DỰ THẢO: Báo cáo Kết quả xây dựng nông thôn mới năm 2020 của huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận

ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN ĐỨC LINH

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Số:         /BC-UBND 

Đức Linh, ngày         tháng 05 năm 2020

DỰ THẢO

BÁO CÁO

Kết quả xây dựng nông thôn mới năm 2020

của huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận

 

I. Đặc điểm tình hình chung.

1.1. Tóm tắt về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội:

Đức Linh là huyện miền núi, nằm về phía Tây tỉnh Bình Thuận, Trung tâm huyện cách thành phố Phan Thiết 140 km về phía Đông Nam và cách thành phố Hồ Chí Minh 200 km về phía Nam. Tọa độ địa lý nằm trong khoảng từ: 107o23'35,166'' đến 107o39'38,917'' Kinh độ Đông; và từ 11o00'26,672'' đến 11o23'01,391'' Vĩ độ Bắc.

          - Phía Bắc giáp huyện Đạ Huoai tỉnh Lâm Đồng,

          - Phía Nam giáp huyện Xuân Lộc tỉnh Đồng Nai,

          - Phía Đông giáp huyện Tánh Linh tỉnh Bình Thuận,

          - Phía Tây giáp huyện Định Quán và huyện Tân Phú tỉnh Đồng Nai.

Huyện có đường ranh tiếp giáp với tỉnh Đồng Nai thuộc vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam và tỉnh Lâm Đồng thuộc vùng Tây Nguyên. Tổng diện tích tự nhiên 54.657,12 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp 49.446 ha, chiếm tỷ lệ 90,47% diện tích tự nhiên; có 13 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 11 xã và 2 thị trấn, đến cuối năm 2019 thực hiện sát nhập 02 xã Nam Chính và Đức Chính thành xã Nam Chính (hoạt động từ ngày 01/01/2020) còn 12 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 10 xã và 2 thị trấn với 83 thôn, khu phố (trong đó có 3 thôn đồng bào dân tộc thiểu số). Dân số trung bình 135.570 người/33.126 hộ, tốc độ tăng dân số 1,01%; có 04 tôn giáo với 55.917 tín đồ (Phật giáo có 23.015 tín đồ, chiếm 16,46% dân số; Công giáo có 30.788 tín đồ, chiếm 22,02% dân số; Cao đài có 752 tín đồ, chiếm 1,3% dân số; đạo Tin lành có 1.354 tín đồ, chiếm 2,42% dân số).

          Đức Linh có địa hình phức tạp, nhìn toàn thể địa hình của huyện có dạng hình lòng chảo phía Bắc và phía Nam cao, còn vùng đồng bằng trung tâm thấp và được chia làm 3 tiểu vùng: Vùng núi cao chiếm 21% diện tích đất tự nhiên, Vùng đồi gò lượn sóng chiếm 36% diện tích tự nhiên, Vùng đồng bằng trung tâm, chiếm 43% diện tích tự nhiên. Nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa điển hình phân ra hai mùa khô và mưa rõ rệt, mùa khô từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau; mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, hàng năm không có mùa đông khắc nghiệt.

          Tài nguyên thiên nhiên phong phú và đa dạng gồm: Tài nguyên nước mặt có Sông La Ngà bắt nguồn từ miền cao nguyên Bảo Lộc tỉnh Lâm Đồng, có chiều dài 272km, đoạn chảy qua huyện Đức Linh dài 70km, là một trong những con sông có nguồn nước dồi dào nhất trong tỉnh Bình Thuận (lưu lượng trung bình về mùa mưa là 65,2 - 190m3/s, lưu lượng mùa kiệt là 7,37m3/s). Tài nguyên đất: Với 5 nhóm đất chính, phân bố trên 3 nền địa hình đặc trưng là vùng núi, vùng đồi và đồng bằng. Tài nguyên rừng giữ ổn định theo quy hoạch đến năm 2020 là 6.076 ha, chủ yếu là diện tích rừng tự nhiên. Tài nguyên khoáng sản gồm có: Nhóm năng lượng có than bùn ở vùng bàu Núi (Đa Kai), Bàu Sình (Vũ Hoà) trữ lượng không nhiều, chủ yếu khai thác làm phân vi sinh; nhóm kim loại có wonfram ở Mê Pu; nhóm phi kim có các mỏ Diatomit, sét chịu lửa ở Đa Kai, sét gạch ngói, cuội, sỏi đỏ, cát xây dựng, đá xây dựng, đá Carbonat, nước khoáng...

          Trong những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã triển khai thực hiện có hiệu quả nghị quyết Đại hội Đảng các cấp; lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các nhiệm vụ và đạt kết quả nổi bật: Kinh tế tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, sản xuất nông nghiệp theo hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp, sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện; quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định; công tác xây dựng hệ thống chính trị được quan tâm, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền được nâng lên.

          2. Thuận lợi:

          - Về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên:

+ Với điều kiện tự nhiên thiên nhiên đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh sản xuất hàng hóa khác nhau tập trung như vùng chuyên lúa, cao su , điều, cây ăn quả ... Các nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, đa dạng nếu được tổ chức khai thác tốt sẽ mang lại nguồn thu đáng kể cho huyện, tạo điều kiện thúc đẩy ngành công nghiệp khai thác, chế biến.

+ Trên địa bàn huyện được quy hoạch phát triển nhiều cụm công nghiệp là điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư vào các cụm công nghiệp, tạo ra bước chuyển dịch mạnh về cơ cấu kinh tế.

   - Về điều kiện kinh tế - xã hội:

   + Nằm ở vị trí chuyển tiếp của các vùng Nam Trung bộ, Tây nguyên và Đông Nam bộ, Đức Linh có vị trí thuận lợi trong giao lưu kinh tế - văn hóa với vùng Tây nguyên, Đông Nam bộ và Nam Trung bộ - qua quốc lộ 1A, qua Đồng Nai đi thành phố Hồ Chi Minh và Đà Lạt.

+ Tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định, đạt khá, giá trị công nghiệp - xây dựng, nông - lâm nghiệp tăng; hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, chăn nuôi tập trung, mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội được ưu tiên đầu tư xây dựng; gắn phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới. Được lãnh đạo tỉnh quan tâm đầu tư phát triển đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng.

  3. Khó khăn:

          - Địa hình của huyện đa dạng phức tạp gây khó khăn cho sản xuất và đời sống nhất là trong việc phát triển hệ thống giao thông, thủy lợi giữa các vùng trong huyện. Lượng mưa lớn và tập trung theo mùa nên thường xuyên bị ảnh hưởng do thiên tai, làm hạn chế khả năng sản xuất nông nghiệp.

- Huyện miền núi, ở xa trung tâm kinh tế của tỉnh, với xuất phát điểm thấp, hạn chế phát triển công nghiệp, dịch vụ; kinh tế của huyện chủ yếu là nông nghiệp chịu nhiều rủi ro; năng lực cạnh tranh của hàng hóa nông sản thấp; Hạ tầng kỹ thuật còn hạn chế, đặc biệt là cấp thoát nước sinh hoạt đô thị và nông thôn tuy được đầu tư, nhưng mức độ đầu tư còn thấp so với yêu cầu của xã hội; Tỷ lệ hộ nghèo năm đầu thực hiện Chương trình chiếm cao; thu nhập còn thấp nên việc huy động nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới còn gặp nhiều khó khăn.

   II. Căn cứ triển khai thực hiện xây dựng huyện nông thôn mới:

   Căn cứ Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;

Căn cứ Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28/10/2008 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy của Ban chấp hành Trung ương Đảng ( khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;

  Căn cứ Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020;

Căn cứ Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới; Quyết định số 342/QĐ-TTg ngày 20/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi một số tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới;

  Căn cứ Nghị quyết số 100/2015/QH13, ngày 12/11/2015 của Quốc Hội khóa XIII về việc phê duyệt chủ trương đầu tư các Chương trình Mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2016-2020;

  Căn cứ Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16/08/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020;

Căn cứ Quyết định số 41/2016/QĐ-TTg ngày 10/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế quản lý, điều hành thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia;

Căn cứ Quyết định số 1980/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020;

Căn cứ Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 05/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành tiêu chí huyện nông thôn mới và quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới;

Căn cứ Thông tư số 35/TT-BNNPTNT ngày 26/12/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc hướng dẫn thực hiện tiêu chí huyện đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2016-2020;

Căn cứ Quyết định số 2540/QĐ-TTg ngày 30/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy định điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận và công bố địa phương đạt chuẩn nông thôn mới; địa phương hoàn thành hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020;

Căn cứ Quyết định số 1920/QĐ-TTg ngày 05/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và biên chế của Văn phòng Điều phối nông thôn mới các cấp;

Căn cứ Quyết định số 12/2017/QĐ-TTg ngày 22/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020;

Căn cứ Quyết định số 69/QĐ-BNN-VPĐP ngày 09/01/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về ban hành sổ tay hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí Quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020;

Căn cứ Thông tư số 05/2017/TT-BNNPTNT ngày 01/3/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn một số nội dung thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020;

Căn cứ Thông tư số 349/2016/TT-BTC ngày 30/12/2016 của Bộ Tài chính về quy định về thanh toán, quyết toán nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020;

Căn cứ Thông tư số 43/2017/TT-BTC ngày 12/5/2017 của Bộ Tài chính về quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020;

Căn cứ Chương trình hành động số 20 NQ/TU ngày 22/9/2008 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Thuận (khoá XI) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;

Căn cứ Quyết định số 15/2009/QĐ-UBND ngày 09/3/2009 của UBND tỉnh Bình Thuận về việc thực hiện Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28/10/2008 của Chính Phủ;

Căn cứ Quyết định số 3109/QĐ-UBND ngày 24/10/2016 của UBND tỉnh Bình Thuận về việc ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2016-2020;

Căn cứ Quyết định số 644/QĐ-UBND ngày 13/3/2016 của UBND tỉnh Bình Thuận về việc giao chỉ tiêu thực hiện Bộ tiêu chí Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2017 – 2020 và năm 2017;

Căn cứ Quyết định số 504/QĐ-UBND ngày 24 tháng 02 năm 2017 của UBND tỉnh Bình Thuận về việc phân công sở, ngành phụ trách tiêu chí, địa bàn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020;

Căn cứ Quyết định số 607/QĐ-UBND ngày 07 tháng 3 năm 2017 của UBND tỉnh Bình Thuận về việc thực hiện Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới tại tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2017-2020;

Căn cứ Quyết định số 644/QĐ-UBND ngày 13/3/2016 của UBND tỉnh Bình Thuận về việc giao chỉ tiêu thực hiện Bộ tiêu chí Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2017 – 2020 và năm 2017;

Căn cứ Kế hoạch số 2424/KH-UBND ngày 18/6/2018 của UBND tỉnh Bình Thuận về việc triển khai thực hiện Đề án xây dựng nông thôn mới trong quá trình đô thị hóa trên địa bàn huyện giai đoạn 2018-2020 ban hành kèm theo quyết định số 676/QĐ-TTg ngày 18/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ;

Căn cứ Quyết định số 342/QĐ-UBND ngày 13/02/2020 của UBND tỉnh Bình Thuận về việc giao chỉ tiêu thực hiện Bộ tiêu chí Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh năm 2020;

Căn cứ Công văn số 478/SCT-KHTH ngày 20/3/2017 của Sở Công Thương về việc hướng dẫn phương pháp đánh giá tiêu chí 4 điện huyện nông thôn mới trong Bộ tiêu chí huyện nông thôn mới;

Căn cứ Công văn số 1188/SNN-CCPTNT ngày 25/4/2019 của Sở Nông nghiệp & PTNT về hướng dẫn thực hiện Tiêu chí xã đạt Tiêu chuẩn Nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu và huyện đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn đến năm 2020 trên điạ bàn tỉnh;

Căn cứ Công văn số 858/SGD&ĐT-MN&TH ngày 26/4/2019 của Sở Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn lập hồ sơ đánh giá, xét công nhận tiêu chí huyện đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2016-2020;

Căn cứ Công văn số 1609/SXD-QHKT ngày 24/4/2019 của Sở Xây dựng về việc hướng dẫn tiêu chí huyện nông thôn mới.

 Căn cứ Công văn số 1768/STNMT-CCBVMT ngày 22/4/2019 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận về việc hướng dẫn thực hiện tiêu chí số 7 về môi trường đối với tiêu chí huyện đạt chuẩn nông thôn mới;

Căn cứ Công văn số 1281/SNV-XDCQ ngày 03/5/2019 của Sở Nội vụ về việc hướng dẫn lập hồ sơ đánh giá, xét công nhận huyện nông thôn mới; thị xã, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới;

Căn cứ Công văn số 367/SNN-CCTL ngày 13/02/2020 của Sở Nông nghiệp và PTNT về việc hướng dẫn lập hồ sơ đánh giá, xét công nhận tiêu chí số 3 thủy lợi đối với huyện đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2016-2020;

Căn cứ Công văn số 410/CAT-PV05 ngày 19/02/2020 của Công an tỉnh Bình Thuận về hướng dẫn thực hiện tiêu chí an ninh, trật tự xã hội đối với huyện đạt chuẩn nông thôn mới;

Căn cứ Công văn số 675/SGTVT-HTGT ngày 17/03/2020 của Sở Giao thông Vận tải về việc trình tự, thủ tục, nội dung đánh giá, xét công nhận đạt tiêu chí số 2 giao thông thuộc Bộ tiêu chí huyện nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2016-2020;

Căn cứ Kế hoạch số 41-KH/HU ngày 07/11/2008 của Ban Thường vụ Huyện ủy Đức Linh về “Nông nghiệp, nông dân và nông thôn”.

Căn cứ Nghị quyết số 04-NQ/HU ngày 05/10/2016 của Huyện ủy Đức Linh về chương trình hành động của Ban chấp hành Đảng bộ huyện (khóa XI) về phấn đấu xây dựng huyện Đức Linh đến năm 2020 đạt chuẩn huyện nông thôn mới;

Căn cứ Kế hoạch số 63-KH/HU ngày 17/04/2017 của Huyện ủy Đức Linh về triển khai thực hiện Nghị quyết 14-NQ/HU, ngày 11/01/2017 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Thuận (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn gắn với tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới đến năm 2025;

          Căn cứ Quyết định số 1098/QĐ-UBND ngày 17/12/2016 của UBND huyện Đức Linh về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới huyện Đức Linh giai đoạn 2016-2020;

Căn cứ Kế hoạch số 08/KH-UBND ngày 30/01/2019 của UBND huyện Đức Linh về việc thực hiện tiêu chí huyện nông thôn mới đến năm 2020 trên địa bàn huyện Đức Linh;

          Căn cứ Quyết định số 285/QĐ-UBND ngày 20/01/2020 của UBND huyện Đức Linh về việc giao chỉ tiêu thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2020;

Căn cứ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện có liên quan.

  III. Kết quả chỉ đạo thực hiện xây dựng huyện nông thôn mới

1. Công tác chỉ đạo điều hành:

Thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 26-NQ/TW  của Hội nghị Trung ương 7, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Nông nghiệp, nông dân và nông thôn”, Chương trình hành động số 20-NQ/TU, ngày 22/9/2008 của Tỉnh ủy Bình Thuận (khóa XI), ngày 07/11/2008 Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Kế hoạch số 41-KH/HU về “Nông nghiệp, nông dân và nông thôn”. UBND huyện đã ban hành Quyết định số 04/2009/QĐ-UBND ngày 24/4/2009 phê duyệt kế hoạch về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, trong đó có nội dung xây dựng nông thôn mới và chọn xã Mé Pu làm xã điểm xây dựng đạt chuẩn giai đoạn 2011-2015.

Thực hiện Quyết định số 800/QĐ-TTg, ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020; Quyết định số 753/QĐ-UBND, ngày 05/4/2010 của UBND tỉnh Bình Thuận về việc thực hiện Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới tỉnh Bình Thuận; Quyết định số 2881/QĐ-UBND ngày 14/12/2010 của UBND tỉnh Bình Thuận về việc Ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020 tỉnh Bình Thuận; UBND huyện Đức Linh ban hành Quyết định 413/UBND-KT ngày 31/10/2011 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới huyện Đức Linh giai đoạn 2010-2020. Đồng thời, UBND huyện tham mưu Ban chấp hành Đảng bộ huyện ban hành Nghị quyết số 03-NQ/HU ngày 15/10/2012 về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đến năm 2020. UBND huyện đã ban hành Quyết định số 282/QĐ-UBND, ngày 29/5/2010 về việc thành lập Ban chỉ đạo và Tổ Chuyên viên giúp việc cho Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới huyện. Hàng năm, đều tổ chức củng cố và kiện toàn, Ban Chỉ đạo và Tổ Chuyên viên giúp việc cho Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới huyện có 21 thành viên và 13 tổ viên, Trưởng Ban Chỉ đạo do đồng chí Chủ tịch UBND huyện kiêm nhiệm, Phó trưởng Ban chỉ đạo do đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện và đồng chí Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT kiêm nhiệm, các thành viên của Ban Chỉ đạo là lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc huyện. Ban chỉ đạo huyện xây dựng quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong Ban Chỉ đạo và Tổ Chuyên viên giúp việc. Cấp xã tất cả 11/11 xã thành lập Ban chỉ đạo và do đồng chí Bí thư Đảng ủy xã làm Trưởng ban, đồng chí Chủ tịch UBND xã làm Phó Trưởng ban. Đến năm 2011, thành lập thêm Ban Quản lý và Ban phát triển thôn. Trong quá trình chỉ đạo, điều hành Chương trình, hàng năm các xã đều tổ chức củng cố, kiện toàn bộ máy quản lý, điều hành khá kịp thời, đảm bảo bộ máy hoạt động thường xuyên, liên tục.

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 3109/QĐ-UBND ngày 24/10/2016 của UBND tỉnh Bình Thuận về việc ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2016 – 2020; UBND huyện Đức Linh đã ban hành Quyết định số 1098/QĐ-UBND ngày 07/12/2016 về ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới huyện Đức Linh giai đoạn 2016-2020; Quyết định số 1402/QĐ-UBND ngày 28/03/2017 về giao chỉ tiêu thực hiện Bộ tiêu chí Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2017 và giai đoạn 2017-2020. Tham mưu Huyện ủy ban hành Kế hoạch của Ban chấp huyện Đảng bộ huyện khóa XI về phấn đấu xây dựng huyện Đức Linh đến năm 2020 đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Cấp huyện: Thành lập Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc giai giai đoạn 2016 – 2020 huyện Đức Linh (trên cơ sở xác nhập 02 Ban chỉ đạo: Nông thôn mới và giảm nghèo bền vững), Trưởng Ban Chỉ đạo do đồng chí Chủ tịch UBND huyện kiêm nhiệm, Phó Trưởng Ban chỉ đạo do đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện và đồng chí Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT kiêm nhiệm, xây dựng quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo, hàng năm tổ chức kiện toàn, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên Ban chỉ đạo. Cấp xã: kiện toàn lại bộ máy tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020, Ban chỉ đạo do đồng chí Bí thư Đảng ủy làm Trưởng ban, Ban quản lý do đồng chí Chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban, Ban phát triển thôn do đồng chí Bí thư hoặc Trưởng thôn làm Trưởng ban.

Căn cứ Quyết định số 1996/QĐ-TTg, ngày 04/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và biên chế của Văn phòng Điều phối Chương trình nông thôn mới các cấp. UBND huyện đã ban hành Quyết định số 251/QĐ-UBND, ngày 06/02/2015 về việc thành lập Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới huyện Đức Linh giai đoạn 2010-2020; Quyết định số 256/QĐ-UBND, ngày 09/02/2015 về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và biên chế của Văn phòng nông thôn mới huyện Đức Linh. Bổ nhiệm đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện kiêm Chánh Văn phòng, 02 đồng chí Trưởng và Phó phòng Nông nghiệp và PTNT kiêm Phó Chánh Văn phòng, cử 01 công chức phòng Nông nghiệp và PTNT chuyên trách lĩnh vực nông thôn mới cấp huyện. Căn cứ Quyết định số 1920/QĐ-TTg, ngày 05/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ, UBND huyện đã ban hành Quyết định số 2879/QĐ-UBND ngày 18/4/2017 về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy và biên chế của Văn phòng điều phối nông thôn mới huyện; xây dựng quy chế hoạt động của Văn phòng nông thôn mới huyện. Các xã bố trí công chức Địa chính – Xây dựng chuyên trách lĩnh vực nông thôn mới.

Từng cuộc họp giao ban của Huyện ủy, cuộc định kỳ của UBND huyện về nông thôn mới, có thông báo kết luận, chỉ đạo từng ngành, từng đơn vị triển khai thực hiện nhiệm vụ. Hàng tháng, quý tổ chức Đoàn công tác gồm Thường trực Ban Chỉ đạo, các phòng ban được phân công phụ trách từng tiêu chí làm việc với UBND các xã, để kiểm tra tiến độ hoàn thành Bộ tiêu chí nông thôn mới; Riêng đối với các hạng mục công trình do ngành phụ trách, hàng tuần có báo cáo tiến độ thực hiện, gửi về Văn phòng nông thôn mới huyện để tổng hợp báo cáo Ban Chỉ đạo.

Hàng năm, HĐND huyện xây dựng kế hoạch tổ chức giám sát các địa phương về tình hình thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội và xây dựng nông thôn mới.

  2. Công tác truyền thông, đào tạo, tập huấn.

  a) Công tác truyền thông:

Công tác tuyên truyền vận động trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về xây dựng nông thôn mới được triển khai thực hiện cùng với Chương trình ngay từ những năm đầu và duy trì thường xuyên với nhiều hình thức và nội dung phong phú, như tổ chức tọa đàm, hội thi, tuyên truyền lồng ghép trong các hội nghị, cuộc họp; qua các kênh thông tin đại chúng,... Ban Dân vận Huyện ủy tổ chức các buổi tọa đàm về vai trò của các đoàn thể trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Huyện đoàn phối hợp với các đoàn thể huyện tổ chức Hội thi “Dân vận khéo” với sự tham gia của đoàn viên, hội của các đoàn thể ở 11 xã nhằm tìm hiểu về 19 tiêu chí trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo nội dung của Sổ tay và tài liệu “hỏi đáp về xây dựng nông thôn mới (cấp xã)”; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị và các tổ chức thành viên của Mặt trận chỉ đạo các xã triển khai thực hiện thường xuyên, đồng bộ chương trình, kế hoạch tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới đươc lồng ghép với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” với nhiều nội dung thiết thực. Trung tâm Truyền thông – Văn hóa và Thể thao duy trì chuyên mục nông thôn mới trên hệ thống truyền thanh của huyện.

Hưởng ứng phong trào thi đua “Chung sức, chung lòng chung sức xây dựng nông thôn mới”, ngày 30 tháng 11 năm 2011 UBND huyện đã tổ chức Lễ phát động phong trào thi đua “Chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2011-2015; đồng thời chọn xã Mê Pu tổ chức làm điểm của huyện. Ngày 16/12/2016 UBND huyện Đức Linh tổ chức tổng kết phong trào thi đua giai đoạn 2011-2015 và phát động phòng trào thi đua “Chung sức, chung lòng xây dựng dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016-2020, đồng thời chỉ đạo tổ chức phát động trên địa bàn toàn huyện. Hưởng ứng các đợt phát động của UBND huyện, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện tổ chức phát động các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Ban Dân vận với nội dung “Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới”, Hội nông dân với phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi”, Hội Phụ nữ với phong trào “Gia đình 5 không, 3 sạch”, Đoàn Thanh niên với phong trào “Tuổi trẻ Đức Linh chung tay xây dựng nông thôn mới” và “Tuổi trẻ Đức Linh tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng”, các phong trào trên đến nay vẫn được duy trì thực hiện. Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị và các địa phương trong huyện cũng đã xây dựng nhiều mô hình để phát động và thực hiện có hiệu quả như: Công an huyện với mô hình ánh sáng an ninh, camera an ninh; Phòng Kinh tế và Hạ tầng với chương trình làm đường giao thông nông thôn; phòng nông nghiệp và PTNT phát động phong trào thi đua làm thủy lợi nhỏ và các mô hình liên kết phát triển sản xuất; các xã Sùng Nhơn, Vũ Hòa, Đông Hà, Trà Tân, Tân Hà  tổ chức Lễ Phát động phong trào thi đua “Chung sức, chung lòng xây dựng Nông thôn mới” gắn với Hội thi tìm hiểu về nông thôn mới giữa các thôn trong xã; Đài truyền thanh – Truyền hình duy trì phát sóng chuyên mục nông thôn mới,... Qua các phong trào thi đua, trong 10 năm qua đã có nhiều tập thể và cá nhân được UBND tỉnh tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới” ở địa phương.

          b) Công tác đào tạo, tập huấn:

- Giai đoạn 2011-2015: có 1.180 lượt cán bộ, công chức cấp huyện, xã, thôn được cử tham gia các lớp đào tạo, tập huấn kiến thức về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới do trung ương, tỉnh tổ chức (năm 2011, có 260 người; năm 2012, có 256 người; năm 2013, có 225 người; năm 2014, có 203 người; năm 2015, có 160 người). Trong đó, có 30 lượt cán bộ lãnh đạo chủ chốt của huyện tham gia, 100% lãnh đạo xã, thôn. Ngoài ra, UBND huyện tổ chức cho lãnh đạo huyện, xã tham gia nghiên cứu các mô hình, kinh nghiệm trong xây dựng nông thôn mới tại các địa phương trong và ngoài tỉnh, từ đó đúc kết kinh nghiệm về vận dụng tại địa phương.

- Giai đoạn 2016-2020: có 408 lượt cán bộ, công chức cấp huyện, xã, thôn được cử tham gia các lớp đào tạo, tập huấn kiến thức về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới do trung ương, tỉnh tổ chức (năm 2016, có 13 người; năm 2017, có 135 người; năm 2018, có 142 người; năm 2019, có 118 người).

  3. Kết quả huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới:

Tổng nguồn vốn huy động thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện là 2.869,548 tỷ đồng. Trong đó vốn ngân sách nhà nước 713,673 tỷ đồng, chiếm 24,87%, vốn huy động ngoài ngân sách nhà nước 2.155,875 tỷ đồng, chiếm 75,13%. Cụ thể như sau:

a) Vốn ngân sách: 713,673 tỷ đồng, chiếm 24,87%, gồm:

- Vốn trực tiếp cho chương trình là 41,337 tỷ đồng, chiếm 1,44%.

- Vốn lồng ghép các chương trình dự án: 672,336 tỷ đồng, chiếm 23,43%.

b) Vốn tín dụng (vốn tín dụng ưu đãi và tín dung thương mại): 1.222,111 tỷ đồng, chiếm 42,59%.

c) Vốn huy động doanh nghiệp: 481,639 tỷ đồng, chiếm 16,78%

d) Vốn huy động sự đóng góp của nhân dân và huy động khác: 452,125 tỷ đồng, chiếm 15,76%.

   IV. Kết quả xây dựng nông thôn mới.

  1. Số xã đạt chuẩn nông thôn mới theo quy định

  - Tổng số xã trên đại bàn huyện (đến 31/12/2019): 11 xã.

  - Số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (đến 31/12/2019): 11/11 xã.

  - Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới: 100%.

  2. Một số kết quả chủ yếu xây dựng nông thôn mới của các xã:

  2.1. Công tác lập quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch

          - Về quy hoạch xây dựng nông thôn mới cấp xã: Đến cuối năm 2012, Đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới của 11/11 xã đã được UBND huyện phê duyệt (trong đó xã Mê Pu phê duyệt năm 2010). Sau khi phê duyệt quy hoạch, các xã đã tổ chức công bố công khai quy hoạch tại khu trung tâm xã, xây dựng quy chế quản lý quy hoạch trình UBND huyện phê duyệt, thực hiện việc lập hồ sơ và tổ chức cắm mốc quy hoạch theo quy định. Hàng năm, UBND huyện đã chỉ đạo và triển khai thực hiện việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới cho các xã nhằm phù hợp với quy định mới và làm cơ sở lập Quy hoạch xây dựng vùng huyện Đức Linh.

          - Về quy hoạch xây dựng vùng huyện: Quy hoạch xây dựng vùng huyện Đức Linh đến năm 2040, huyện đã thực hiện hoàn thành việc lập Nhiệm vụ Quy hoạch xây dựng vùng huyện Đức Linh đến năm 2040 và đã được UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt tại Quyết định số 2741/QĐ-UBND ngày 12/10/2018. UBND huyện đã tổ chức thực hiện việc lựa chọn nhà thầu tư vấn lập Đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện. Đồ án quy hoạch đã thông qua Cộng đồng dân cư, Thành viên UBND huyện, Ban Thường vụ Huyện ủy, HĐND huyện tại kỳ họp lần thứ 8 – HĐND Khóa XI, trình Sở Xây dựng cùng các Sở, ngành của tỉnh thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt theo quy định.

- Nhìn chung, quá trình thực hiện lập và phê duyệt Đồ án quy hoạch, đảm bảo chất lượng, đúng quy trình theo quy định.

  2.2. Xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu.

  a) Lĩnh vực giao thông:

  Giao thông là huyết mạch, là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển; giao thông nông thôn tạo nên diện mạo nông thôn mới, tạo môi trường gắn kết giữa thúc đẩy sản xuất và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Trong những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của các cấp, các ngành, mạng lưới giao thông nông thôn trên địa bàn huyện đã từng bước được cải tạo, nâng cấp, góp phần tích cực, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong đời sống kinh tế và bộ mặt xã hội nông thôn. Qua đánh giá năm 2011 có 11/11 xã chưa đạt tiêu chí số 2 về giao thông. Vì vậy, việc đầu tư nâng cấp mạng lưới giao thông thôn nông thôn đã trở thành yêu cầu bức xúc.

  Thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 03-NQ/TU của Tỉnh ủy Bình Thuận, các Nghị quyết của HĐND tỉnh và huyện về phát triển Giao thông nông thôn gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện, huyện Đức Linh ban hành Đề án phát triển giao thông nông thôn giai đoạn 2011-2015 và giai đoạn 2016-2020, nhằm huy động nguồn lực của các tầng lớp nhân dân để làm đường giao thông nông thôn với phương châm Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ. Phấn đấu 100% xã (11/11 xã) đạt chuẩn tiêu chí số 2 về giao thông và hoàn thành tiêu chí giao thông huyện nông thôn mới theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

  Tổng số km đường bộ trên địa bàn huyện theo phân cấp huyện Đức Linh quản lý là 851,269 km, trong đó: Nhựa và bê tông nhựa 329,440 km, Bê tông xi măng 110,658 km, Cấp phối sỏi 255,013 km, đường đất: 156,259km. Trên hệ thống đường bộ theo phân cấp huyện Đức Linh quản lý, có 36 cầu đường.

   - Đường huyện: Trên địa bàn huyện có 07 tuyến trục đường huyện do huyện quản lý với tổng chiều dài 53,190 km; có 53,190 km/53,190 km, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm và kết nối tới trung tâm hành chính các xã trên địa bàn.

  - Đường đô thị (02 thị trấn: Võ XuĐức Tài), tổng chiều dài là 188,667km (Trong đó: Nhựa và bê tông nhựa 91,623 km, Bê tông xi măng 11,742 km, Cấp phối sỏi 45,386 km, đường đất: 39,916 km);

  - Đường xã (10 xã): 609,412km (Trong đó: Nhựa và bê tông nhựa 184,527 km, Bê tông xi măng 98,916 km, Cấp phối sỏi 209,627 km, đường đất: 116,343 km); cụ thể phân theo các tiểu tiêu chí:

  + Đường trục xã, đường từ trung tâm xã đến đường huyện: có tổng chiều dài là 36,436km;

  + Đường trục thôn và liên thôn: có tổng chiều dài là 343,743km.

  + Đường ngõ, xóm: có tổng chiều dài là 85,322 km.

  + Đường trục chính nội đồng: có tổng chiều dài là 230,223 km.

Việc thực hiện đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn trên địa bàn huyện đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi, là bước đột phá mới, tạo điều kiện thuận lợi về thông thương, giao lưu trao đổi hàng hóa cho người dân, sản xuất nông, lâm, thủy sản phát triển tạo điều kiện thuận tiện trong việc tiêu thụ, tìm kiếm thị trường, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống và giảm dần hộ nghèo trên địa bàn huyện.

  b) Thủy lợi:

Hệ thống thủy lợi trên địa bàn huyện, gồm có 24 công trình (gồm 01 hồ chứa, 15 đập dâng, 8 trạm bơm điện). Hồ Trà Tân có năng lực thiết kế tưới là 610 ha, thực tế tưới 396 ha; 15 đập với tổng năng lực thiết kế tưới là 2.275 ha, trong đó đập Cầu Cháy (chưa được đầu tư kiên cố) có năng lực thiết kế tưới cho 610 ha. Hệ thống trạm bơm (theo sông La ngà) gồm 8 Trạm bơm với tổng công suất thiết kế tưới là 7.122 ha. Hiện trạng hệ thống kênh trên địa bàn huyện có tổng chiều dài 292,942 km, trong đó kênh tưới có 260,722 km gồm: kênh chính có tổng chiều dài là 57,21 km; kênh cấp I có tổng chiều dài là 131,194 km; kênh cấp II có tổng chiều dài là 71,718 km, Kênh cấp III có 600 m (trạm bơm Sùng Nhơn) và 03 hệ thống kênh tiêu với chiều dài 32,22 km. Kênh tưới thủy lợi nội đồng cấp 1, cấp 2, cấp 3 được phân cấp cho Tổ chức thủy lợi cơ sở khai thác và bảo vệ, phục vụ tưới cho 5.414,49 ha đất nông nghiệp và NTTS. Trong đó, tổng số kênh mương được kiên cố hóa trên toàn huyện lên 53,92 km. Đối với kênh tiêu nội đồng đến nay có khoản hơn 140 km, tất cả là kênh đất.

Hệ thống thủy lợi trên địa bàn huyện do Công ty TNHH MTV KTCT Thủy lợi Bình Thuận - Chi nhánh La Ngà quản lý và vận hành chung; đối với cấp xã có 19 Tổ chức thủy lợi cơ sở, trong đó: có 03 Hợp tác xã DVNN (gồm HTX DVNN Mê Pu, HTX DVNN Võ Xu, HTX Thương mại - DVNN Hoài Đức TT Đức Tài), chiếm tỷ lệ 15,79%; 01 Tổ hợp tác (Sùng Nhơn), chiếm tỷ lệ 5,26%; 15 Tổ Dùng nước (Trà Tân - 01; Tân Hà - 01; Đức Tín - 01; Đức Tài - 02; Nam Chính - 06; Vũ Hòa - 01; Mê Pu - 01; Đa Kai - 02), chiếm tỷ lệ 78,95%.

Trong các năm qua, kệ thống thủy lợi trên địa bàn huyện và các xã được UBND tỉnh, huyện ưu tiên, quan tâm đầu tư, nâng cấp và xây mới theo đúng quy hoạch, kế hoạch, thiết kế được duyệt, tạo nên sự đồng bộ của hệ thống thủy lợi trên địa bàn huyện, từ công trình đầu mối đến hệ thống kênh mương, hệ thống tưới nước tiết kiệm đều được quản lý khai thác hiệu quả, đã đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất, sinh hoạt cho dân cư nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế chung trên địa bàn.

c) Hệ thống điện:

          Huyện Đức Linh được cung cấp điện từ trạm biến áp 110/22kV-16MVA Đức Linh. Huyện có tổng chiều dài đường dây trung thế là 256 km; tổng chiều dài đường dây hạ thế là 397 km; tổng trạm biến áp là 378 trạm với tổng dung lượng là 26.050 KVA, tổng số điện kế toàn huyện trên 31.200 cái; trong đó điện kế 03 pha là 420 cái. Mức tiêu thụ điện năng bình quân hàng năm khoảng 53.000 - 54.000 MWh, điện phục vụ cho các cơ quan nhà nước quản lý và tiêu dùng của dân cư chiếm trên 70%.

          Trong những năm qua, Điện lực Đức Linh đã chú trọng nhiều đến công tác phát triển lưới điện, cải tạo - nâng cấp các công trình lưới trạm, công tác an toàn lưới điện, công tác kiểm tra sử dụng điện và đưa ra những biện pháp quyết liệt nhằm giảm thiểu tỷ lệ điện năng tổn thất, đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt trên địa bàn. Hệ thống điện trên địa bàn các xã đã được tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp, tạo động lực mạnh mẽ để thúc đẩy quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn; tạo điều kiện cho nông dân thay đổi tập quán và quy mô canh tác, thâm canh, tăng năng suất cây trồng, sử dụng máy móc, thiết bị vào sản xuất, sơ chế, chế biến nông sản làm tăng giá trị nông sản, phát triển dịch vụ, các hoạt động văn hoá xã hội ở nông thôn góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống cho nông dân, đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới.

          Từ năm 2011-2019, đã đầu tư được 119,172 km đường dây trung thế; 78,981 km đường dây hạ thế, xây dựng mới 309 trạm biến áp với tổng dung lượng là 19.457,5kVA. Hệ thống hạ tầng điện được thiết kế đảm bảo theo quy định của ngành điện. Đến nay, 100% xã sử dụng điện lưới quốc gia, tỷ lệ số hộ có điện sử dụng thường xuyên trên địa bàn các xã trên 99%, có 11/11 xã đạt tiêu chí số 04 về Điện theo bộ tiêu chí xã nông nông thôn mới, huyện đạt chuẩn tiêu chí số 4 về Điện theo tiêu chí huyện nông thôn mới.

  d) Trường học:

Trên cơ sở quy hoạch, sắp xếp lại trường học các cấp, huyện Đức Linh đã tập trung kêu gọi, huy động từ nhiều nguồn lực để đầu tư vào hệ thống trường học các cấp, đạt kết quả tốt. Tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn huyện có 58 trường công lập (3 trường Trung học phổ thông, 11 trường THCS, 02 trường TH&THCS, 25 trường tiểu học, 17 trường mầm non - mẫu giáo); 05 trường Mầm Giáo – Mầm non tư thục; 1 Trung tâm giáo dục hướng nghiệp – dạy nghề đã góp phần quan trọng vào công tác đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ và phát triển văn hóa xã hội của địa phương.

Trong 10 năm quan đã đầu tư xây mới, nâng cấp 104 công trình trường học các cấp với kinh phí 204.343 triệu đồng. Đến nay, Có 39/58 trường công lập được công nhận đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 67,2%, trên 80% trường học công lập các cấp đạt chuẩn về cơ sở vật chất và trang thiết bị; 100% xã đạt chuẩn tiêu chí số 5 về trường học.

          e) Cơ sở vật chất văn hóa:  

- Trung tâm văn hoá và khu thể thao xã: 100% xã có Trung tâm Văn hóa thể thao.

- Trung tâm Học tập cộng đồng xã có diện tích, quy mô xây dựng đạt chuẩn, có đủ các phòng chức năng, hội trường văn hóa đa năng, các công trình phụ và cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo theo quy định; các thôn đã được đầu tư xây dựng nhà văn hóa thôn đạt chuẩn đảm bảo phục vụ cho nhân dân trên địa bàn các ấp theo quy định. 100% xã đạt tiêu chí số 6 về Cơ sở vật chất Văn hóa theo Quy định của Trung ương và của tỉnh.

- Trong 10 năm, đã xây mới, nâng cấp 11 công trình văn hóa xã, 65 nhà văn hóa thôn với kinh phí 40.921 triệu đồng.

  f) Chợ nông thôn:

  Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn phát triển mạnh mẽ, mạng lưới chợ nông thôn được củng cố, hầu hết các chợ ở trong huyện đều được xây mới hoặc cải tạo, từ nguồn huy động của tiểu thương và hỗ trợ một phần từ ngân sách. Các điểm thương mại, dịch vụ đã và đang thực hiện theo quy hoạch, đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng và lưu thông hàng hóa. Toàn huyện có 16 chợ, trong đó có 14 chợ nông thôn; bằng sự hỗ trợ, vận động tích cực đến nay đã xây dựng mới và nâng cấp được 14 chợ theo phương thức hộ tiểu thương góp vốn đầu tư, nhà nước hỗ trợ và tham gia quản lý, với tổng kinh phí 27.786 triệu đồng. 100% xã đạt chuẩn tiêu chí số 7 về cơ sở hạ tầng thương mại.

  g) Thông tin và truyền thông:

   - Trên địa bàn huyện có 01 Trung tâm Truyền thông – Văn hóa và thể thao huyện, 12 đài truyền thanh xã, thị trấn và các cụm loa trên toàn địa bàn thôn, khu phố. Nhìn chung, hệ thống loa đài đảm bảo thực hiện nhiệm vụ thu, phát sóng phục vụ yêu cầu tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của huyện. Huyện có 1 Bưu điện huyện, 6 Bưu điện văn hóa xã, 03 điểm đại lý đa dịch vụ phục vụ bưu chính viễn thông đều đảm bảo các yêu cầu điều kiện về mặt bằng, trang thiết bị phù hợp, và các dịch vụ cung cấp bưu chính đều đảm bảo phục vụ tốt các nhu cầu của nhân dân.

- Trên địa bàn huyện hiện có 03 doanh nghiệp viễn thông, 69 trạm BTS. Ngành viễn thông hiện nay đang phát triển mạnh với việc cung cấp dịch vụ MegaVN, các đường truyền ADSL… đáp ứng được nhu cầu sử dụng của nhân dân và đảm bảo hệ thống thông tin liên lạc được thông suốt. Các thôn, khu phố trên địa bàn huyện đều có internet, các đại lý kinh doanh internet, điện thoại, đạt tỷ lệ 100%.

  - UBND huyện Đức Linh đã tập trung đầu tư trang thiết bị và ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính và quản lý văn bản nhằm đảm bảo phục vụ công tác quản lý và điều hành. Đồng thời, đã triển khai thực hiện hệ thống một cửa, một cửa liên thông hiện đại cấp huyện và cấp xã nhằm phục vụ nhân dân.

  h) Nhà ở dân cư:

  Trong những năm qua, người dân tự xây dựng và có sự hỗ trợ của nhà nước, đã xây dựng mới, nâng cấp 1.500 căn nhà, kinh phí trên 325 tỷ đồng. Đến nay, trên địa bàn huyện không còn nhà tạm, dột nát; tỷ lệ nhà ở đạt chuẩn theo quy định đạt 95,58% (21.339 căn/22.263 căn nhà); 100% xã đạt tiêu chí số 9 về nhà ở dân cư.

  2.3. Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân:

  a) Trên lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản:

  * Về trồng trọt:

- Cây Lúa: Diện tích gieo trồng toàn huyện ước cuối năm 2020 là 23.700 ha; năng suất đạt 58,31 tạ/ha (tăng 12,19% so với năm 2015), sản lượng đạt 138.200 tấn (tăng 35,75% so với năm 2015). Vùng trồng lúa tập trung ở các xã, thị trấn: Mê Pu, Sùng Nhơn, Đa Kai, Nam Chính, Võ Xu, Đức Tài, Vũ Hòa, Đức Tín, có hệ thống thuỷ lợi tưới, tiêu chủ động; kênh mương và giao thông nội đồng đã ổn định, tương đối hoàn chỉnh... Phần lớn diện tích sản xuất đã áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật như: trên 90% diện tích sử dụng giống xác nhận, thời điểm xuống giống đồng loạt, tập trung; 100% cơ giới hóa trong khâu làm đất, thu hoạch, và 80% sử dụng công cụ máy bơm hỗ trợ trong khâu phun thuốc chăm sóc phòng trừ sâu, bệnh. 

- Cây Bắp: Diện tích gieo trồng toàn huyện ước cuối năm 2020 là 1.750 ha, năng suất đạt 85,71 tạ/ha (tăng 19,5% so với năm 2015), sản lượng 15.000 tấn. Vùng chuyên canh tập trung tại các xã Mê Pu, Sùng Nhơn, Đa Kai (Diện tích gieo trồng 1.380 ha, chiếm 78,85% diện tích trồng bắp trên địa bàn huyện). Mức độ đầu tư, áp dụng tốt, đồng bộ quy trình kỹ thuật (trên 100% diện tích canh tác sử dụng giống bắp lai; 100% cơ giới hóa khâu làm đất và vận chuyển và 50% khâu thu hoạch…). Vụ Đông xuân hàng năm, huyện khuyến khích người dân chuyển đổi từ 1.200 đến 1.300 ha đất trồng lúa sang trồng bắp cho năng suất cao, tăng thu nhập khoảng 15 triệu đồng/1ha so với trồng lúa.

- Cây đậu phộng: Diện tích gieo trồng toàn huyện ước cuối năm 2020 là 390 ha, năng suất chung đạt 25 tạ/ha (tăng 25% so với năm 2015), sản lượng 975 tấn. Vùng chuyên canh tập trung tại các xã Mê Pu, Sùng Nhơn, Đa Kai (Diện tích gieo trồng 292 ha, chiếm 74,8% diện tích trồng đậu phộng trên địa bàn huyện), sử dụng 100% cơ giới hóa khâu làm đất. Năng suất trung bình vùng tập trung đạt từ 28 – 30 tạ/ha, cao hơn bình quân chung của huyện 3-5 tạ/ha. Vụ Đông xuân hàng năm, huyện khuyến khích người dân chuyển đổi từ 250-300 ha đất trồng lúa sang trồng đậu phộng cho năng suất cao, tăng thu nhập khoảng 20-25 triệu đồng/1ha so với trồng lúa.

- Cây rau màu, thực phẩm các loại: Diện tích gieo trồng ước cuối năm 2020 là 900 ha, sản lượng 14.229 tấn (tăng 4 lần so với năm 2015). Vùng chuyên canh tập trung ở các xã Đông Hà, Trà Tân, Tân Hà, Đức Tín. Các loại rau chủ yếu gồm: Rau ăn lá (cải xanh, cải ngọt, cải cúc, xà lách); rau ăn trái (dưa leo, khổ qua, đậu đũa, bầu bí...) được trồng khá tập trung, diện tích trồng ổn định. Một số diện tích trồng rau ăn lá, đã ứng dụng trồng rau trong nhà lưới, trồng rau thủy canh, hệ thống tưới bán tự động; được chuyển giao và áp dụng quy trình trồng rau theo hướng an toàn. Các vùng trồng rau chuyên canh được tổ chức thành Hợp tác xã (HTX rau an toàn Tiến Phát); ký hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ với doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh. Hiện tại, vùng trồng rau của HTX rau an toàn Tiến Phát đang tiến tới đầu tư để được Chứng nhận VietGAP.

- Cây cao su: Tổng diện tích năm 2020 là 13.869 ha, năng suất trung bình quân là 15,96 tạ/ha (tăng 14% so với năm 2015), sản lượng 19.680 tấn (tăng 79% so với năm 2015). Vùng chuyên canh tập trung ở các xã Đông Hà, Trà Tân, Tân Hà, Đức Hạnh, Nam Chính, Vũ Hòa, Mê Pu, Đức Tín.

- Cây tiêu: Diện tích năm 2020 là 1.080 ha, năng suất trung bình 17 tạ/ha, sản lượng 1.801 tấn. Vùng chuyên canh tập trung ở các xã Đông Hà, Đức Hạnh, Trà Tân, Đức Tài, Đa Kai.

- Cây Điều: Diện tích 9.527 ha, vùng chuyên canh tập trung ở các xã Đông Hà, Trà Tân, Tân Hà, Đức Hạnh, Đức Tín, Mê Pu. Trồng chủ yếu trên đất đồi dốc, thiếu nước tưới; giống cũ nên năng suất không cao, 11,2 tạ/ha, sản lượng 10.626 tấn đạt 11 tạ/ha, sản lượng tấn. Hiện nay, người dân đang thực hiện trồng thay thế giống mới năng suất cao (giống AB 05-08, PN1), áp dụng quy trình chăm sóc (tỉa cành, tạo tán...) để nâng cao năng suất, chất lượng.

- Cây ăn quả (Bưởi, sầu riêng, xoài): Diện tích 1.991 ha (tăng 30% so với năm 2015), năng suất trung bình 69 tạ/ha (tăng 1,4% so với năm 2015), sản lượng 11.903 tấn (tăng 12,79%). Vùng chuyên canh tập trung ở các xã Đa Kai, Đức Tín, Đông Hà, Trà Tân. Loại giống chủ yếu là Bưởi Da xanh; Sầu riêng hạt lép RI 6, MonThong; Xoài Đài Loan, Xoài Thái Lan, Mít Thái chất lượng, Chôm chôm Thái ghép cho giá trị kinh tế cao.

* Về chăn nuôi:

Tình hình chăn nuôi những năm gần đây đã có bước phát triển, năm 2020 đàn heo đạt 100.000 con, đã thực hiện quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung để tạo điều kiện thuận lợi hình thành các trang trại, cơ sở chăn nuôi tập trung theo hướng công nghiệp hóa góp phần tích cực trong kiểm soát, hạn chế dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh môi trường. Hiện tại, trên địa huyện có 25 trang trại chăn nuôi heo, gia cầm tập trung được đầu tư công nghệ tự động và bán tự động với số lượng đàn chiếm trên 60% tổng đàn của huyện tập trung vào con heo và gà, vịt, đồng thời thực hiện sản xuất theo chuỗi liên kết để mang lai hiệu quả kinh tế và đảm bảo an toàn bền vững.

Công tác phòng chống dịch bệnh vật nuôi: Trong những năm gần đây, tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm được kiểm soát chặt chẽ nhờ thực hiện tốt công tác vệ sinh phòng dịch, tiêm phòng vắc xin. Hàng năm, từ nguồn ngân sách hỗ trợ Trung ương, tỉnh cho công tác tiêm phòng các bệnh nguy hiểm trên gia súc (dịch tả, tai xanh, lở mồm long móng), gia cầm (cúm H5N1) và vận động các chủ trang trại, hộ dân chăn nuôi thực hiện công tác tiêm phòng các loại Vacxine nhằm phòng ngừa nguy cơ bùng phát các bệnh dịch trên con nuôi với số lượng tiêm phòng vacxine theo định kỳ, bình quân hàng năm là trên 2 triệu liều vacxine. Công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ ngày càng được quan tâm thực hiện góp phần phòng ngừa sự lây lan của dịch bệnh.

* Nuôi trồng Thủy sản: Diện tích nuôi trồng thuỷ sản ổn định là 1.051 ha, sản lượng nuôi trồng 3.200 tấn. Mô hình nuôi trồng thủy sản trong các hồ, đập và sông, suối đã phát huy hiệu quả tốt, như nuôi cá thác lác còm, cá chép giòn, cá lăng, cá chình; đặc biệt nuôi cá chép giòn cho giá trị cao. Việc liên kết trong sản xuất bước đầu đã hình thành và hoạt động khá hiệu quả từ đó đã nâng cấp Tổ hợp tác lên thành HTX nuôi trồng thủy sản Tân Trà xã Tân Hà, doanh thu bình quân hàng năm đạt khoảng 1,5 tỷ đồng.

           * Lâm nghiệp: Diện tích đất lâm nghiệp là 6.087,3 ha chiếm 11,13% so với diện tích tự nhiên, trong đó rừng phòng hộ 2.473,23 ha, rừng sản xuất 3.614,07 ha. Độ che phủ của rừng trên địa bàn huyện đạt từ trên 58,2%. Công tác tuần tra, kiểm soát quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng được quan tâm. Hàng năm tổ chức các hội nghị tuyên truyền nâng cao ý thức cộng đồng về bảo vệ và phát triển rừng, qua đó thực hiện ký cam kết bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng đối với tất cả các hộ dân sống ven rừng và có rẫy ven rừng nên không xảy ra vụ cháy rừng nào. Nhân ngày ngày Môi trường thế giới, hàng năm, huyện đã phát động và tổ chức trồng 10.000 cây phân tán nhằm tăng tỷ lệ che phủ xanh, đồng thời khuyến khích, vận động người dân trồng và chăm sóc, bảo vệ rừng.

* Cơ giới hoá, bảo quản sau thu hoạch và công nghiệp chế biến:

- Tình hình cơ giới hoá: Cơ giới hoá trong khau làm đất đạt tỷ lệ 95% -100% đối với cây ngắn ngày, đạt tỷ lệ 60% - 65% đối với cây lâu năm. Cơ giới hóa trong thu hoạch mới thực hiện được ở cây lúa (tỷ lệ 100%), còn lại cây hàng năm khác, cây lâu năm phần lớn chưa thực hiện hình thức thủ công và bán thủ công. Đối với cơ giới hóa trong tưới nước các loại cây lâu năm như: Cà phê, tiêu, cây ăn trái vào mùa khô và diện tích cây ngắn ngày như rau, màu các loại trồng vụ Đông Xuân được sử dụng máy bơm nước phụ vụ công tác tưới tiêu 100%. Riêng hệ thống tưới tiết kiệm kết hợp bón phân qua đường ống bước đầu được nông dân áp dụng trên một số diện tích cây lâu năm cây hồ tiêu, cà phê, trên rau màu từ 5% - 10%.

- Công nghiệp chế biến, sơ chế, bảo quản nông sản: Việc bảo quản nông sản phần lớn được thực hiện tại nông hộ một cách thô sơ, chưa có kho bảo quản chuyên dụng; các kỹ thuật xử lý mối, mọt chưa được áp dụng... do đó tỷ lệ hao hụt và giảm chất lượng nông sản còn cao. Công nghiệp chế biến chưa phát triển, phần lớn nông sản chỉ được tiêu thụ thô nên giá trị còn thấp (có một lượng rất nhỏ cà phê được chế biến rang, xay thành phẩm; chế biến bún gạo; cơ sở xay xát lúa).

         * Đổi mới tổ chức sản xuất trong nông nghiệp: Thực hiện theo Luật HTX năm 2012, Quyết định 2261/QĐ-TTg ngày 15/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình phát triển HTX giai đoạn 2015-2020. Năm 2015 UBND huyện chỉ đạo rà soát, kiểm tra tình hình hoạt động của các Hợp tác xã trên địa bàn huyện, đã giải thể 08 Hợp tác xã hoạt động kém hiệu quả, ngừng hoạt động trong thời gian dài; trong đó có 05 Hợp tác xã về lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp và 03 Hợp tác xã Công nghiệp – Tiểu thủ công nghiệp. Từ năm 2016 đến nay thành lập mới 19 Hợp tác xã trên lĩnh vực nông nghiệp và PTNT. UBND huyện đã và đang tiếp tục hỗ trợ các Hợp tác xã đã thành lập nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, gắn sản xuất với bao tiêu sản phẩm theo chuỗi liên kết; đồng thời đang xúc tiến việc thành lập. Đến nay, 100% xã, thị trấn có Hợp tác xã được thành lập và hoạt động theo luật HTX năm 2012, trong đó có 100% xã có HTX lĩnh vực nông nghiệp theo tiêu chí nông thôn mới.

- Công tác đào tạo nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp được chú trọng. Trong 10 năm đã triển khai 207 lớp đào tạo nghề cho hơn 6.000 lao động nông thôn; các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp đã tổ chức hơn 1.000 lớp tập huấn, hội thảo về lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp. Tỷ lệ lao động trong độ tuổi lao động có việc làm thường xuyên trên 93,7 %; tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo đạt 55 %, trong đó khu vực nông thôn đạt 52%.

          b) Trên lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ:

- Về công nghiệp – TTCN:

Tình hình sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp huyện Đức Linh cơ bản thực hiện theo đúng quy hoạch và định hướng phát triển của huyện và duy trì ở mức tăng trưởng khá. UBND huyện tập trung chỉ đạo thực hiện chương trình phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp theo Nghị quyết 05-NQ/HU của Huyện Ủy về phát triển công nghiệp đến năm 2020. Công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp và thu hút đầu tư được chú trọng, góp phần phát triển sản xuất, tăng nhanh giá trị sản xuất, giải quyết việc làm cho lao động địa phương, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động. Đến năm 2020, toàn huyện hiện có 06 cụm công nghiệp với diện tích 282 ha.

Đã quy hoạch và thu hút được 02 nhà đầu tư kết cấu hạ tầng 03 cụm công nghiệp tại xã Đông Hà với diện tích 182,82 ha, tổng số vốn đầu tư trên 800 tỷ đồng; đã có 01 cụm công nghiệp đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, 01 cụm công nghiệp đang triển khai tiến độ đạt khoảng 50% và 01 cụm công nghiệp hoàn thiện các thủ tục pháp lý. Hiện nay đã có 07 nhà đầu tư thứ cấp đăng ký đầu tư với tổng mức đầu tư trên 700 tỷ đồng với số lượng lao động dự kiến thu hút trên 12.000 lao động

Đối với 03 cụm công nghiệp do huyện quản lý dù chưa được đầu tư hạ tầng cơ bản nhưng cũng đã thu hút được 02 dự án sản xuất vật liệu xây dựng tại cụm công nghiệp hầm sỏi Võ Xu, 01 dự án may mặc tại cụm công nghiệp Sùng Nhơn; đồng thời, thu hút Công ty Cổ phần May Nhà bè đầu tư nhà máy tại Khu phố 1, thị trấn Võ Xu góp phần giải quyết việc làm cho 2.500 lao động địa phương. Diện tích lấp đầy của 03 cụm công nghiệp này đến nay đạt khoảng 45%.

Tiểu thủ công nghiệp tiếp tục phát triển, một số ngành nghề truyền thống được duy trì và phát huy hiệu quả như: mộc dân dụng, đan thủ công mỹ nghệ, may, thêu tranh. Sản xuất công nghiệp đã góp phần rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân huyện nhà.

  - Phát triển thương mại - dịch vụ:

Công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ phát triển thương mại dịch vụ được tập trung triển khai. Hoạt động thương mại dịch vụ ở khu trung tâm xã Đông Hà, Đức Hạnh và 02 thị trấn phát triển nhanh. Hệ thống chợ trên địa bàn huyện được nâng cấp, xây dựng mới khang trang đáp ứng tiêu chí chợ nông thôn mới và hoạt động ổn định, đảm bảo điều kiện mua bán, giao thương của nhân dân, tăng sức mua hàng hóa; mạng lưới hệ thống các cửa hàng bán lẻ hiện đại, cửa hàng tiện lợi phát triển mạnh như: Thế Giới Di Động, Điện Máy Xanh, Bách Hóa Xanh, cửa hàng FPT, HEAD HonDa, các cửa hàng nội thất, nhà hàng, trung tâm thương mại được xúc tiến đầu tư. Dịch vụ du lịch tại Thác 3 tầng xã Đa Kai bước đầu thu hút du khách đến vui chơi, giải trí. Dịch vụ vận tải phát triển mạnh về số lượng và các phương tiện vận tải tăng nhanh cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của nhân dân. 

 Công tác phối hợp kiểm tra, kiểm soát thị trường được tiến hành thường xuyên, chống các hành vi gian lận thương mại, hàng gian, hàng giả, đảm bảo an toàn thực phẩm cho nhân dân. Hoạt động xúc tiến thương mại, khuyến công, áp dụng công nghệ khoa học vào thương mại dịch vụ được chú trọng, góp phần hỗ trợ một số doanh nghiệp, hợp tác xã mở rộng quy mô và thị trường tiêu thụ. Các dịch vụ khác như Điện, nước, Bưu chính – viễn thông đều phát triển đáp ứng được nhu cầu của nhân dân. 

- Về hoạt động tín dụng: Hệ thống tín dụng – ngân hàng ngày một phát triển, trong thời gian qua đã thu hút và phát triển thêm Chi nhánh ngân hàng HDbank, Chi nhánh ngân hàng Sacombank, Chi nhánh ngân hàng Vietcombank, Viettinbank… nâng tổng số ngân hàng và các quỹ tín dụng lên 14 cơ sở. Tổng doanh số cho vay hàng năm trên 600 tỷ đồng, đã đáp ứng được nhu cầu vốn vay cho đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh. Việc giải ngân vốn vay thực hiện đúng định hướng cơ cấu kinh tế, từ đó thúc đẩy kinh tế phát triển, góp phần giảm nghèo, hạn chế nạn cho vay nặng lãi.

          c) Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn - Công tác giảm nghèo:

Thu nhập của người dân nông thôn là thước đo cho việc phát triển về kinh tế, là mục tiêu, tiêu chí của Chương trình, trong 10 năm qua các cấp ủy đảng, chính quyền đã tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện, trong đó tập trung thực hiện lĩnh vực phát triển sản xuất nông nghiệp – công nghiệp và dịch vụ, công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp; nhằm phát huy hiệu quả tiềm năng kinh tế xã hội huyện nhà, nâng cao thu nhập và đời sống vật chất của người dân. Các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo, chương trình 135 hỗ trợ cho đồng bào dân tộc tiểu số được quan tâm thực hiện. Tuy nhiên, tình hình thời tiết diễn biến bất thường, hạn hán, lũ lụt, lốc xoáy, dịch bệnh thường xuyên xảy ra, hệ thống thủy lợi tuy ổn định nhưng vẫn chưa đáp ứng kịp thời cho sản xuất, nên phần nào ảnh hưởng đến sản xuất. Ngành nghề nông thôn phát triển chậm, công tác đào tạo nghề còn hạn chế, lao động nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu lao động nông thôn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn còn ở mức thấp, các cơ chế chính sách về tín dụng áp dụng vào thực tiễn chưa đáp ứng nhu cầu của người dân.

Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn hàng năm tăng, năm 2019 đạt bình quân 40 triệu đồng/người/năm, tăng bình quân trên 24 triệu đồng/người/năm so với năm 2010, có 100% xã đạt tiêu chí số 10 về thu nhập. Tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm, cuối năm 2019 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,94%, có 100% xã đạt tiêu chí số 11 về hộ nghèo.

 2.4. Phát triển giáo dục, y tế, văn hóa và bảo vệ môi trường:

- Về giáo dục: Mạng lưới trường học được củng cố và sắp xếp lại phù hợp với xu hướng tập trung xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, cơ sở vật chất trường học tiếp tục được quan tâm đầu tư xây dựng. Công tác phổ cập giáo dục được quan tâm thực hiện, giữ vững phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi; giữ chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, nâng chuẩn phổ cập giáo dục THCS và xóa mù chữ mức độ 1 lên mức độ 2. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS đạt trên 99% (yêu cầu 85%). Đến nay, 100% xã đạt tiêu chí số 14 về giáo dục.

- Về Y tế: Cơ sở hạ tầng và trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh được quan tâm đầu tư; năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ y tế ngày càng được tăng cường, các dịch vụ kỹ thuật y tế phát triển, đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở y tế trên địa bàn. Đã triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình y tế quốc gia, không để dịch bệnh nguy hiểm xảy ra. Hàng năm trên 95% trẻ em dưới 01 tuổi được tiêm chủng đủ 8 bệnh; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm từ 14,22% năm 2011 xuống còn 9,5% năm 2015, còn 8% năm 2019. Năm 2010, trên địa bàn huyện có 11/11 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế theo tiêu chí của giai đoạn 2006-2010, tuy nhiên, đến năm 2011 bộ tiêu chí quốc gia về y tế thay đổi mức độ đạt chuẩn, nên chưa có xã nào đạt. Từ năm 2012 – 2015, huyện đã xây dựng và công nhận 6/11 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế xã, giai đoạn 2016-2019 công nhận 11/11 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế xã. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế tăng từ 45% năm 2010 lên 90% năm 2019, có 100% xã đạt tiểu tiêu chí 15 về y tế.

- Về văn hóa: Hoạt động văn hóa, thể dục thể thao phát triển đúng hướng, bám sát nhiệm vụ chính trị, hướng về cơ sở, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” được mở rộng trên tất cả các địa bàn dân cư. Hàng năm có 100% thôn phát động xây dựng thôn văn hóa và có trên 80% thôn được công nhận và tái công nhận danh hiệu thôn văn hóa, trên 90% hộ được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa; đến nay có 100% xã đạt tiêu chí 16 về văn hóa

- Về Bảo vệ môi trường: Công tác bảo vệ môi trường nông thôn, khắc phục, xử lý ô nhiễm và cải thiện môi trường được tập trung tuyên truyền, vận động toàn dân thực hiện thông qua các buổi phát động nhân dịp tháng hàng động, các ngày lễ, tết,.... Hàng năm, tổ chức hưởng ứng phong trào "Tuần lễ quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn", Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Ngày môi trường thế giới ngày 05/6. Qua đó, nhận thức về bảo vệ môi trường của nhân dân và các doanh nghiệp trên địa bàn huyện được nâng lên. Huyện đã xây dựng và triển khai thực hiện 100% kế hoạch trồng 10.000 cây xanh đến năm 2020; tỷ lệ hộ gia đình ở nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh trên 98,78%; tỷ lệ hộ gia đình có đủ 3 công trình vệ sinh đảm bảo 3 sạch 92,79 %; tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại hợp vệ sinh ở nông thôn đạt 92,58%; 100% xã có hoạt động thu gom và xử lý rác thải khu dân cư; 100% xã được xây dựng quy chế quản lý nghĩa trang, thực hiện việc chôn cất theo hàng và theo diện tích đã được quy hoạch; có trên 100% cơ sở sản xuất kinh doanh đạt chuẩn về môi trường; công tác vệ sinh an toàn thực phẩm được triển khai thực hiện, tổ chức triển khai tập huấn xác nhận kiến thức và ký cam kết an toàn thực phẩm cho 3.326 hộ gia đình, cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm (lĩnh vực ngành Y tế 609 cơ sở, lĩnh vực ngành Công thương 130 cơ sở, linh vực ngành nông nghiệp 2587 sơ sở). Đến nay, có 100% xã đạt chuẩn tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm.

  2.5. Xây dựng hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh và gìn giữ an ninh, trật tự xã hội.

  a) Về xây dựng hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh:

- Xác định xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh là nhiệm vụ trong tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, nên Huyện ủy, UBND huyện quan tâm chỉ đạo đồng bộ từ huyện đến cơ sở. Đội ngũ cán bộ, công chức xã được bổ nhiệm, tuyển dụng, bố trí phù hợp với trình độ chuyên môn, được đào tạo đủ chuẩn theo quy định của Luật cán bộ, công chức. Hệ thống chính trị của 100% xã có đủ 5 tổ chức (Mặt trận, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cưu chiến binh và Đoàn thanh niên); hàng năm 5 tổ chức, đoàn thể chính trị đều đạt danh hiệu tiên tiến trở lên; Cán bộ, công chức xã đạt chuẩn chiếm trên 100%; Đảng bộ, chính quyền đạt tiêu chuẩn “trong sạch vững mạnh” đạt kế hoạch đề ra.

- Vai trò của tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể - chính trị xã hội trong xây dựng nông thôn mới ngày càng được phát huy. Mặt trận và các đoàn thể từ huyện đến cơ sở đã có nhiều cố gắng trong việc đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, gắn nhiệm vụ chính trị với Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới, góp phần tích cực vào công cuộc đổi mới chất lượng cuộc sống vùng nông thôn. Trong đó, vai trò của Hội Nông dân ngày càng được phát huy; trong những năm qua Hội Nông dân đã tích cực phối hợp với các ngành tổ chức nhiều chương trình lồng ghép, gắn với đời sống, sản xuất của nông dân, nhằm giúp nông dân tiếp cận nhanh với những tiến bộ của khoa học công nghệ và ứng dụng vào thực tiễn. Phong trào “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” ngày càng phát triển, số hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tăng dần theo từng năm.

- Kết quả thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”: Trong 10 năm qua Hội Liên hiệp Phụ nữ đã tích cục triển khai thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”, các cấp Hội Phụ nữ từ huyện đến xã đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động, hỗ trợ hội viên phụ nữ tham gia “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”, qua đó đã phát huy vai trò của phụ nữ trong xây dựng nông thôn mới. Đến nay, có 25.401/27.428 hộ gia đình phụ nữ đăng ký tham gia thực hiện các tiêu chí của cuộc vận động, đạt 92,6%; đã thành lập 115 tổ/2.533 hội viên.

- Công tác xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được quan tâm triển khai thực hiện từ năm 2017 theo Quyết định số 619/QĐ-TTg ngày 08/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ, đến cuối năm 2019 có 100% xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (tiểu tiêu chí 18.5).Thực hiện bình đẳng giới (tiểu tiêu chí 18.6) được quan tâm, hiện có 100% xã có Nữ giữ chức vụ lãnh đạo (Bí thư, phó Bí thư, Chủ tịch, phó Chủ tịch HĐND, UBND).

- Công tác cải cánh hành chính được triển khai thực hiện đầy đủ nhiệm vụ cải cách hành chính theo kế hoạch đề ra; duy trì công khai, minh bạch các thủ tục hành chính tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả cấp huyện, xã; công khai số điện thoại của lãnh đạo UBND xã, thị trấn và hộp thư điện tử tiếp nhận phản ánh kiến nghị của tổ chức, cá nhân trong trong thực hiện giải quyết thủ tục hành chính. Công tác giải quyết hồ sơ theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, một cửa điện tử đi vào nề nếp, đảm bảo giải quyết kịp thời, đúng thời gian quy định, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hẹn tăng.

  b) Về giữ gìn An ninh trật tự xã hội:

- Ban Chỉ huy Quân sự xã vững mạnh toàn diện: Năm 2015, là năm đầu triển khai thực hiện tiêu chí 19.5 về “Xây dựng Ban Chỉ huy Quân sự xã vững mạnh toàn diện”, Ban Chỉ huy quân sự huyện đã tích cực hướng dẫn cụ thể cho các địa phương, nên hiện nay các xã đã và đang triển khai thực hiện, đầu tư xây dựng thêm cơ sở vật chất, thành lập chi ủy chi bộ, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chiến sĩ để đảm đủ chuẩn theo quy định. Các xã đã thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Ban CHQS các xã đã làm tốt vai trò, chức năng tham mưu cho Đảng ủy, UBND các xã trong việc tổ chức, quán triệt, triển khai các Nghị quyết, Chỉ thị, Nghị định của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng và các cấp. Ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện tốt nhiệm vụ QS-QP địa phương. Xây dựng lực lượng Dân quân tự vệ đạt 100% chỉ tiêu trên giao, chất lượng lãnh đạo lực lượng DQTV và độ tin cậy về chính trị ngày được nâng cao, hoàn thành chương trình huấn luyện theo chỉ tiêu trên giao. Hàng năm, đều hoàn thành 100% chỉ tiêu giao quân ở cả hai cấp huyện và xã, tỷ lệ động viên nhập ngũ hàng năm đều vượt chỉ tiêu trên giao. Thực hiện phối hợp chặt chẽ giữa Ban CHQS các xã với Công an các xã theo Nghị định 77, Nghị định 133 của Chính phủ; tổ chức tuần tra, kiểm tra làm trong sạch địa bàn giữ vững ổn định ANCT-TTATXH trên địa bàn các xã trong các ngày cao điểm, lễ, tết trong năm đạt hiệu quả thiết thực. Đến nay 100% xã đạt tiểu tiêu chí 19.1 về “Xây dựng Ban Chỉ huy Quân sự xã vững mạnh toàn diện”.

- Về giữ gìn an ninh, trật tự xã hội: Công tác xây dựng đội ngũ bảo đảm an ninh trật tự, trật tự an toàn xã hội luôn được quan tâm. Đã tập trung chỉ đạo các ngành, các cấp tăng cường thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh trật tự ở địa phương, mở các đợt cao điểm đẩy mạnh đấu tranh, tấn công trấn áp các loại tội phạm, nên tình hình an ninh trật tự và trật tự an toàn xã hội được giữ vững và từng bước có chuyển biến. Đảng ủy, UBND các xã, đã chủ động thực hiện tốt công tác an ninh, trật tự; Hàng năm có Nghị quyết, kế hoạch về công tác đảm bảo an ninh, trật tự, chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ Quốc. Công an các xã đã chủ động xây dựng chương trình công tác năm nhằm cụ thể hóa Nghị quyết của Đảng ủy và kế hoạch của UBND các xã. Đồng thời, triển khai thực hiện đầy đủ các chương trình, kế hoạch của Công an tỉnh, Công an huyện về việc đảm bảo ANCT và TTATXH trên từng địa bàn. Các mô hình an ninh được triển khai có hiệu quả và nhân rộng trên toàn huyện như mô hình ánh sáng an ninh, camera an ninh… Năm 2019 có 08/11 xã đạt tiêu chuẩn “An toàn về ANTT.

3. Kết quả thực hiện các tiêu chí huyện nông thôn mới:

3.1. Tiêu chí số 1 về quy hoạch:

  a) Yêu cầu của tiêu chí: Có quy hoạch xây dựng trên địa bàn huyện được phê duyệt.

b) Kết quả thực hiện:

- Căn cứ Thông tư số 35/2016/TT-BNNPTNT ngày 26/12/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, huyện Đức Linh đã hoàn thành việc lập và trình phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng huyện Đức Linh đến năm 2040 theo quy định.

- Trên cơ sở đó, UBND huyện Đức Linh công bố công khai tại và lắp dựng Panô công bố công khai tại 04 vị trí trung tâm của 04 tiểu vùng (Trà Tân, Đức Tài, Võ Xu và Sùng Nhơn).

- Xây dựng quy chế quản lý quy hoạch xây dựng vùng huyện Đức Linh đến năm 2040 theo quy định.

- Quy hoạch vùng huyện đảm bảo yêu cầu về nội dung nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng vùng theo quy định tại Điều 6, Điều 7, Điều 8 Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06/5/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng.

- Đồ án quy hoạch xây dựng vùng đảm bảo đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp và yêu cầu xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020.

Đánh giá: Đạt so với yêu cầu của tiêu chí.

  3.2. Tiêu chí số 2 về Giao thông.

  a) Yêu cầu của tiêu chí:

  - Hệ thống giao thông trên địa bàn huyện đảm bảo kết nối tới các xã.

  - Tỷ lệ km đường huyện đạt chuẩn theo quy hoạch.

  b) Kết quả thực hiện tiêu chí:

Căn cứ Quy hoạch xây dựng vùng huyện Đức Linh, tỉnh Bình thuận đến năm 2040; Quyết định số 4927/QĐ-BGTVT ngày 08/7/2011 về việc ban hành “Hướng dẫn lựa chọn quy mô kỹ thuật đường giao thông nông thôn phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020” và Căn cứ Công văn số 675/SGTVT-HTGT ngày 17/3/2020 của Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Thuận về việc trình tự, thủ tục, nội dung đánh giá, xét công nhận đạt chuẩn tiêu chí 2 giao thông thuộc Bộ tiêu chí huyện nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2016-2020. Kết quả rà soát, đánh giá tiêu chí 2 giao thông huyện đạt chuẩn nông thôn mới cụ thể như sau:

- Hệ thống giao thông trên địa bàn huyện đảm bảo kết nối tới các xã:

+ Có 100% km đường huyện do huyện quản lý đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm và kết nối tới trung tâm hành chính các xã trên địa bàn: Trên địa bàn huyện có 07 tuyến trục đường huyện do huyện quản lý với tổng chiều dài 52,199km; có 52,199km/52,199km, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm và kết nối tới trung tâm hành chính các xã trên địa bàn. Đánh giá: Đạt.

+ Có 100% Km mặt đường huyện được nhựa hóa hoặc bê tông xi măng hóa: Trên địa bàn huyện có 52,199km/52,199km được nhựa hóa. Đánh giá: Đạt.

- Tỷ lệ Km đường huyện đạt chuẩn theo quy hoạch:

+ Có 100% số tuyến đường huyện có cấp đường phù hợp với quy hoạch được duyệt, tối thiểu đường cấp V (Cấp kỹ thuật đường huyện đạt tiêu chuẩn 4054:2005): Trên địa bàn huyện có 07/07 tuyến đường huyện có cấp đường phù hợp với quy hoạch được duyệt. Đánh giá: Đạt.

+ Có 100% hệ thống cầu, cống trên các tuyến đường huyện được xây dựng kiên cố, phù hợp với cấp đường quy hoạch: Hệ thống cầu, cống trên các tuyến đường huyện được xây dựng kiên cố, phù hợp với cấp đường quy hoạch. Đánh giá: Đạt.

- Có 100% km đường huyện do huyện quản lý được bảo trì hàng năm (Chứng minh bằng hồ sơ bảo trì đường bộ hàng năm được phê duyệt): Hàng năm các tuyến đường huyện được bảo trì. Đánh giá: Đạt.

- Đường thủy (nếu có): Đường thủy nội địa do địa phương quản lý được lắp đặt hệ thống báo hiệu an toàn, thuận tiện cho các phương tiện lưu thông. Các bến thủy nội địa phục vụ vận chuyển hành khách, hàng hóa phải đảm bảo các điều kiện về an toàn và được cấp phép hoạt động: Trên địa bàn huyện không có đường thủy, không có bến thủy nội địa. Đánh giá: Đạt.

- Bến xe khách tại trung tâm huyện (nếu có theo quy hoạch) tối thiểu đạt loại 4; bố trí điểm dừng, điểm đỗ tại trung tâm các xã dọc theo quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện có tuyến vận tải khách công cộng theo quy hoạch (nếu có): Trên địa bàn huyện có 01 bến xe khách tại trung tâm huyện với diện tích hơn 4.000 m2, đạt Bến xe loại 4 theo Thông tư số 73/2015/TT-BGTVT ngày 11/11/2015 của Bộ GTVT; Trên các tuyến tỉnh lộ có bố trí điểm dừng, điểm đỗ tại trung tâm các xã, thị trấn; đường tỉnh, đường huyện có tuyến vận tải khách công cộng theo quy hoạch. Đánh giá: Đạt.

c) Đánh giá: Đạt so với yêu cầu của tiêu chí.

  3.3. Tiêu chí số 3 về Thủy lợi.

  a) Yêu cầu tiêu chí:

Hệ thống thủy lợi liên xã đồng bộ với hệ thống thủy lợi các xã theo quy hoạch.

   b) Kết quả thực hiện:

          - Hệ thống Thủy lợi liên xã được xây dựng phù hợp với quy hoạch thủy lợi đã được phê duyệt: Nhìn chung hệ thống thủy lợi liên xã được đầu tư xây dựng cơ bản đồng bộ, đảm bảo phù hợp với quy hoạch chung của huyện, đáp ứng tốt nhu cầu phục vụ sản xuất và cung cấp nước sinh hoạt cho người dân địa phương, với 09/11 xã, thị trấn được phục vụ. Đến nay, toàn huyện có hơn 20 công trình đầu mối cấp nước và 05 hạng mục tiêu nước chủ yếu gồm:

+ Hệ thống tưới có: 01 hồ chứa nước (Trà Tân), 08 công trình trạm bơm điện và 11 công trình đập dâng nước nhỏ các loại với tổng năng lực thiết kế là 7.037 ha/vụ/năm trong giai đoạn 2016-2020 tăng 500ha/vụ/năm so với giai đoạn 2011-2015; công suất khai thác trung bình năm giai đoạn 2016-2020 đạt 17.256,71 ha/năm, tăng 1.957,98 ha so với trung bình giai đoạn 2011-2015. Để đảm bảo cho việc khai thác tối đa công suất thiết kế của các công trình cấp nước, trong thời gian qua, hệ thống kênh tưới liên xã không ngừng được đầu tư xây dựng mở rộng và nâng cấp. Toàn huyện có hơn 48 tuyến kênh phục vụ liên xã với tổng chiều dài 62,844 km, trong đó: kênh chính 20 tuyến/32,624 km và kênh cấp 1 là 28 tuyến/30,22 km. Kể từ năm 2017, dự án thủy lợi Tà Pao bắt đầu triển khai thực hiện, đầu tư bê tông hóa hệ thống kênh liên xã với hơn 47,53 km kênh chính và kênh cấp 1, chiếm tỷ lệ 75,58% tổng chiều dài kênh phục vụ liên xã trên địa bàn huyện và hiện đang tiếp tục triển khai đến hết năm 2020.

+ Hệ thống tiêu có: Hệ thống thoát lũ Đê bao Võ Xu, kênh tiêu T1, kênh tiêu T2, kênh tiêu Võ Xu và kênh tiêu suối Đại Lộc với tổng năng lực thiết kế của toàn hệ thống là 6.650 ha đảm bảo tiêu úng chủ động 70% cho hơn 6000 ha đất canh tác nông nghiệp tại địa phương.

+ Hệ thống thủy lợi xã: Để đảm bảo chức năng tiếp nhận, phân phối nguồn nước từ công trình thủy lợi liên xã thì hệ thống thủy lợi nội đồng các xã luôn được chú trọng đầu tư mở rộng, nâng cấp. Đến nay, toàn huyện có tổng số 264 tuyến kênh tưới thủy lợi nội đồng cấp 1, cấp 2, cấp 3 với tổng chiều dài 133,682 km, phục vụ tưới cho khoảng 17.000 ha/năm đất nông nghiệp và NTTS. Trong đó, tổng chiều dài được kiên cố hóa là 4,39 km, chiếm 3,28%; kênh đất 129,292 km chiếm tỷ lệ 96,72%.

- Tổ chức quản lý, khai thác hệ thống thủy lợi liên xã hoạt động bền vững:

+ Được thành lập theo quy định hiện hành: Hiện nay, các công trình thủy lợi nội đồng được phân cấp, giao cho Tổ chức thủy lợi cơ sở quản lý và khai thác, bảo vệ theo Quyết định 72/QĐ-UBND ngày 27/2/2020 của UBND huyện về việc quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi nội đồng trên địa bàn huyện Đức Linh.

+ Quản lý khai thác: Đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi đã lập kế hoạch cung cấp nước, lịch bơm tưới cho từng cánh đồng cụ thể tại các trạm bơm, đảm bảo cung cấp đủ nước cho nhân dân sản xuất nông nghiệp. Công tác đầu tư sửa chữa các công trình thủy lợi được đặc biệt quan tâm, việc đầu tư, sửa chữa kịp thời các công trình thủy lợi đã hạn chế phát sinh hư hỏng lớn, đảm bảo an toàn công trình, nâng cao hiệu quả bơm tưới phục vụ sản xuất và giúp các địa phương hoàn thành tiêu chí thủy lợi trong xây dựng nông thôn mới.

+ Phương án bảo vệ: Để đảm bảo cho hoạt động quản lý và bảo vệ công trình thủy lợi nội đồng theo theo quy định tại: Quyết định 10/2020/QĐ-UBND ngày 14 tháng 02 năm 2020 của UBND tỉnh Bình Thuận Ban hành quy định phạm vi vùng phụ cận đối với công trình thủy lợi khác và các trường hợp cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh, Quyết định số 11/2020/QĐ-UBND ngày 14 tháng 02 năm 2020 của UBND tỉnh Bình Thuận Ban hành quy định phân cấp quản lý công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh; UBND huyện Đức Linh đã ban hành Quyết định số 135/QĐ-UBND ngày 05/5/2020 về việc Phê duyệt phương án bảo vệ công trình thủy lợi nội đồng trên địa bàn huyện.

- Có 100% xã đạt tiêu chí số 3 về thủy lợi theo bộ tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020. Trong đó, có 04 xã Đức Chính, Nam Chính, Vũ Hòa và Đa Kai hoàn thành đề án Đề án kiến cố hóa kênh nội đồng các xã xây dựng nông thôn mới tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2015-2020 theo Quyết định số 3151/QĐ-UBND ngày 25 tháng 9 năm 2014, Quyết định số 3234/QĐ-UBND ngày 14 tháng 11 năm 2017 của UBND tỉnh Bình Thuận về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Đề án kiến cố hóa kênh nội đồng các xã xây dựng nông thôn mới tình Bình Thuận giai đoạn 2015-2020.

  Nhìn chung, hệ thống thủy lợi liên xã đồng bộ với hệ thống thủy lợi các xã theo quy hoạch; công tác quản lý, khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn huyện cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu nước sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt dân sinh. Hiện có trên 80% diện tích đất sản xuất nông nghiệp huyện được tưới, tiêu nước chủ động theo quy định và đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu về phòng, chống thiên tai tại chỗ.

   UBND huyện đã lập hồ sơ đề nghị xét, công nhận và đã được Sở Nông nghiệp và PTNT thẩm tra, đánh giá đạt tại Công văn số 1654/SNN-CCTL ngày 20/5/2020.

    c) Tự đánh giá: Đạt so với yêu cầu của tiêu chí.

    3.4. Tiêu chí số 4 về Điện.

    a) Yêu cầu tiêu chí:

Hệ thống điện liên xã đồng bộ với hệ thống điện các xã theo quy hoạch, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của cả hệ thống.

    b) Kết quả thực hiện:

   Hệ thống lưới điện trên địa bàn huyện được tập trung đầu tư, nâng cấp đồng bộ. Toàn bộ hệ thống thường xuyên được kiểm tra, rà soát các tuyến đường dây trung áp, trạm biến áp, đường dây trung hạ thế và được đầu tư, cải tạo lưới điện bằng các nguồn vốn khác nhau như: xây dựng cơ bản, sửa chữa lớn, sửa chữa thường xuyên đảm bảo lưới điện vận hành an toàn, cung cấp điện liên tục, chất lượng đạt yêu cầu kỹ thuật của ngành điện. Từ năm 2011-2019, đã đầu tư được 119,172 km đường dây trung thế; 78,981 km đường dây hạ thế, XDM 309 trạm biến áp với tổng dung lượng l 19.457,5kVA.

    Hiện nay, hệ thống điện liên xã đồng bộ với hệ thống điện các xã theo quy hoạch, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của cả hệ thống và đảm bảo nhu cầu sử dụng điện  đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của huyện.

   UBND huyện đã lập hồ sơ đề nghị xét, công nhận và đã được Sở Công thương thẩm tra, đánh giá đạt tại Công văn số 646/SCT-KHTH ngày 26/3/2018.

    c) Tự đánh giá: Đạt so với yêu cầu của tiêu chí.

    6.5. Tiêu chí số 5 về Y tế - Văn hóa - Giáo dục.

   a) Yêu cầu tiêu chí:

  - Bệnh viện huyện đạt tiêu chuẩn bệnh viện hạng III, Trung tâm y tế huyện đạt chuẩn quốc gia.

  - Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện đạt chuẩn, có các hoạt động văn hóa - thể thao phù hợp kết nối với các xã có hiệu quả.

  - Tỷ lệ trường Trung học phổ thông đạt chuẩn ≥ 60%.

          b) Kết quả thực hiện:

  * Về Y tế:

Hệ thống y tế huyện đã chú trọng, tập trung đầu tư, hầu hết các cơ sở khám, chữa bệnh sau khi được xây mới, nâng cấp mở rộng đều đáp ứng đủ các khoa, phòng, bộ phận theo đúng mô hình quy định ngành Y tế được bổ sung trang thiết bị kỹ thuật y tế đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân trong huyện.

- Bệnh viện huyện: Bệnh viện ĐKKV Nam Bình Thuận là bệnh viện đa khoa được thành lập từ năm 2007 trên cơ sở nâng cấp Bệnh viện huyện Đức Linh theo Quyết định số 2565/QĐ-UBND ngày 03/10/2007 của UBND tỉnh Bình Thuận, chính thức đi vào hoạt động từ tháng 02/2008 với quy mô 280 giường bệnh. Bệnh viện được xếp hạng II theo Quyết định số 946/QĐ-UBND ngày 03/4/2008 của UBND tỉnh Bình Thuận. Từ năm 2008 đến nay, Bệnh viện tiếp tục đầu tư nâng cấp và mở rộng cơ sở vật chất.

  - Trung tâm Y tế đạt chuẩn quốc gia: Trung tâm Y tế huyện được thành lập 2008, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn về hoạt động y tế dự phòng, các chương trình mục tiêu quốc gia về Y tế đều được triển khai kịp thời và với sự hỗ trợ của các ban ngành đoàn thể trong công tác phối hợp, giúp ngành y tế triển khai thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

+ Tổ chức bộ máy: 04 phòng chức năng, 07 khoa chuyên môn, 10 trạm Y tế, 02 phòng khám khu vực.

+ Nhân sự: Định biên được giao 216 biên chế và 07 Hợp đồng NĐ 68; hiện có 165 biên chế, 38 hợp đồng trong định biên, và 07 Hợp đồng NĐ 68.

+ Cơ sở vật chất và trang thiết bị: Trung tâm Y tế huyện xây dựng mới năm 2010, tại xã Nam Chính, trên diện tích 4.400 m2 đảm bảo theo quy định tại Quyết định số 2367/QĐ-BYT ngày 04/7/2007 của Bộ Y tế về việc ban hành mô hình – tiêu chuẩn thiết kế Trung tâm Y tế dự phòng tuyến quận, huyện, thành phố trực thuộc tỉnh. Có Trang thiết bị đảm bảo hoạt động thường xuyên của các khoa, phòng, phòng khám khu vực, các trạm y tế các xã, thị trấn. Số lượng trang thiết bị đảm bảo thực hiện đúng quy định theo Quyết định số 50/2017/QĐ-TTg ngày 31/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định tiêu chuẩn, định mức máy móc, thiết bị.      

+ Đội ngũ cán bộ y tế nhiệt tình, năng động, có tinh thần trách nhiệm cao trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, hoàn thành các chỉ tiêu đề ra trên các mặt hoạt động khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân và phòng chống dịch, bệnh. Công tác truyền thông giáo dục sức khỏe được tăng cường, cung cấp nhiều tin, bài giúp truyền đạt thông tin về sức khỏe đến người dân trên địa bàn xã về lợi ích của việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ dưới 5 tuổi đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Công tác xây dựng xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế luôn được huyện quan tâm hàng đầu, đưa vào mục tiêu kế hoạch tổ chức thực hiện hàng năm và luôn đạt, vượt kế hoạch chỉ tiêu đề ra.

  * Về văn hóa: Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện đạt chuẩn, có các hoạt động văn hóa - thể thao phù hợp kết nối với các xã có hiệu quả.

          Huyện Đức Linh có Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện được thành lập năm 1995 theo Quyết định số 190/QĐ-UB-ĐL ngày 22/7/1995. Năm 2018 thành lập Trung tâm Truyền thông - Văn hóa và Thể thao huyện theo Quyết định Số 4688/QĐ-UBND, ngày 10/9/2018 (trên cơ sở xác nhập Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện với Đài Truyền thanh – Truyền hình huyện). Từ năm 1995 đến nay Trung tâm đã được đầu tư xây dựng đảm bảo đạt chuẩn, có các hoạt động văn hóa - thể thao phù hợp kết nối với các xã có hiệu quả.

          - Diện tích đất được quy hoạch (không kể diện tích của các công trình thể dục thể thao trong nhà và ngoài trời) 49.013 m2, được cấp Giấy CNQSDĐ số BY 617178.

          - Quy mô xây dựng: Hội trường 350/300 chổ ngồi. Phòng làm việc lãnh đạo (Giám đốc, Phó giám đốc) 12/10m2. Diện tích phòng làm việc của bộ phận chuyên môn: Hoạt động chung >70m2. Công trình thể dục thể thao: Sân vận động 42.610 m2, Nhà tập luyện thể thao 730,3 m2. Công trình phụ trợ: Sân khấu phục vụ tập luyện và biểu diễn nghệ thuật trong nhà 28 m2, Khu triển lãm, biểu diễn ngoài trời có Quảng trường 10.000 m2. Khu dịch vụ, vui chơi giải trí, vườn hoa tại Công viên huyện.

          - Trang thiết bị:  Hội trường đa năng Có đủ bàn ghế cho 350 chỗ ngồi. Trang bị âm thanh, ánh sáng đủ công suất phục vụ 350 người. Đạo cụ, trang phục đáp ứng tốt yêu cầu tập luyện và biểu diễn. Dụng cụ tập luyện và thi đấu thể dục thể thao đảm bảo theo công trình thể dục thể thao. Phương tiện vận chuyển được trang bị 02 xe ô tô chuyên dùng.

          - Tổ chức và biên chế: Lãnh đạo Trung tâm có Giám đốc và 03 Phó giám đốc (lý do xác nhận Trung tâm Văn hóa – Thể theo và Đài Truyền thanh – Truyền hình huyện). Các bộ phận nghiệp vụ có 04 người (Hành chính - Tổng hợp, Văn hóa văn nghệ, Thể dục thể thao, Đội Tuyên truyền lưu động). Biên chế do UBND cấp huyện Quyết định theo định mức biên chế sự nghiệp, có 22 viên chức và 02 Hợp đồng.

          - Trình độ cán bộ: Cán bộ quản lý có 13/22 người có trình độ đại học chuyên ngành Văn hóa, Thể dục thể thao, trình độ Trung cấp lý luận chính trị trở lên; Có 22/22 người có thâm niên công tác 03 năm trở lên; Cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ có 13/22 người được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ về Văn hóa - Thể dục thể thao, có 12/22 người có trình độ Đại học, 10/22 người có trình độ Cao đẳng, Trung cấp.

          - Tổ chức hoạt động: Hoạt động theo đúng chức năng nhiệm vụ: Số chương trình hoạt động tại chỗ 14 CT/năm. Số chương trình hoạt động lưu động 08 CT/năm. Số buổi hoạt động của Đội Tuyên truyền lưu động 85 buổi/năm. Số chương trình hoạt động phối hợp, liên kết 05 CT/năm. Số lớp năng khiếu, ngành nghề chuyên môn được tổ chức trong năm 12 lớp/năm. Số cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn, hội chợ triển lãm tổ chức trong năm 05 cuộc/năm. Số cuộc thi đấu thể thao trong năm 08 cuộc/năm. Các hoạt động hướng dẫn nghiệp vụ cho các Trung tâm Văn hóa - Thể thao cơ sở trong địa bàn: Tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ về Văn hóa - Thể thao cho cơ sở 04 lớp/năm. Ấn hành tài liệu nghiệp vụ 08 loại, 1.100 bản. Tổ chức các hoạt động văn hóa, vui chơi giải trí phục vụ trẻ em đạt > 20% thời gian hoạt động của Trung tâm. Tổng số lượt người đến tham gia, sinh hoạt tại Trung tâm 8.100 lượt người/năm.

          - Kinh phí chi theo quy định của pháp luật về đơn vị sự nghiệp do UBND huyện cấp từ ngân sách địa phương hàng năm cho sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch. Ngân sách nhà nước cấp bảo đảm cho các hoạt động theo kế hoạch được duyệt; thực hiện các nhiệm vụ đột xuất, đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị. Các nguồn thu từ hoạt động sự nghiệp, hoạt động nghiệp vụ, chuyên môn; hoạt động dịch vụ, tài trợ và các nguồn thu hợp pháp khác.

- Nhìn chung, trên cơ sở chương trình phát triển kinh tế - xã hội chung, hàng năm Trung tâm Truyền thông  - Văn hóa và Thể thao huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể với nhiều hoạt động thiết thực trong các lĩnh vực: văn hóa, văn nghệ, tuyên truyền cổ động, mở các lớp năng khiếu nghệ thuật, tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao, tổ chức các cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn, thi đấu và hướng dẫn phong trào văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao ở cơ sở; phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao; sưu tầm, bảo tồn và hướng dẫn các loại hình nghệ thuật dân gian, các môn thể thao truyền thống; tổ chức các hoạt động tác nghiệp chuyên môn, các hoạt động dịch vụ văn hóa, thể thao và các hoạt động dịch vụ khác đáp ứng nhu cầu của nhân dân địa phương đảm bảo đúng quy định của pháp luật và phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất của tổ chức sự nghiệp, cụ thể: Tổ chức thực hiện tốt các nội dung về lĩnh vực văn hóa như: chỉ tiêu xây dựng mới kịch bản thông tin lưu động, số buổi hoạt động thông tin lưu động, tổ chức các hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng cấp huyện. Thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, các nhiệm vụ chuyên môn do Huyện uỷ, UBND huyện giao như: tổ chức các chương trình văn hoá văn nghệ; phục vụ trang trí, âm thanh, tuyên truyền nhân dịp các sự kiện chính trị trọng đại, kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, của địa phương; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ nhân kỷ niệm các ngày lễ kỷ niệm của các ngành. Hoạt động văn hoá văn nghệ quần chúng tại Trung tâm Văn hoá - Thể thao huyện diễn ra phong phú, đa dạng: duy trì sinh hoạt các câu lạc bộ (CLB) sở thích như: CLB tuyên truyền ca khúc cách mạng, CLB thể dục dưỡng sinh, thể dục thẩm mỹ, CLB khiêu vũ, ... phục vụ tốt nhu cầu vui chơi, giải trí, hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Hàng năm, Trung tâm xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động kết nối với các xã trên địa bàn huyện tổ chức các hoạt động văn hóa văn văn nghệ như: liên hoan đờn ca tài tử, các hoạt động mừng đảng mừng xuân, hội thi hoa phượng đỏ…, các hoạt động thể dục thể thao như: tổ chức giải cầu lông, bóng chuyền, bóng đá mini, chạy việt dã... tạo hoạt động văn hóa, văn nghệ sôi nổi trên địa bàn huyện.

Hiện Trung tâm Truyền thông – Văn hóa và Thể thao huyện đạt chuẩn, có các hoạt động Truyền thông - Văn hóa và thể thao phù hợp kết nối với các xã có hiệu quả theo quy định của Thông tư 01/2010/TT-BVHTTDL ngày 26/02/2010 và Thông tư 11/2010/TT-BVHTTDL ngày 22/12/2010 của Bộ VH-TT&DL.

    * Về Giáo dục: Trên địa bàn huyện có 03 trường Trung học Phổ thông (THPT Đức Linh, THPT Hùng Vương và THPT Quang Trung), hiện nay 2/3 trường Trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đạt 67% (THPT Đức Linh, THPT Hùng Vương). UBND huyện đã lập hồ sơ đề nghị xét công nhận và đã được Sở giáo dục và đào tạo thẩm định công nhận đạt tại Quyết định số 639/QĐ-SGD&ĐT ngày 10/06/2019 về việc công nhận huyện Đức Linh đạt tiểu tiêu chí 5.3 của tiêu chí số 5 về Y tế – Văn hóa – Giáo dục thuộc tiêu chí huyện nông thôn mới.   

    c) Tự đánh giá: Đạt so với yêu cầu của tiêu chí.

3.6. Tiêu chí số 6 về sản xuất: Đạt

   a) Yêu cầu tiêu chí:

          Hình thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung hoặc có mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, tổ chức liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ các sản phẩm chủ lực của huyện.

          b) Kết quả thực hiện:

          * Hình thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung:

    Với quan điểm xác định sản xuất là khâu đột phá. Huyện đã tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao giá trị, hiệu quả, chất lượng sản phẩm; nâng cao lợi thế cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp. Đổi mới, đa dạng hóa các hình thức tổ chức sản xuất (Hợp tác xã, Tổ hợp tác, Câu lạc bộ, trang trại...), hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm (liên kết ngang, liên kết dọc), xây dựng giải pháp để thực hiện, tạo sự bình đẳng và khuyến khích các chủ thể tham gia chuỗi, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện nhanh đời sống nông dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo.

   Trên cơ sở thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” của Chính phủ, Quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh, huyện Đức Linh đã hình thành được các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung đối với các cây trồng, con nuôi chủ lực, có lợi thế của huyện, mang lại hiệu quả kinh tế cao, như sau:

   - Huyện đã quy hoạch 8.600 ha đất lúa ổn định đến năm 2020, trong đó có 3.000 ha vùng lúa chất lượng cao, gắn với chuyển đổi cây trồng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 gồm có 8 vùng ở các xã, thị trấn: Mê Pu, Sùng Nhơn, Đa Kai, Vũ Hòa, Võ Xu, Nam chính, Đức Tín, Đức Tài.

   - Vùng chuyên canh cây cao su: Ổn định diện tích gần 13.000 ha/13.868 ha, các xã Đông Hà, Trà Tân, Tân Hà, Đức Hạnh, Vũ Hòa.

   - Vùng chuyên canh cây điều: ổn định diện tích 9.000 ha/9500, các xã: Đông Hà, Trà Tân, Tân Hà, Đức Hạnh, Đức Tín, Mê Pu, Đa Kai.

- Vùng chuyên canh cây ăn quả: Diện tích 1.600/1.991 ha, chủ yếu ở các xã: Đông Hà, Đa Kai.

- Vùng chuyên canh cây bắp: Thực hiện trên 1.200 ha, chủ yếu ở vùng đất chuyển đổi đất lúa vụ Đông xuân hàng năm ở các: xã Mê Pu, Sùng Nhơn, Đa Kai và một số ít vùng đất màu ở các xã: Trà Tân, Tân Hà, Đức Hạnh, Đức Tín.

- Vùng chuyên canh cây rau: Diện tích 120 ha, ở các xã: Đông Hà, Trà Tân, Tân Hà, Đức Tín.

- Vùng chăn nuôi tập trung: Huyện đã quy hoạch 1.250 ha ở 7 xã, gồm: Đức Tín 120 ha, Tân Hà 80 ha, Đức Hạnh 100 ha, Đông Hà 400 ha, Trà Tân 500 ha, Đa Kai 10 ha, Vũ Hòa 40 ha, các vùng quy hoạch có hệ thống đường giao thông, điện đảm bảo cho công tác chăn nuôi. Ngoài ra, quy hoạch 1.050 ha diện tích nuôi trồng thủy sản.

- Giết mổ tập trung: Quy hoạch 05 điểm giết mổ heo tập trung ở Đức Tài, Đức Tín, Võ Xu, Mê Pu và Trà Tân đảm bảo kiểm soát an toàn vệ sinh thú y, vệ sinh thực phẩm.

Nhìn chung, các vùng sản xuất tập trung này đã bố trí các cây trồng, con nuôi chủ lực có quy mô diện tích lớn, có sự kết nối tốt trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

* Kết quả thực hiện chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện.

Thực hiện Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn; Quyết định số 19/2016/QĐ - UBND ngày 23/6/2016 của UBND tỉnh Bình Thuận về quy định chính sách, mức hỗ trợ việc thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức đại diện nông dân và nông dân trên địa bàn tỉnh Bình Thuận; Nghị quyết số 86/2019/NQ-HĐND ngày 19/12/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Thuận về phê duyệt chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

          Hàng năm, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT cùng các đơn vị chuyên môn, UBND các xã, thị trấn tổ chức triển khai thực hiện liên kết trong sản xuất trên địa bàn huyện. Phối hợp với công ty TNHH SX&TM Đại Nhật Phát, Công ty thực phẩm Vissan, cơ sở hạt điều Hoàng Gia tiến, Công ty TNHH MTV cao su Bình Thuận, Công ty TNHH MTV Công Thành Út Hạnh Long An, Công ty TNHH TMDV XNK Hưng Phát Thành Phố Hồ Chí Minh, Công ty TNHH MTV Đỗ Nguyễn Minh, nông dân và một số hộ kinh doanh cá thể thực hiện liên kết trên một số sản phẩm cây trồng, con nuôi chủ lực của huyện như: cây điều, cây cao su, cây lúa, cây bắp, con heo, gia cầm.

          - Đối với cây lúa: Đã thực hiện liên kết 13.470 tấn, chiếm 10,23% sản lượng lúa năm 2019 của huyện. Trong đó: Hợp tác xã nông nghiệp Công Thành Đức Linh đại diện cho nông dân ký kết hợp đồng liên kết với công ty TNHH MTV Út Hạnh Công Thành Long An là 8.700 tấn/năm, giá trị tiêu thụ ổn định từ 5.100 đồng/kg - 5.500 đồng/kg,  thời gian liên kết là 4 năm (2018 - 2021). Công ty TNHH SX&TM Đại Nhật Phát thôn 6 - Mê Pu liên kết với HTX Nông nghiệp Mê Pu ký kết hợp đồng liên kết  4.770 tấn/năm, thời gian thực hiện là 4 năm (2018 - 2021).

- Cây bắp: Đã thực hiện liên kết 1.555 tấn/năm, chiếm 12% sản lượng bắp năm 2019 của huyện. Trong đó: Công ty TNHH thu mua nông sản Phát Thịnh - ấp Tân Hạnh - Xuân Bảo - Cẩm Mỹ - Đồng Nai liên kết với nông dân xã Sùng Nhơn, Đa Kai ký kết hợp đồng liên kết, tiêu thụ sản phẩm 835 tấn/năm, thời gian thực hiện từ năm 2019 đến 2021. Hộ kinh doanh Hoa Tùng, thôn 4 - Mê Pu liên kết với nông dân xã Mê Pu 80 ha, sản lượng 720 tấn/năm, thời gian liên kết năm 2020 đến năm 2023.

- Cây điều: Đã thực hiện liên kết 1.028 tấn/năm, chiếm 11,35% sản lượng năm 2019 của huyện, trong đó: Cơ sở sản xuất hạt điều Hoàng Gia Tiến - thôn 1 xã Đức Hạnh đã ký hợp đồng liên kết với nông dân xã Đức Hạnh, Tân Hà, Đức Tín là 714 ha/720 tấn/năm, thời gian liên kết năm 2020 đến 2023. Doanh nghiệp tư nhân Hùng Nghiêm - thôn 2A - Trà Tân đã ký kết hợp đồng liên kết với nông dân xã Trà Tân 90 ha/108 tấn/năm, thời gian liên kết từ năm 2019 đến 2022. Hộ kinh doanh Nguyễn Thị Suối – Đông Tân – Đông Hà đã ký kết hợp đồng liên kết với nông dân xã Trà Tân 400 ha/200 tấn/năm, thời gian liên kết từ năm 2019 đến 2022.

- Cây cao su: Đã thực hiện liên kết 2.257 tấn/năm, chiếm 12,87 % sản lượng mủ cao su năm 2019 của huyện. Trong đó: Doanh nghiệp tư nhân Đức Nghĩa đã thực hiện liên kết với nông dân các xã Trà Tân, Tân Hà hợp tác liên kết sản xuất và thu mua mủ cao su quy khô 912 tấn/năm, thời gian thực hiện từ năm 2019 - 2022. Doanh nghiệp tư nhân Châu Long đã thực hiện liên kết với nông dân  xã Đức Hạnh hợp tác liên kết sản xuất và thu mua mủ cao su quy khô 400 tấn/năm, thời gian thực hiện từ năm 2019 - 2022. Hộ kinh doanh Ngô Phước Khanh - Nam Hà - Đông Hà liên kết với nông dân Đông Hà hợp tác liên kết sản xuất và thu mua mủ cao su quy khô 640 tấn/năm, thời gian liên kết từ năm 2019 - 2022. Hộ kinh doanh Trần Văn Duẩn - thôn 2 - Vũ Hòa liên kết với nông dân Vũ Hòa hợp tác liên kết sản xuất và thu mua mủ cao su quy khô 305 tấn/năm, thời gian thực hiện từ năm 2019 - 2022.

- Cây ăn quả: Đã thực hiện liên kết 1.380 tấn/năm, chiếm 12,82% sản lượng năm 2019 của huyện. Trong đó: Công ty TNHH TMXNK Hưng Phát TP.HCM đã liên kết với nông dân xã Đông Hà ký hợp đồng hợp tác sản xuất, tiêu thụ sản phẩm bưởi da xanh, quy mô 500 tấn/năm, thời gian thực hiện hợp đồng từ năm 2019 - 2022. Công ty TNHH An Bình - xã Đức Hạnh liên kết với nông dân Xã Đa Kai, ký hợp đồng hợp tác sản xuất, tiêu thụ sản phẩm sầu riêng, quy mô 1.000 tấn/năm, thời gian liên kết từ năm 2019 – 2021.

Ngoài ra, còn có một số mô hình liên kết: Công ty Avigrow liên kết với nông dân xã Đức Hạnh thực hiện 10 ha chuối nuôi cấy mô, công ty đầu tư 100% vật tư và bao tiêu sản phẩm xuất khẩu sang Nhật Bản, đã cho thu hoạch, bước đầu đánh giá đạt kết quả khá, bình quân 1 ha thu 70 tấn chuối, giá bán từ 6.000 - 8.000 đồng/kg, doanh thu trên 500 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận trên 200 triệu.

- Chăn nuôi gia súc, gia cầm: Trên địa bàn huyện có 15/25 trang trại chăn nuôi có liên kết tiêu thụ với các doanh nghiệp với hình thức chủ yếu là nuôi gia công và liên kết theo chuỗi khép kín.

+ Hình thức nuôi gia công: Có 11 trang trại nuôi heo thịt với tổng đàn 30.590 con. Doanh nghiệp liên kết: Công ty như Công ty cổ phần chăn nuôi CP, Công ty TNHH Japa … Hình thức liên kết: Chủ trang trại đầu tư chuồng trại, trang thiết bị, nhân công,…; doanh nghiệp cung cấp con giống, thức ăn, thuốc thú y và cử cán bộ kỹ thuật theo dõi. Sau mỗi chu kỳ nuôi, thu nhập của chủ trang trại sẽ được doanh nghiệp trả tiền công tính trên sản lượng xuất chuồng theo thỏa thuận trên hợp đồng gia công. Trên cơ sở hợp đồng gia công này, ngân hàng sẽ xem xét chấp nhận cho chủ trang trại vay vốn để đầu tư chuồng trại để chăn nuôi.

+ Hình thức liên kết theo chuỗi giá trị khép kín: Có 01 trang trại thực hiện đó là trang trại chăn nuôi heo Gò Sao, quy mô: 11.200 con/năm (sản lượng đạt 01 triệu tấn/năm). Giá trị chuỗi liên kết hàng năm đạt 35.000 tỷ đồng/năm. Hình thức liên kết: cung ứng giống, thức ăn  là công ty DE HEUS và đơn vị thu mua sản phẩm là công ty TNHH MTV Việt Nam kỹ nghệ súc sản Vissan. Với mô hình này, mức thu nhập của các bên tham gia liên kết sẽ được bảo đảm ổn định, bền vững, ít chịu ảnh hưởng tiêu cực từ biến động thị trường.

+ Liên kết chăn nuôi gia cầm (gà, vịt), số trang trại thực hiện liên kết 03 trang trại; quy mô 1 triệu con/năm/1 trang trại. Giá trị chuỗi liên kết hàng năm đạt 35 tỷ đồng/năm.

+ Liên kết chăn nuôi vịt: Được thực hiện bởi các hộ dân nhỏ lẻ với hộ kinh doanh, hàng năm liên kết khoảng 1 triệu con vịt. Hộ kinh doanh cung cấp con giống, thức ăn và thu mua vịt thịt, giá trị chuỗi liên kết 100 tỷ đồng.

+ Liên kết thủy sản: Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Tân Trà – xã Tân Hà với lĩnh vực kinh doanh: Mua bán thức ăn thủy sản; mua bán thuốc nuôi trồng thủy sản; mua bán đánh bắt thủy sản và nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Hợp tác xã đã hợp đồng liên kết bao tiêu sản phẩm với Đại lý Phan Lương, thời hạn 03 năm, HTX có diện tích nuôi trồng thủy sản quy mô 255 ha và bình quân hàng năm sản lượng đạt 550 tấn/năm.

          c) Tự đánh giá: Đạt so với yêu cầu của tiêu chí.

3.7. Tiêu chí số 7 về Môi trường: Chưa đạt

   a) Yêu cầu tiêu chí:

- Hệ thống thu gom, xử lý chất thải rắn trên địa bàn huyện đạt tiêu chuẩn.

- Cơ sở sản xuất, chế biến, dịch vụ (công nghiệp, làng nghề, chăn nuôi, chế biến lương thực - thực phẩm) thực hiện đúng các quy định về bảo vệ môi trường.

          b) Kết quả thực hiện:

          * Hệ thống thu gom, xử lý chất thải rắn trên địa bàn huyện đạt tiêu chuẩn khi:

- UBND huyện đã xây dựng và phê duyệt phương án thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải trên địa bàn huyện Đức Linh tại Quyết định số 77/QĐ-UBND ngày 02/3/2020. Theo đó:

  + Công tác thu gom, vận chuyển, lưu giữ và xử lý đúng quy định đối với toàn bộ lượng chất thải rắn công nghiệp và sinh hoạt thông thường phát sinh trên địa bàn huyện. Đối với các vị trí các hộ xa không thể thu gom thì xử lý tại chỗ bằng phương pháp chế biến phân hữu cơ.

+ Việc thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn UBND huyện giao cho Ban quản lý Công trình Công Cộng huyện Đức Linh tổ chức thu gom và xử lý tại 06 xã, thị trấn (thị trấn Võ Xu, Đức Tài; xã Nam Chính, Đức Hạnh, Đức Tín, Vũ Hòa) và ngày càng mở rộng địa bàn thu gom. Ngoài ra, các xã còn lại Ban quản lý Công trình Công Cộng huyện Đức Linh chưa thu gom được thì thành lập Tổ thu gom rác thải tại địa bàn mình và quy hoạch các bãi rác tạm để xử lý. Cụ thể: Tổ thu gom của xã Đông Hà thu gom tại 03 xã Đông Hà, Trà Tân, Tân Hà và chuyển về bãi rác huyện để chôn, lấp; Tổ thu gom của xã Mê Pu và Sùng Nhơn thì thu gom và chôn, lấp tại bãi rác tạm của xã. Riêng xã Đa Kai thì thu gom và chuyển giao cho đơn vị ở huyện Tân Phú để xử lý.

Nhìn chung, trên địa bàn huyện Đức Linh thì 12/12 xã, thị trấn đều có đơn vị thu gom, vận chuyển rác về bãi rác tập trung của huyện hoặc của xã để xử lý.

+ Ngoài ra, để thực hiện xã nông thôn mới nâng cao; hiện nay, trên địa bàn xã Đông Hà đã tiến hành triển khai mô hình phân loại rác thải sinh hoạt và rác thải rắn. Xã Vũ Hòa triển khai mô hình gia đình bảo vệ môi trường do Hội người cao tuổi chủ trì; Mặt trận tổ quốc huyện và các đoàn thể triển khai các nộ hình tuyến đường sáng, xanh – sạch – đẹp ở các địa phương. Từ đó, có nhiều tuyến đường đẹp được hình thành; trên địa bàn huyện hiện nay hầu hết các tuyến đường giao thông đều được nhân dân đóng góp đầu tư hệ thống chiếu sáng.

+ Trên địa bàn huyện có 16 chợ dân sinh để phục vụ nhu cầu mua, bán trao đổi hàng hóa cho nhân dân trên địa bàn 12 xã, thị trấn. Các chợ đều được đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước mưa và hệ thống thu gom, xử lý nước thải là hầm tự hoại 03 ngăn. Đối với rác thải được trang bị thùng rác có nắp đậy, có tổ vệ sinh dọn dẹp để đảm bảo vệ sinh môi trường, không có hiện tượng xả nước thải, chất thải rắn bừa bãi gây mất mỹ quan hay ô nhiễm môi trường.

+ Đối với bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng phát sinh trên địa bàn huyện: UBND huyện đã đầu tư xây dựng các bể chứa (40 bể chứa do huyện đầu tư từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường của huyện; ngoài ra UBND các xã còn vận động các tổ chức chính trị xây dựng 80 bể chứa), có nắp đậy để tránh nước mưa, tiện cho việc thu gom và không làm rơi vãi ra môi trường xung quanh, đặt tại các cánh đồng. Hiện nay, rác thải phát sinh trong quá trình sản xuất nông nghiệp như: bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật ở các vùng canh tác, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn các xã, thị trấn; thì được các địa phương tổ chức lễ phát động thu gom, xử lý rác thải từ vỏ chai, bao bì của thuốc bảo vệ thực vật phát sinh trong hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Trong thời gian tới khi nhà máy xử lý chất thải nguy hại tại xã Nam Chính đi vào hoạt động. UBND huyện sẽ giao Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT, UBND xã, thị trấn; các cá nhân, tổ chức kinh doanh thuốc BVTV để thu gom, xử lý theo quy định.

+ Phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn y tế: Trên địa bàn huyện, có 01 Bệnh viện đa khoa khu vực phía Nam Bình Thuận, 02 phòng khám khu vực, 01 Trung tâm y tế huyện, 11 trạm y tế xã, thị trấn và một số cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn huyện đều thực hiện nghiêm việc thu gom, xử lý đối với các chất thải rắn phát sinh trong quá trình khám, điều trị bệnh cho người dân, đảm bảo theo quy định tại Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31/12/2015 quy định về quản lý chất thải y tế. Bệnh viện đa khoa khu vực phía Nam Bình Thuận đã được UBND tỉnh phê duyệt Đề án bảo vệ môi trường chi tiết tại Quyết định số 967/QĐ-UBND ngày 08/04/2015, Quyết định số 3574/QĐ-UBND ngày 13/12/2017 điều chỉnh Quyết định số 967/QĐ-UBND ngày 08/04/2015 của UBND tỉnh với quy mô 280 giường bệnh. Hiện nay, Bệnh viện đa khoa khu vực phía Nam Bình Thuận đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải, rác thải y tế. Rác thải tại các đơn vị này được phân loại thành rác tái sử dụng và rác thải nguy hại. Đối với rác thải nguy hại ở các phòng khám, trạm y tế thì hợp đồng với Bệnh viện đa khoa khu vực phía Nam Bình Thuận để thu gom, xử lý.

- Trên địa bàn huyện Đức Linh được quy hoạch một bãi rác tập trung với diện tích 13ha, đến nay đã đầu tư giai đoạn 1 được 6,5ha và giao cho Ban quản lý công trình công cộng quản lý, sử dụng; phương pháp xử lý là chôn lấp hợp vệ sinh. Về hồ sơ về môi trường: Quyết định số 2788/QĐ-UBND ngày 07/11/2013 của UBND tỉnh về phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án bãi chôn lấp và xứ lý rác tập trung huyện Đức Linh (giai đoạn 1). Ngoài ra, còn 02 bãi rác tạm tại xã MêPu và Sùng Nhơn để thu gom rác, chôn lấp rác thải của nhân dân tại 02 xã này.

+ Để công tác xử lý rác thải ngày càng đảm bảo, UBND huyện đã kêu gọi nhà đầu tư hệ thống xử lý chất thải sinh hoạt, chất thải rắn tại khu quy hoạch bãi rác tập trung huyện. Hiện nay, Công ty TNHH thương mại xây dựng xử lý môi trường Đồng Thuận Phát được UBND tỉnh chấp thuận cho đầu tư xây dựng khu liên hợp tái chế và xứ lý rác sinh hoạt công nghiệp nguy hại ở xã Nam Chính tại Quyết định số 1735/QĐ-UBND ngày 06/7/2019 và đang tiến hành các thủ tục liên quan để đầu tư triển khai dự án trong năm 2020.

+ Trên địa bàn huyên thì không có: Lò đốt chất thải rắn công nghiệp; Lò đốt chất thải rắn sinh hoạt.

+ Đối với lò đốt chất thải rắn y tế: Trên địa bàn huyện có 01 lò của Bệnh viện đa khoa khu vực phía Nam Bình Thuận nhưng đến nay không còn sử dụng chuyển sang công nghệ hấp tuyệt trùng, chuyển sang rác thải sinh hoạt.

* 100% cơ sở sản xuất, chế biến, dịch vụ (công nghiệp, làng nghề, chăn nuôi, chế biến lương thực – thực phẩm) thực hiện đúng các quy định về bảo vệ môi trường:

- Trên địa bàn huyện Đức Linh có 177 cơ sở sản xuất kinh doanh (chủ yếu là các cửa hàng kinh doanh thuốc BVTV, cửa hàng xăng dầu và Trang trại chăn nuôi) thuộc đối tượng phải lập thủ tục môi trường quy định tại Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 01/4/2015 và Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ và 177 cơ sở đã lập thủ tục môi trường theo quy định, như: Sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại, Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường, Giấy phép khai thác, xả nước thải vào nguồn nước theo quy định đạt tỷ lệ 100%. Có hồ sơ và danh sách kèm theo.

+ Ngoài ra, huyện Đức Linh có 11 xã (nay còn 10 xã) và 02 thị trấn; đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, dịch vụ tại 11 xã đã được Sở Tài nguyên & Môi trường thẩm định đạt tiêu chí 17.2 về tỷ lệ cơ sở sản xuất - kinh doanh, nuôi trồng thủy sản, làng nghề đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường. Đối với 02 thị trấn Võ Xu và Đức Tài thì đã rà soát, đánh giá và đang hoàn thiện để đạt chuẩn văn minh đô thị trong năm 2020.

+ Trên địa bàn xã có 352 nhà dẫn dụ và gây nuôi chim đang hoạt động; do hiện nay đang vướng các quy định chưa rõ ràng cụ thể chưa xác định chim Yến là động vật hoang dã hay vật nuôi nên chưa thể làm thủ tục môi trường theo quy định. Đối với các nhà đã xây dựng và đi vào hoạt động thì UBND huyện đã chỉ đạo UBND xã, thị trấn tổ chức làm việc với các chủ nhà yến yêu cầu ký cam kết bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y, phòng chống dịch bệnh theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng và đảm bảo tiếng ồn.

+ Trên địa bàn huyện có tổng cộng 30 cơ sở kinh doanh phế liệu; qua làm việc đến nay đã hoàn thành việc di dời các cơ sở có quy mô lớn, ảnh hưởng đến các hộ xung quang; các cơ sở còn lại chủ yếu là quy mô nhỏ lẻ, nằm gần cuối khu dân cư, không ảnh ảnh hưởng đến các hộ xung quanh.

- Các cơ sở nuôi trồng thủy sản chủ yếu là tận dụng đất mặt nước của các ao, bàu, hồ để nuôi trồng thủy sản; diện tích này xen kẻ với diện tích nông nghiệp, không tập trung và đều phù hợp với quy hoạch nuôi trồng thủy sản.

+ Trên địa bàn huyện: Quy hoạch 8 khu chăn nuôi tập trung với diện tích khoảng 1.065 ha. Toàn huyện hiện có khoảng 37 trang trại đang hoạt động và khoảng 1.403 hộ gia đình chăn nuôi (gia súc, gia cầm) nhỏ lẻ. Hiện nay các trang trại, hộ chăn nuôi (gia súc, gia cầm) đều xây dựng hệ thống xử lý nước thải hoặc hầm biogas, đệm lót sinh học, các chế phẩm xử lý ô nhiểm môi trường, để xử lý toàn bộ lượng nước thải phát sinh trong quá trình chăn nuôi, đã giảm thiểu ô nhiễm môi trường và đem lại lợi ích kinh tế.

+ Đối với các cơ sở chăn nuôi (gia súc, gia cầm) có diện tích chuồng trại từ 50m2 trở xuống thuộc đối tượng không phải lập thủ tục môi trường phải thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường như xây dựng hầm biogas để xử lý nước thải phát sinh, thường xuyên vệ sinh chuồng trại, thu gom phân để phục vụ nông nghiệp hoặc bán cho các đơn vị có nhu cầu.

+ Hàng năm, UBND huyện đều chỉ đạo thực hiện việc kiểm tra công tác bảo vệ môi trường đối với các cơ sở chăn nuôi (gia súc, gia cầm) thuộc thẩm quyền quản lý cấp huyện, ngoài ra phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành kiểm tra các cơ sở chăn nuôi (gia súc, gia cầm) thuộc thẩm quyền quản lý cấp tỉnh; thông qua kiểm tra đã hướng dẫn, yêu cầu các cơ sở chăn nuôi thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trong chăn nuôi (gia súc, gia cầm), sau đó tiếp tục tái kiểm tra việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường của các cơ sở chăn nuôi (gia súc, gia cầm). Bên cạnh đó, cũng đã chỉ đạo thực hiện tốt Quyết định số 2258/QĐ-UBND ngày 05/9/2019 của UBND tỉnh Ban hành Quy chế phối hợp kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

- Công tác bảo vệ môi trường của các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện: Trên địa bàn huyện có 06 cụm công nghiệp; trong đó: 03 cụm do UBND huyện quản lý đã đi vào hoạt động từ năm 2011 (Cụm: Võ Xu, Sùng Nhơn, MêPu) chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung nhưng các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong cụm đều xây dựng các công trình bảo vệ môi trường. Còn 03 cụm công nghiệp đã được UBND tỉnh có Quyết định thành lập do Các chủ đầu tư đang triển khai đầu tư để đi vào hoạt động và theo hồ sơ môi trường đã được phê duyệt thì đều có hệ thống xử lý nước thải để xử lý nước thải phát sinh từ các doanh nghiệp trong cụm.

    c) Tự đánh giá: Đạt so với yêu cầu của tiêu chí.

3.8. Tiêu chí số 8 về An ninh, trật tự xã hội: Đạt

   a) Yêu cầu tiêu chí: Huyện đạt chuẩn tiêu chí về an ninh, trật tự xã hội.

          b) Kết quả thực hiện:

          * Hằng năm, Huyện ủy có Nghị quyết, Ủy ban nhân dân huyện có kế hoạch về công tác an ninh, trật tự; chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

- Huyện ủy đã xây dựng và triển khai có hiệu quả các Nghị quyết về công tác bảo đảm an ninh trật tự như: Chỉ thị số 05-CT/HU ngày 15/01/2016; Nghị quyết số 08-NQ/HU ngày 24/01/2017; Nghị quyết số 10-NQ/HU, ngày 25/01/2018; Chỉ thị số 28-CT/HU, ngày 22/01/2019; Nghị quyết số 13-NQ/HU, ngày 14/01/2020.

- Ủy ban nhân dân huyện Đức Linh đã ban hành các Chỉ thị, Kế hoạch: Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 15/01/2016; Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 15/02/2017; Chỉ thị số 04/CT-UBND, ngày 29/01/2018; Kế hoạch số 08/CT-UBND, ngày 30/01/2019; Chỉ thị số 03/CT-UBND, ngày 14/01/2020.

- Hàng năm Huyện ủy, UBND huyện Đức Linh đều ban hành các văn bản tập trung chỉ đạo Ban chỉ đạo huyện, Công an huyện cấp ủy chính quyền các xã, thị trấn, các ban ngành đoàn thể tập trung thực hiện tốt phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ và PCTP, TNXH, các chương trình mục tiêu quốc gia về phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy và phòng chống mua bán người.

- Kết quả phân loại xã đạt chuẩn an toàn về ANTT: Năm 2015: Có 09/11 xã, thị trấn đạt tiêu chuẩn “An toàn về ANTT” (Đông Hà, Trà Tân, Tân Hà, Đức Tín, Đức Chính, Vũ Hòa, MêPu, Sùng Nhơn, ĐaKai); Năm 2016: Có 07/11 xã đạt tiêu chuẩn “An toàn về ANTT” (Đông Hà, Tân Hà, Đức Tín, Đức Chính, Vũ Hòa, Sùng Nhơn, ĐaKai); Năm 2017: Có 09/11 xã đạt tiêu chuẩn “An toàn về ANTT” (Đông Hà, Trà Tân, Tân Hà, Đức Tín, Đức Chính, Nam Chính, Vũ Hòa, Sùng Nhơn, ĐaKai); Năm 2018: Có 9/11 xã đạt tiêu chuẩn “An toàn về ANTT” (Đông Hà, Trà Tân, Tân Hà, Đức Hạnh, Đức Tín, Đức Chính, Nam Chính, Sùng Nhơn, Đa Kai); năm 2019 có 08/11 xã đạt tiêu chuẩn “An toàn về ANTT” (Đông Hà, Tân Hà, Đức Tín, Đức Chính, Nam Chính, Vũ Hòa, Sùng Nhơn, Đa Kai).

* Không để xảy ra tình trạng khiếu kiện đông người kéo dài; khiếu kiện vượt cấp trái pháp luật và tiểu tiêu chí “Không để xảy ra các hoạt động sau: Chống đảng, chống chính quyền, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; Phá hoại các mục tiêu, công trình kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng; Tuyên truyền phát triển đạo trái pháp luật; hoạt động ly khai, đòi tự trị; gây rối an ninh, trật tự; khiếu kiện đông người kéo dài; khiếu kiện vượt cấp trái pháp luật…”

- Từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn huyện Đức Linh chỉ xảy ra 13 vụ khiếu kiện đông người (giảm 09 vụ so với cùng kỳ 2011-2015) và 13/13 vụ trên đều xuất phát từ tranh chấp, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, không có vụ nào vượt cấp, phức tạp, kéo dài. Đến nay đều đã được giải quyết ổn định và có 30 lượt đảng viên sai phạm bị xử lý kỷ luật và chủ yếu là bị xử lý bằng hình thức “khiển trách” do vi phạm chính sách dân số KHHGĐ (giảm 36 lượt so với cùng kỳ 2011-2015).

- Nhân dân trên toàn huyện tích cực tham gia phong trào quần chúng bảo vệ ANTQ, chăm lo làm ăn phát triển kinh tế và thường xuyên được tuyên truyền năng cao cảnh giác cách mạng, tuyên truyền định hướng dư luận nên trong các năm qua trên địa bàn huyện không có hoạt động Chống đảng, chống chính quyền, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; Phá hoại các mục tiêu, công trình kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng; Tuyên truyền phát triển đạo trái pháp luật; hoạt động ly khai, đòi tự trị; gây rối an ninh, trật tự.

- Từ năm 2016 đến nay, trên toàn huyện có 04 công dân lên mạng chia sẻ thông tin không chính thống đã được các cơ quan chức năng mời làm việc khuyến cáo, xử lý, buộc gỡ bỏ và đính chính thông tin trên mạng xã hội. Ngoài ra còn có 03 công dân đi thăm thân tại Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh do hiếu kỳ nên có tham gia trong các vụ biểu tỉnh và khi về địa phương đều được khuyến cáo, cho cam kết không tái phạm.

* Không có tụ điểm phức tạp về trật tự xã hội; các loại tội phạm, tệ nạn xã hội và VPPL khác được kiềm chế, giảm liên tục so với các năm liền kề trước.

- Từ 2016 đến nay, trên địa bàn không còn đối tượng hoạt động kiểu băng nhóm, đã tập trung gọi hỏi 3.478 lượt đối tượng hình sự nổi (giảm 42 băng nhóm/228 đối tượng so với cùng kỳ 2011-2015).

- Về ma túy: tình hình và số người bệnh có gia tăng nhưng số phát hiện mới đều được tập trung lập hồ sơ và đưa vào quản lý, đưa đi cai nghiện đúng quy định và tỉ lệ gia tăng trên toàn huyện là 546 đối tượng trong 05 năm so với các địa phương khác là còn thấp.

- Từ 2016-2019 xảy ra 279 vụ PPHS (so với mốc thời gian cùng kỳ từ 2011-2015 giảm 177 vụ) Riêng năm 2019, trên địa bàn toàn huyện, xảy ra 68 vụ PPHS (giảm 05 vụ so với năm 2018).

* Lực lượng vũ trang huyện (Công an, Bộ đội địa phương; Dân quân tự vệ) hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự tại địa phương.

- Lực lượng Công an huyện ngày càng trưởng thành vững vàng về chính trị, tinh thông về nghiệp vụ. Cụ thể: năm 2015 đơn vị hoàn thành nhiệm vụ, Đảng bộ Công an huyện phân loại hoàn thành tốt nhiệm vụ; năm 2016 đơn vị hoàn thành nhiệm vụ, Đảng bộ Công an huyện phân loại hoàn thành tốt nhiệm vụ; năm 2017 đơn vị hoàn thành nhiệm vụ, Đảng bộ Công an huyện phân loại hoàn thành nhiệm vụ; năm 2018 đơn vị đạt danh hiệu “đơn vị quyết thắng”, Đảng bộ Công an huyện đạt “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”; năm 2019 đơn vị đạt danh hiệu “đơn vị tiên tiến”, Đảng bộ Công an huyện đạt “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.

- Lực lượng quân sự huyện đã ngày càng vững mạnh. Kết quả: năm 2015 đơn vị đạt danh hiệu “đơn vị quyết thắng”, Đảng bộ Quân sự huyện đạt “trong sạch vững mạnh”; năm 2016 đơn vị đạt “đơn vị tiến tiến”, Đảng bộ Quân sự huyện phân loại hoàn thành tốt nhiệm vụ; năm 2017 đơn vị đạt danh hiệu “đơn vị quyết thắng”, Đảng bộ Quân sự huyện đạt “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”; năm 2018 đơn vị đạt danh hiệu “đơn vị quyết thắng”, Đảng bộ Quân sự huyện đạt “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”; năm 2019 đơn vị đạt danh hiệu “đơn vị quyết thắng”, Đảng bộ Quân sự huyện đạt “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”

* Chuyển hóa thành công địa bàn trọng điểm phức tạp về an ninh trật tự:

- Hàng năm Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo các ban ngành đoàn thể ở huyện nhất là Công an huyện, Đảng ủy, UBND các xã trọng điểm phức tạp về ANTT (Đông Hà, Vũ Hòa, Trà Tân, Đa Kai) tập trung triển khai nhiều biện pháp để đẩy mạnh tuyên truyền, phát động phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ và PCTP. Lãnh đạo Công an huyện thường xuyên yêu cầu Công an 4 xã trọng điểm báo cáo rõ tình hình an ninh trật tự, kết quả công tác đảm bảo ANTT trên địa bàn để tập trung chỉ đạo nhằm đảm bảo giữ vững ổn định về an ninh trật tự, xây dựng lực lượng, phát triển mạnh phong trào để đề nghị đưa ra khỏi diện trọng điểm.

- Qua nhiều lần sơ tổng kết, tập trung chỉ đạo gắn với thực hiện các kế hoạch chuyển hóa địa bàn trọng điểm phức tạp về trật tự an toàn xã hội, tình hình an ninh trật tự tại 04 xã trọng điểm phức tạp về an ninh trật tự đã cơ bản được chuyển hóa thành công. Ngày 10/3/2020, Ban chỉ đạo phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội huyện Đức Linh đã có báo cáo số 50/BC-BCĐ đề nghị Ban chỉ đạo tỉnh xem xét báo cáo Bộ Công an đưa 04 xã Đông Hà, Trà Tân, Vũ Hòa và Đa Kai ra khỏi diện trọng điểm phức tạp về ANTT.

c) Tự đánh giá: Đạt so với yêu cầu của tiêu chí.

3.9. Tiêu chí số 9 về Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới:

a) Yêu cầu của tiêu chí.

          - Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cấp huyện được kiện toàn tổ chức và hoạt động đúng quy định.

          - Văn phòng Điều phối chương trình nông thôn mới cấp huyện được tổ chức và hoạt động đúng quy định.

b) Kết quả thực hiện.

          * Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cấp huyện được kiện toàn tổ chức và hoạt động đúng quy định:

- Về thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia:

+ Căn cứ Quyết định số 3109/QĐ-UBND ngày 24/10/2016 của UBND tỉnh Bình Thuận về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2016 – 2020, Huyện Đức Linh đã ban hành Quyết định số 1097/QĐ-UBND ngày 07/12/2016 về việc thành lập Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 (gọi tắt là Ban chỉ đạo). Ban chỉ đạo có nhiệm vụ tổ chức thực hiện 02 chương trình mục tiêu quốc gia (xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững).

+ Chỉ đạo và hướng dẫn UBND các xã thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới và Ban phát triển thôn; Cấp ủy và Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới ở các xã đã xây dựng Nghị quyết chuyên đề và kế hoạch xây dựng nông thôn mới hàng năm để lãnh đạo tổ chức triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

+ Trong quá trình triển khai thực hiện, việc kiện toàn củng cố Ban Chỉ đạo cấp huyện, xã giai đoạn 2016-2020 được thực hiện kịp thời nên việc theo dõi xây dựng nông thôn mới trên địa bàn đảm bảo thường xuyên liên tục.

          - Quy chế hoạt động và phân công trách nhiệm:

          + Ban chỉ đạo đã xây dựng và ban hành Quyết định số 81/QĐ-BCĐCTMTQG ngày 14/5/2019 về quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia huyện giai đoạn 2016-2020; trên cơ sở đó phân công nhiệm vụ cụ thể cho Trưởng Ban chỉ đạo, các Phó Ban chỉ đạo và các thành viên Ban chỉ đạo phụ trách từng nhiệm vụ, tiêu chí và địa bàn các xã cụ thể.

          + Ban chỉ đạo huyện hoạt động theo quy chế, tổ chức cuộc họp định kỳ và đột xuất đánh giá tình hình, kết quả thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.

- Chỉ đạo, quản lý, điều hành, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện các nội dung của chương trình:

+ Kịp thời tham mưu, đề xuất với UBND huyện phương án, giải pháp thực hiện các mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững.

  + Giúp UBND huyện điều phối hoạt động giữa các cơ quan, đơn vị và các xã, trong việc triển khai, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia.

  + Giúp UBND huyện đôn đốc các cơ quan, đơn vị trong việc xây dựng, hoàn thiện và hướng dẫn các cơ chế chính sách liên quan đến quản lý, điều hành các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020; kiểm tra, giám sát, đánh giá, sơ kết, tổng kết, khen thưởng trong quá trình thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.

  + Định kỳ UBND huyện, Ban chỉ đạo huyện tổ chức kiểm tra các xã về tiến độ thực hiện, chỉ đạo giải quyết những vấn đề khó khăn vướng mắc, đôn đốc chỉ đạo các xã đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện. Ban chỉ đạo làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể thảo luận, Trưởng Ban chỉ đạo kết luận và chỉ đạo thực hiện. Các thành viên Ban Chỉ đạo theo lĩnh vực được phân công, đã tích cực hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện. Phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện chỉ tiêu, kế hoạch vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới được giao hàng năm, đồng thời chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt việc lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án vào các xã xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.

- Chỉ đạo việc ban hành cơ chế hỗ trợ thúc đẩy các xã xây dựng nông thôn mới và chỉ đạo thực hiện huyện nông thôn mới:

+ Nhằm đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định 3109/QĐ-UBND ngày 24 tháng 10 năm 2016 của UBND tỉnh Bình Thuận về việc ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2016 – 2020; Ban chỉ đạo huyện đã tham mưu cho UBND huyện Đức Linh ban hành Quyết định số 1098/QĐ-UBND ngày 07/12/2016 về ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới huyện Đức Linh giai đoạn 2016-2020; Quyết định số 1402/QĐ-UBND ngày 28/03/2017 về giao chỉ tiêu thực hiện Bộ tiêu chí Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2017 và giai đoạn 2017-2020; Tham mưu Huyện ủy ban hành Kế hoạch của Ban chấp huyện Đảng bộ huyện khóa XI về phấn đấu xây dựng huyện Đức Linh đến năm 2020 đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Từ đó, tổ chức triển khai thực hiện và phân bổ nguồn lực theo thứ tự ưu tiêu cho những xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới trong năm.

          + Ngoài ra, tham mưu UBND huyện Đức Linh tiếp tục xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện Đề án kiên cố hóa kênh mương nội đồng theo Quyết định số 3234/QĐ-UBND tỉnh Bình Thuận ngày 14/11/2017, Đề án phát triển giao thông nông thôn giai đoạn 2016-2020, Chương trình mỗi xã một sản phẩm, Đề án hỗ trợ phát triển Hợp tác xã... nhằm hỗ trợ các xã thực hiện đạt các tiêu chí số xây dựng nông thôn mới.

- Quá trình chỉ đạo, triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Đức Linh đến nay không có nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới, cũng như không có tình trạng huy động quá khả năng đóng góp của người dân trong xây dựng nông thôn mới.

- Chỉ đạo và hướng dẫn các xã đã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới xây dựng và thực hiện kế hoạch nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới theo định hướng của Bộ Nông nghiệp và PTNT, của Ban chỉ đạo tỉnh để hướng đến xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Đến nay, 100% số xã có kế hoạch và tổ chức thực hiện.

Tiêu chí 9.1 Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cấp huyện được kiện toàn tổ chức và hoạt động đúng quy định đã được Sở Nông nghiệp và PTNT thẩm tra, đánh giá và công nhận đạt tại Công văn số 1209/SNN-KHTC ngày 14/4/2019.

          * Văn phòng Điều phối chương trình nông thôn mới cấp huyện được tổ chức và hoạt động đúng quy định.

          - Căn cứ Quyết định số 1996/QĐ-TTg ngày 04/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và biên chế của văn phòng điều phối giúp ban chỉ đạo thực hiện chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới các cấp; UBND huyện Đức Linh đã ban hành Quyết định số 251/QĐ-UBND ngày 6/02/2015 của UBND huyện Đức Linh về việc thành lập Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới huyện Đức Linh giai đoạn 2010 – 2020.

