xuất rau, mang lại sản phẩm sạch, an toàn và hiệu quả cao hơn
so với cách trồng rau truyền thống. Anh Hà quyết định đầu tư gần 150 triệu đồng
để xây dựng nhà lưới với hệ thống giàn thủy canh, tưới nước tự động trên diện
tích 300 m2. Các thiết bị từ nhà kín đến hệ thống thủy canh được thiết kế theo
tiêu chuẩn Isarel. Toàn bộ hệ thống được điều khiển tự động, giúp quy trình
chăm sóc trên hệ thống được đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng, giúp cây phát triển
tốt nhất.
Dẫn chúng tôi tham
quan vườn rau thủy canh của gia đình, anh Hà cho biết: “Xuất phát từ nhu cầu sử
dụng rau sạch của người tiêu dùng, tôi mạnh dạn tìm tòi, học hỏi về mô hình
trồng rau thủy canh ở nhiều nơi trong và ngoài tỉnh. Dù chi phí đầu tư khá cao
nhưng tôi vẫn quyết tâm xây dựng, nhằm tạo nguồn thực phẩm sạch cho gia đình và
cung cấp ra thị trường sản phẩm sạch, an toàn, đảm bảo sức khỏe”.
Đầu năm 2019 anh
Hà đã mua lại hệ thống ống thủy canh từ việc thanh lý của một người quen ở
TP.Hồ Chí Minh, về mày mò làm tự lắp ráp các thiết bị cũng như nhà màng. Do là
“tay ngang” nên anh gặp không ít khó khăn trong việc chăm sóc, ảnh hưởng đến
năng suất cũng như chất lượng của sản phẩm trong đợt đầu. Những cố gắng không
ngừng của anh cũng được đền đáp, với chất lượng đợt rau thứ 2 tốt hơn nhiều so
với đợt đầu. Dần dần, vườn rau thủy canh của anh có bước phát triển ổn định.
Hiện tại, sản phẩm
rau thủy canh của anh Hà được nhiều người biết đến và là đầu mối cung cấp rau
tại một số chợ lận cận. Mỗi tháng, vườn rau sản xuất và cung ứng khoảng 1000 -
1.200 kg rau các loại. Với sản lượng tiêu thụ ổn định, sau khi trừ các khoản
chi phí, mỗi tháng vườn rau của anh thu lợi nhuận bình quân từ 8 - 10 triệu
đồng. Vườn rau thủy canh của anh Hà chủ yếu trồng các loại rau, như: xà lách,
cải bẹ xanh, cải ngọt, cải ngồng, cải thìa … sản xuất theo phương thức “gối
đầu” để có sản phẩm cung ứng cho thị trường liên tục theo từng thời điểm, với
nhiều loại rau khác nhau.
Theo anh Hà thì ưu
điểm của phương pháp trồng rau thủy canh là sau khi thu hoạch, người trồng có
thể sản xuất lại vụ mới mà không bị ảnh hưởng thời tiết cũng như mất thời gian
làm đất, năng suất sản lượng thu được rất cao. Rau được cách ly với môi trường
nhiễm bẩn nên giảm đáng kể việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, vì vậy mà sản
phẩm luôn đạt chất lượng cao, an toàn cho người tiêu dùng. “So với các loại rau
thông thường, việc chăm sóc rau thủy cảnh nhẹ hơn. Đa số công đoạn đều được
thực hiện tự động. Tuy giá thành rau thủy canh đắt hơn, nhưng chất lượng rau
được kiểm soát, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nên được người tiêu dùng ưa
chuộng, vì thế đầu ra rất ổn định” – anh Hà chia sẻ thêm.
Thấy nghề trồng
rau thủy canh mang lại hiệu quả, anh Hà dự kiến trong thời gian tới sẽ mở rộng
diện tích và hoàn thiện hệ thống thủy canh để đầu tư nâng cao hơn nữa chất
lượng sản phẩm. Đồng thời liên kết với các hộ lân cận để nhân rộng mô hình và
có ý định thành lập hợp tác xã sản xuất rau an toàn, từng bước xây dựng thương
hiệu, quảng bá sản phẩm để tìm thị thường tiêu thụ trong và ngoài huyện để ổn
định đầu ra cho sản phẩm và giải quyết việc làm ổn định cho lao động tại địa
phương.
Mô hình trồng rau
thủy canh của anh Phạm Sơn Hà là mô hình sản xuất nông nghiệp mới, đầu tiên ở
địa phương. Ngoài đem lại nguồn thu nhập ổn định, các sản phẩm làm ra đảm bảo
chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng, góp phần bảo vệ môi trường. Đây là mô
hình mang lại hiệu quả kinh tế cần được nhân rộng ở Đức Hạnh.
Bùi Thị Duy Hương