Đức Tín: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa

          Chuyển đổi cơ cấu cây trồng là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và xây dựng nông thôn mới. Thực hiện chủ trương này, những năm qua, Hội Nông dân xã Đức Tín đã tổ chức thực hiện khá hiệu quả; khai thác tốt tiềm năng, ổn định sản xuất cho người dân.

          Những năm qua, xã Đức Tín đã đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả. Chuyển đổi từ đất trồng lúa sang sản xuất các loại cây trồng khác mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa trên cùng chân ruộng, cùng diện tích. Các loại cây trồng hàng năm được chuyển đổi trên đất lúa ngoài việc tiết kiệm nguồn nước tưới còn mang lại thu nhập cao hơn so với trồng lúa. Mặt khác, đối với diện tích đất gò, đất cao thường xuyên thiếu nước và khó khăn trong điều tiết nước tưới, việc chuyển sang trồng các loại cây họ đậu nhằm nâng cao độ phì của đất. Đây là giải pháp quan trọng để thích ứng sản xuất trong điều kiện nắng hạn kéo dài, nguồn nước sản xuất bị hạn chế.

          Đức Tín là một trong những địa phương trên địa bàn huyện Đức Linh thực hiện có hiệu quả việc chuyển đổi cây trồng trên diện tích trồng lúa sang trồng các cây trồng cạn như: đậu phộng, bắp, khổ qua, khoai cao… Điển hình là mô hình trồng cây củ đậu.

Người dân ở đây cho biết, củ đậu là loại cây ngắn ngày, dễ trồng, ít phải đầu tư chăm sóc, ít sâu bệnh, có thể trồng được nhiều vụ trong năm, là cây trồng gối vụ hoặc luân canh trên những đồng ruộng cao nhưng không quá khô cằn. Việc chuyển đổi này không chỉ góp phần cải tạo đất cho mùa sau mà còn đem lại thu nhập cao cho người nông dân so với trồng lúa.

          Đầu năm 2021, nông dân trồng củ đậu tại xã Đức Tín lại phấn khởi vì được giá vào thời điểm trước Tết nguyên đán Tân Sửu với giá 8.000đ/kg, người dân trồng loại cây này càng thêm phấn khởi. Với năng suất trên 50 tấn/ha sau khi thu hoạch trừ các khoản chi phí nông dân còn lãi 270 triệu/ha. Tuy nhiên đây là loại cây trồng có giá thành còn bấp bênh, chưa ổn định, Hội Nông dân xã khuyến cáo nông dân không vì lợi nhuận cao mà mở rộng diện tích trồng ồ ạt, gây tình trạng cung vượt cầu, giá thành hạ thấp.

          Ngoài cây củ đậu, hiện nay nông dân xã Đức Tín cũng đã mạnh dạn đầu tư trồng thí điểm cây khoai cao ruột tím, vàng. Ông Võ Minh Trí, ở  thôn 9, xã Đức Tín cho biết: Sau 6 tháng trồng và chăm sóc đã đi vào thu hoạch đợt 1 (nhổ cây thu củ cái) và 20 ngày sau sẽ tiến hành thu hoạch đợt 2 (thu củ nhánh). Với diện tích khoản 4 ha, chi phí đầu tư cây giống, phân thuốc và chi phí chăm sóc khoảng 120 - 130 triệu/ha, năng suất đạt 20 tấn/ha và giá thành tại thời điểm thu hoạch là 20.000đ/kg sau khi trừ các chi phí người nông dân thu lãi từ 280 triệu đồng/ha.

Bước đầu canh tác, tuy chưa có kinh nghiệm nhiều nhưng kết quả mang lại khá khả quan. Đây là cây trồng đang được nhiều nông dân quan tâm học hỏi để nhân rộng mô hình trong thời gian săp tới.

Hồ Như Đắc

ipv6 readyChung nhan Tin Nhiem Mang