Khởi nghiệp từ mô hình trồng rau thủy canh

              Huyện Đức Linh là địa phương có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, không chỉ nổi tiếng là “vựa” của những loại nông sản như: bưởi da xanh, hồ tiêu, lúa, cao su… mà những năm gần đây, Đức Linh còn được biết đến bởi những nông sản mới được sản xuất từ mô hình liên kết mang tính bền vững, ứng dụng công nghệ cao như dưa lưới, rau thuỷ canh…

              Phương pháp thuỷ canh được biết đến như một hình thức canh tác không cần dùng đất. Phần rễ của cây được đặt trong dung dịch dinh dưỡng hoặc mặt trên của dung dịch. Nguyên lý trồng rau thuỷ canh dựa trên việc cây hấp thu chất dinh dưỡng hoặc mặt trên của dung dịch qua các loại giá thể. Mô hình trồng trọt này được đánh giá là tiên tiến, không sử dụng đất trồng nên không tốn nhiều thời gian để xử lý đất. Đồng thời, từ các loại giá thể dễ phân huỷ như xơ dừa, than bụi, tro trấu…  vừa thân thiện với môi trường lại mang đến năng suất cao.

Chị Nguyễn Thị Hoà thu hoạch rau trồng thủy canh

              Gia đình chị Nguyễn Thị Hoà ở xã Vũ Hoà, huyện Đức Linh là người đi tiên phong trong việc trồng rau thủy canh với quy mô lớn tại địa phương. Nhận thấy  nhu cầu sử dụng dụng rau sạch của người tiêu dùng, chị Hoà mạnh dạn tìm tòi, học hỏi về mô hình trồng thuỷ canh. Mặc dù chi phí đầu tư khá cao nhưng chị vẫn quyết tâm xây dựng, nhằm tạo nguồn sản phẩm sạch cho gia đình và cung cấp ra thị trường sản phẩm sạch, an toàn, đảm bảo sức khoẻ. Qua nhiều lần thực nghiệm và không ít khó khăn, chị Hoà vẫn không bỏ cuộc. Chị đã chủ động đi tham quan các mô hình và học hỏi, thực nghiệm. Cuối cùng, chị cũng đã chọn một qui trình phù hợp đó là cách trồng trực tiếp vào dung dịch dinh dưỡng, hàm lượng dinh dưỡng được kiểm tra hằng ngày. Cách làm này giúp cây phát triển tương đối tốt, độ đồng đều cao, tỷ lệ cây sống đạt trên 90%. Thêm vào đó, vì được trồng trong môi trường nhà màng kín nên rau được cách ly với môi trường nhiễm bẩn, không bị các côn trùng phá hại, cây phát triển nhanh hơn so với cách làm truyền thống. Không chỉ thời gian thu hoạch nhanh mà gia đình không phải sử dụng bất kỳ loại thuốc bảo vệ thực vật nào. Từ loanh quanh trong xóm, những bó rau sạch thuỷ canh của chị Hoà tiến ra chợ quê và vươn xa đến các xã lân cận.

              Đến nay, những sản phẩm này đã được nhiều người biết đến và là đầu mối cung cấp rau tại một số chợ trung tâm của huyện Đức Linh và một số cửa hàng rau sạch tại thành phố Hồ Chí Minh. Mỗi tháng, vườn rau sản xuất và cung ứng khoảng 600-700 tạ rau các loại. Hiệu quả của mô hình trồng rau thuỷ canh quá rõ, chị Hoà tiếp tục đầu tư, mở rộng diện tích lên 600m2 và hoàn thiện hệ thống thuỷ canh để nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm. Mặt khác, chị chia sẻ và liên kết với những người trồng rau trong vùng, thành lập Hợp tác xã rau Tiến Phát vào tháng 9/2019 với mục tiêu xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, nâng cao thu nhập cho thành viên và người lao động.

Rau ăn lá - đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao

Hợp tác xã Rau an toàn Tiến Phát (Vũ Hòa).

              Không chỉ chuyên sản xuất kinh doanh các loại rau thuỷ canh mà HTX còn tổ chức thu mua, bao tiêu sản phẩm của các thành viên để cung cấp cho thị trường. Đến nay, HTX có 9 thành viên với diện tích rau thuỷ canh khoảng hơn 1.400m2.

              Với phương châm đẩy mạnh liên kết, tạo ra vùng sản xuất bền vững, nâng cao chất lượng sản phẩm, năng suất cây trồng và đặc biệt đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, HTX thường xuyên mở các buổi tham quan, chuyển giao mô hình trồng rau thuỷ canh sạch cho các bạn trẻ khởi nghiệp, nông dân trong và ngoài tỉnh.

                Đức Linh có đủ khả năng hình thành những vườn rau sạch quy mô lớn và phát triển không thua kém gì ở Đà Lạt hoặc các tỉnh có thời tiết mát mẻ khác, đó cũng là mục tiêu HTX đang hướng tới.

Phạm Thị Thanh Hoài

 

 

 

 

ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang