Sùng Nhơn
với công tác đào tạo nghề nông thôn
Đảng và nhà nước
ta luôn quan tâm sâu sắc đến công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm và đổi
mới cơ cấu lao động sao cho phù hợp với từng thời gian, từng vùng miền để phát
triển kinh tế - xã hội, tăng năng suất lao động, tăng thu nhập cho người dân.
Thực hiện Chỉ thị số
19-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo
của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn”, Đảng ủy, HĐND và
UBND xã Sùng Nhơn đã ban hành nghị quyết, kế hoạch đối với công tác công
tác giải quyết việc làm, đổi mới cơ cấu lao động và đào tạo nghề hàng năm cho địa phương.
Năm
2007, toàn xã có 2.506 lao động có việc làm/3.217 người trong độ tuổi lao động
chiếm tỷ lệ 77%. Đến năm 2019, là 4.271 lao động/4.657 người trong độ tuổi lao
động, chiếm tỷ lệ 91,71% và đảm bảo đạt chỉ tiêu trong tiêu chí số 12 về xây
dựng nông thôn mới. Đến năm 2019 toàn xã có 2.158 lao động đã qua đào tạo nghề,
trong đó 332 là đại học, cao đẳng 440, trung cấp 456, chứng chỉ nghề và sơ cấp
nghề là 343, lao động tự học nghề hoặc đã được doanh nghiệp đào tạo nghề để
phục vụ công tác chuyên môn cho các doanh nghiệp là 587 người, số lao động qua
đào tạo nghề của địa phương chiếm tỷ lệ 43,54% và đạt tiêu chí số 15 xây dựng nông
thôn mới. Tính đến năm 2019, đã mở 27 lớp sơ cấp nghề dưới 3 tháng do UBND xã
phối hợp với Trung tâm dạy nghề huyện, đào tạo nghề cho 2.160 lao động tại địa
phương. Hàng năm, tổ chức khoảng 15 lớp tập huấn về kỹ thuật sản xuất nông nghiệp
do ngành chức năng và các doanh nghiệp truyền đạt kiến thức. Đây cũng là dịp để
bà con nông dân trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, trung bình có khoảng 600 lao
động được tập huấn kiến thức hàng năm.
Cơ
cấu lao động trong những năm gần đây cũng có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều
ngành, nhiều nghề và hình thức lao động được hình thành để phù hợp với điều
kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Việc chuyển đổi cơ cấu cây
trồng, vật nuôi làm cho thu nhập người dân ổn định hơn đã thu hút không ít lao
động nhàn rỗi tham gia canh tác. Từ đó, công tác giải quyết việc làm được nâng
cao. Điển hình là công việc bóc tách hạt sen, với thu nhập từ 2.500.000 đồng
đến 3.500.000 đồng/tháng, là nguồn thu nhập đáng kể của 1 lao động nhàn rỗi đối
với 1 hộ gia đình. Với 7 cơ sở phân phối hạt sen trên toàn xã cũng giải quyết
được 400 lao động có việc làm. Ngoài ra các cơ sở may gia công tại nhà, bóc
tách hạt điều, các công trình xây dựng ngày một phát triển, các công ty được
xây dựng trong và ngoài địa phương ngày càng nhiều hơn, diện tích cây cao su
được nhân rộng là những nhân tố quan trọng thu hút người lao động tham gia
thuận lợi hơn. Hiện nay, cơ cấu lao động của địa phương: 60% lao động trong
lĩnh vực nông nghiệp, 30% lao động là nhân viên, công nhân, viên chức, 10% là
buôn bán, dịch vụ.
Nhìn chung, công
tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm và cơ cấu lao động tại Sùng Nhơn trong 10
năm qua đã có những chuyển biến tích cực, lao động nhàn rỗi ngày một giảm, việc
ứng dụng khoa học công nghệ, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn từng bước phát
triển, nhận thức về học tập, kiến thức ngành nghề của người dân đã chuyển biến
rõ rệt. Đây là thành quả đáng mừng trong công tác giải quyết việc làm, đổi mới
cơ cấu lao động và đào tạo nghề trong thời gian qua ở Sùng Nhơn.
Nguyễn Hữu Kỳ