          - Căn cứ Quyết định số 1920/QĐ-TTg ngày 05/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và biên chế của văn phòng điều phối nông thôn mới các cấp. Huyện Đức Linh đã ban hành Quyết định số 2879/QĐ-UBND ngày 18/4/2017 về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và biên chế Văn phòng điều phối chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới huyện Đức Linh; Quyết định số 2127/QĐ-UBND ngày 08/5/2019 về việc ban hành quy chế hoạt động của Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới huyện Đức Linh giai đoạn 2016-2020.

          - Văn phòng nông thôn mới huyện do phòng Nông nghiệp & PTNT làm cơ quan thường trực; Chánh Văn phòng do đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện kiêm nhiệm, Phó Chánh Văn phòng do đồng chí Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT kiêm nhiệm, Phòng Nông nghiệp & PTNT bố trí 01 công chức của Phòng Nông nghiệp & PTNT chuyên trách trong tổng biên chế được giao. Văn phòng Nông thôn mới huyện phân có công nhiệm vụ cho các thành viên Văn phòng (Theo thông báo số 32/TB-VPNTM ngày 10/02/2020).

- Quá trình thành lập đến nay Văn phòng nông thôn mới huyện đã triển khai thực hiện đạt kết quả một số nhiệm vụ nhiệm vụ sau:

+ Giúp Ban chỉ đạo huyện xây dựng kế hoạch, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát đánh giá đồng bộ, toàn diện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện theo Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Theo dõi, tổng hợp, báo cáo tình hình về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện theo quy định tại Quyết định số 41/QĐ-TTg ngày 10/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Chuẩn bị nội dung, chương trình cho các cuộc họp, hội nghị, hội thảo của Ban chỉ đạo huyện và các báo cáo theo yêu cầu của Trưởng Ban chỉ đạo.

+ Bố trí cán bộ chuyên trách theo dõi, tổng hợp, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Thực hiện công tác thông tin, truyền thông về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện, hàng năm phối hợp với Trung tâm – Truyền thông văn hóa và thể thao huyện duy trì chuyên mục tuyên truyền về nông thôn mới.

+ Tham mưu, giúp Ban chỉ đạo huyện trong việc đôn đốc các cơ quan, tổ chức đơn vị thuộc phạm vi quan lý trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao. Tham mưu Ban Chỉ đạo huyện xét, thẩm tra hồ sơ và trình UBND tỉnh công nhận các xã đạt chuẩn nông thôn mới hàng năm theo đúng quy định tại Quyết định 2540/QĐ-TTg ngày 30/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Hàng năm tổ chức đăng ký và cử học viên cấp huyện, xã, thôn tham gia các lợp tập huấn nghiệp vụ về xây dựng nông thôn mới do văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh tổ chức.

        - Văn phòng nông thôn mới huyện đã phối hợp các phòng, ban ngành của huyện và sự hỗ trợ, hướng dẫn của tỉnh, đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ giúp việc cho Ban chỉ đạo huyện quản lý và tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn theo quy định tại Quyết định số 1920/QĐ-TTg ngày 05/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy và biên chế của Văn phòng Điều phối nông thôn mới các cấp.

         Tiểu tiêu chí số 9.2 Văn phòng Điều phối chương trình nông thôn mới cấp huyện được tổ chức và hoạt động đúng quy định đã được Sở Nội vụ thẩm định và công nhận đạt tại Công văn số 726/SNV-XDCQ ngày 08/4/2020.

            c) Đánh giá: Đạt so với yêu cầu của tiêu chí.

          V. ĐÁNH GIÁ CHUNG.

1. Những mặt làm được:

Qua 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, có thể khẳng định Chương trình mục tieu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đi đúng hướng và đạt được những kết quả hết sức to lớn. Xây dựng nông thôn mới là một Chương trình  có tầm bảo phủ toàn diện về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và trên tất cả các mặt về kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng. Trong đó nỗi bậc một số mặt đạt được đó là:

- Bộ máy tổ chức, điều hành Chương trình được thành lập theo từng giai đoạn và luôn được củng cố, kiện toàn; vai trò của các thành viên được phát huy. Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc huyện, các đoàn thể chính trị và các cơ quan, đơn vị tham gia khá tích cực. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện của cấp ủy, chính quyền cấp huyện, cấp xã vào cuộc khá quyết liệt.

- Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh trong các cấp, các ngành và khá đa dạng, phong phú. Thông qua công tác tuyên truyền đã nhận được sự ủng hộ và đồng tình của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với chương trình. Từ đó, mặc dù trong điều kiện khó khăn chung về tài chính và ngân sách, đã huy động được các nguồn lực, các đóng góp của các tầng lớp nhân dân, các tổ chức, các doanh nghiệp cho đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế xã hội.

- Kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội phát triển mạnh, đã cơ bản đáp ứng khá tốt yêu cầu phát triển sản xuất, cũng như sinh hoạt của người dân, là điểm nổi bật, tạo bộ mặt mới khu vực nông thôn: 100% xã đều có đường nhựa đến trung tâm xã và kết nối đến trung tâm huyện, 100% đường huyện quản lý, đường trục xã, liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa, các tuyến đường còn lại có tỷ lệ nhựa hóa, bê tông hóa cao. Tỷ lệ trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất 100%, hệ thống thiết chế văn hóa, mạng lưới thông tin truyền thông, y tế đạt chuẩn, đã cơ bản đáp ứng tốt các nhu cầu về dạy, học, văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, tiếp cận thông tin và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.

- Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng, tăng tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp; đời sống vật chất, tinh thần của đại đa số người dân nông thôn tiếp tục được cải thiện rõ nét, chất lượng cuộc sống không ngừng được nâng lên; thu nhập bình quân của người dân nông thôn trên địa bàn huyện tăng 2,5 lần so với năm 2011 (năm 2011 là 16 triệu đồng/người/năm); tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm, từ 13,83% năm 2011 xuống còn 1,94% năm 2019; Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế tăng từ 45% năm 2011 lên trên 90% cuối năm 2019.

- Môi trường sinh thái khu vực nông thôn được cải thiện, hệ thống nước sạch, nhà vệ sinh, chuồng, trại chăn nuôi được tập trung đầu tư. Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99%; 100% cơ sở sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn môi trường. Hệ thống chính trị ở cơ sở tiếp tục được củng cố, không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động, đội ngũ cán bộ, công chức xã được nâng cao cả về trình độ chuyên môn, năng lực và phẩm chất với 100% đạt chuẩn theo quy định. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn nông thôn được giữ vững, ác mô hình an ninh được triển khai có hiệu quả và nhân rộng trên toàn huyện như mô hình ánh sáng an ninh, camera an ninh…

2. Tồn tại, hạn chế và nguyên nhân:

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai thực hiện vẫn còn những hạn chế, tồn tại như sau:

- Công tác tuyên truyền còn một số hạn chế, bất bập, còn mang tính hình thức chưa đi vào thực chất; công tác tuyên truyền ở một số xã chưa được thường xuyên, rộng khắp và chưa đến được từng hộ dân; do đó vẫn còn một bộ phận nhân dân và cán bộ chưa hiểu rõ về vai trò chủ thể của mình trong xây dựng nông thôn mới, một số nơi người dân còn ỷ lại, thụ động, trông chờ sự đầu tư của Nhà nước.

- Phát triển sản xuất vẫn còn nhiều hạn chế, quy mô, diện tích đất đai của huyện manh mún, sản xuất nhỏ lẽ vẫn là phổ biến. Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp còn nhiều khó khăn, dịch vụ ngành nghề nông thôn phát triển chưa thật mạnh, sức cạnh tranh còn thấp. Cơ cấu kinh tế nông thôn tuy chuyển dịch đúng hướng nhưng còn chậm, công nghiệp, thương mại, dịch vụ chiếm tỷ trọng thấp. Sản xuất nông nghiệp phát triển chưa thật bền vững, tỷ lệ sản xuất nhỏ lẻ, phân tán cao; chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm bước đầu đã được hình thành, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, hữu cơ, phát triển chưa mạnh; xây dựng và phát triển thương hiệu, giải quyết đầu ra cho nông sản hàng hóa có thế mạnh của huyện, kể cả gắn với phát triển du lịch còn hạn chế. Công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển chậm, chưa thu hút được các doanh nghiệp vào đầu tư, nhất là vào Khu công nghiệp của huyện.

- Đời sống của người nông dân tuy được cải thiện đáng kể nhưng nhìn chung vẫn còn thấp so với bình quân chung của tỉnh, một số hộ nghèo có nguy cơ tái nghèo. Ô nhiễm môi trường trong lĩnh vực sản xuất, chăn nuôi vẫn còn, việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, cung cấp nước sạch trong khu dân cư còn nhiều khó khăn, nhất là đối với các hộ dân vùng sâu, vùng xa, nằm rải rác trong các vườn rẫy. Huy động nguồn lực trong cộng đồng dân cư còn khó khăn.

- Do xuất phát điểm thấp, trong khi đó nội dung thực hiện của Chương trình khá rộng nên việc huy động nguồn lực đầu tư trong nhân dân và xã hội đầu tư phát triển, cho kết cấu hạ tầng còn thấp, chưa phát huy hết tiềm năng của từng địa phương.

3. Bài học kinh nghiệm:

          - Trước hết phải quán triệt thật sâu kỹ cho các cấp ủy Đảng về quan điểm, mục đích của Chương trình, xây dựng nông thôn mới có điểm xuất phát nhưng không có điểm kết thúc, để từ đó cần phải tập trung lãnh đạo thật tốt, bằng chương trình, kế hoạch thật cụ thể, có đề ra chỉ tiêu và móc thời gian hoàn thành. Kinh nghiệm cho thấy, nơi nào cấp ủy Đảng quan tâm chỉ đạo thì Chương trình nơi đó đạt được nhiều kết quả, nhất là đối với vai trò của đồng chí Bí thư cấp ủy (Trưởng Ban Chỉ đạo xã). Trong đó, phải chú trọng huy động cả hệ thống chính trị của địa phương tham gia và coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm và thường xuyên có điểm xuất phát nhưng không có điểm kết thúc của các cấp ủy Đảng ở địa phương.

          - Luôn quan tâm củng cố, kiện toàn kịp thời bộ máy tổ chức, quản lý, điều hành xây dựng nông thôn mới các cấp đi vào hoạt động ổn định, hiệu quả. Các Ban Chỉ đạo làm việc phải có sự phân công rõ ràng, có xây dựng kế hoạch, chương trình làm việc trong từng thời gian phù hợp.

          - Việc tổ chức thực hiện các tiêu chí, xã đạt chuẩn phải được tập trung và có lộ trình cụ thể. Chọn tiêu chí nào gần đạt hoặc tiêu chí nào có thể huy động được từ nội lực thì tập trung làm trước. Bên cạnh đó, việc phát huy dân chủ là cần thiết, do vậy tất cả phải được công khai, bàn bạc kỹ lưỡng với nhân dân trước khi triển khai thực hiện các công trình, phần việc và có sự giám sát của cộng đồng.

          - Đề ra lộ trình cụ thể, phù hợp cho từng xã nhằm phấn đấu thực hiện xã đạt chuẩn cho từng năm và cả giai đoạn. Trên cơ sở đó xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm để chỉ đạo và triển khai thực hiện cho phù hợp với tình hình thực tế của từng xã. Đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát nhằm chủ động, kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của cơ sở.

          - Lấy phát triển sản xuất làm nhiệm vụ, thước đo và tạo đột phá trong thực hiện chương trình. Do vậy, cán bộ lãnh đạo phải hết sức năng động, chịu khó chọn lựa và vận động nhân dân nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả. Đối với cán bộ tham mưu, phải phát huy năng lực và tinh thần trách nhiệm, đồng thời cần phải bố trí ổn định, tránh kiêm nhiệm nhiều việc.

          - Đa dạng hóa việc huy động các nguồn lực để xây dựng nông thôn mới; tuân thủ các quy trình, quy định về đầu tư nhất là Luật đầu tư công; việc sử dụng nguồn lực vào các công trình công cộng phải được nhân dân bàn bạc, thống nhất.

- Phát huy dân chủ cơ sở trong việc xây dựng nông thôn mới, thông qua việc khảo sát ý kiến sự hài lòng của người dân đối với các xã đạt chuẩn nông thôn mới do Ủy ban Mặt trận TQVN huyện, xã triển khai thực hiệnhàng năm và kết quả hàng năm có trên 95% người dân hài lòng đối với xã đạt chuẩn nông thôn mới.     

VI. Kế hoạch nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới:

   1.  Quan điểm:

  - Trong thời gian tới nổi lên những ảnh hưởng lớn của xu thế toàn cầu hóa thế giới và khu vực; quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước; xu hướng thay đổi của cơ cấu kinh tế, quy mô và cơ cấu dân số; xu thế phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ trong thời kỳ cách mạng công nghệ 4.0; trong lĩnh vực văn hóa – xã hội, cũng như những tác động ngày càng phức tạp của biến đổi khí hậu và các nguồn lực tự nhiên.

  - Do đó, giai đoạn sau 2020 đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, cơ cấu kinh tế hợp lý, phù hợp với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước; tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ trong thời kỳ cách mạng công nghệ 4.0; phát triển nông thôn với đô thị theo Đề án xây dựng nông thôn mới trong quá trình đô thị hóa; xây dựng nông thôn dân chủ, bình đẳng, ổn định, giàu bản sắc dân tộc, hướng tới nông thôn thịnh vượng, nông thôn giàu có; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh quốc phòng, trật tự xã hội được giữ vững.

2. Mục tiêu:

  - Tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt (trong giai đoạn 2010-2020) nhằm đảm bảo thực sự nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, hướng tới xây dựng một nền nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh. Xây dựng xã, huyện nông thôn mới nâng cao, hướng đến nông thôn mới kiểu mẫu theo quy định của Trung ương, của tỉnh. Trong đó, chú trọng các chỉ tiêu tác động trực tiếp đến đời sống vật chất và tinh thuần của người dân, nâng cao thu nhập bình quân đầu người/năm cho khu vực nông thôn; giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế, tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch.

- Giai đoạn 2021-2025: Phấn đấu có 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (trong đó có 20% xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu); mỗi xã có 30% số thôn đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu; huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao theo quy định của Trung ương, của tỉnh. Thu nhập bình quân đầu người/năm khu vực nông thôn đạt 50 triệu đồng trở lên; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 95%, tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo đạt 60%, tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch 70%.

- Giai đoạn 2026-2030: Phấn đấu có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (trong đó có 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu); mỗi xã có 50% số thôn đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu; huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới kiểu mẫu theo quy định của Trung ương, của tỉnh. Thu nhập bình quân đầu người/năm khu vực nông thôn 55 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo không còn (trừ hộ nghèo thuộc diện bảo trợ xã hội), tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên 95%, tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo đạt 65%, tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch 75%.

3. Nội dung nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới.

  Căn cứ vào mục tiêu đề ra, huyện Đức Linh đề ra một số nội dung nâng chất các tiêu chí nông thôn mới như sau:

  3.1. Quy hoạch:

   Trên cơ sở quy hoạch vùng huyện được phê duyệt, tổ chức quy hoạch chi tiết theo quy hoạch vừng; rà soát, bổ sung điều chỉnh cho phù hợp với từng xã và trên địa bàn huyện. Tổ chức triển khai xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật theo đúng quy hoạch được phê duyệt và theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

  3.2. Giao thông:

  Tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, nâng cấp và duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường giao thông nông thôn, nhất là đường ngõ xóm, đường trục chính nội đồng. Phấn đấu đến năm 2025: Đường trục thôn được nhựa hoá hoặc bê tông hoá đạt trên 80%, phần còn lại được đảm bảo duy trì cứng hoá; Đường ngõ xóm được nhựa hoá hoặc bê tông hoá đạt trên 80%, phần còn lại được duy trì cứng hoá, đảm bảo ngõ xóm sạch, không lầy lội vào mùa mưa; Đường trục chính nội đồng có tỷ lệ cứng hoá đạt tỷ lệ 80%, phần còn lại được duy trì không lầy lội xe cơ giới đi lại thuận tiện. Các tuyến đường trục chính trong khu dân cư đảm bảo sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn. UBND các xã chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng huy động nhân dân thực hiện cứng hóa đường trục thôn, xóm và các đường ngõ, xóm…

  3.3. Thủy lợi:

Xây dựng hệ thống thủy lợi cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và phục vụ dân sinh. Đẩy mạnh đầu tư hoàn thành hệ thống thủy lợi Tà Pao, kiên cố hóa kênh mương nội đồng, mở rộng diện tích sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm, đặc biệt bố trí gieo trồng theo đúng mùa vụ, nâng diện tích có nước tưới để sản xuất trong mùa khô từ các nguồn lên trên 80% tổng diện tích.

  3.4. Điện nông thôn:

  Tiếp tục nâng cấp hệ thống các công trình đảm bảo cung cấp điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất trên địa bàn các xã. Đến năm 2025, nâng cao và duy trì tỷ lệ hộ dùng điện đạt 99,9%; hoàn tất việc đầu tư mới các trạm biến áp, điện trung thế và hạ thế đến các khu chăn nuôi, khu sản xuất tập trung mở mới trên địa bàn. Duy trì việc cung cấp lưới điện đến các khu sản xuất, khu tập trung luôn đạt tỷ lệ 100%. Tỷ lệ điện đáp ứng cho nhu cầu khu sản xuất, chăn nuôi, tiểu thủ công nghiệp, thủy sản tập trung theo quy hoạch đạt trên 90%.

  3.5. Y tế, Văn hóa, Giáo dục:

a) Y tế:

  Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động y tế của tuyến xã đảm bảo kế hoạch được thực hiện theo đúng tiến độ, đạt hiệu quả. Duy trì, giữ vững 100% xã đạt Tiêu chí Quốc gia về y tế. Củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở từ huyện đến xã, thị trấn, xây mới và nâng cấp mở rộng trạm y tế xã giai đoạn năm 2021-2025, 100% trạm y tế xã, thị trấn có phòng chức năng đạt chuẩn về cơ sở hạ tầng, thiết bị và nhân lực. Thực hiện đầy đủ các chức năng về y tế dự phòng, khám chữa bệnh, phục hồi chức năng. Tiếp tục chỉ đạo để các địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động để người dân tích cực tham gia mua Bảo hiểm y tế, phấn đấu đến năm 2025 đạt trên 95%.

  b) Văn hóa:

  Duy trì, bảo dưỡng tốt các thiết chế văn hóa huyện, xã, thôn. Tổ chức tốt các nội dung sinh hoạt để khai thác hiệu quả đối với các thiết chế văn hóa, đảm bảo 100% Trung tâm Văn hóa, Thể thao - Học tập cộng đồng xã và Nhà Văn hóa thôn luôn hoạt động có hiệu quả, đáp ứng ngày càng tốt đời sống tinh thần người dân.

c) Giáo dục:

  Đẩy mạnh việc triển khai thực hiện quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo, kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của con em nhân dân, nâng cao chất lượng giáo dục, chuẩn hoá cơ sở vật chất trường học... góp phần đáp ứng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Giữ vững chuẩn phổ cập giáo dục cho trẻ em 5 tuổi, chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, xóa mù chữ mức độ 2; từng bước nâng chuẩn phổ cập giáo dục THCS lên mức độ 3. Duy trì tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào học lớp 10 trung học phổ thông, bổ túc trung học phổ thông một cách hợp lý phù hợp với tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.

3.6. Sản xuất:

Đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo hướng hữu cơ tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm kể cả trong nước và xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu 5 có: “có giá trị cao, có khả năng cạnh tranh, có thị trường tiêu thụ, có hiệu quả cao và có thương hiệu”. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ, để công nghiệp, dịch vụ thực sự hỗ trợ trở lại cho phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, xem phát triển sản xuất là cái gốc để đầu tư xây dựng nông thôn mới.

  3.7. Môi trường:

  Tập trung đầu tư hệ thống cung cấp nước tập trung trên địa bàn huyện đảm bảo phục vụ nhu cầu cho nhân dân. Trên 90% số hộ dân có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt chuẩn, đảm bảo vệ sinh an toàn đối với khu vực sinh hoạt của con người; tăng cường các hoạt động phát triển môi trường xanh, sạch, đẹp, không có các hoạt động suy giảm môi trường; Chất thải y tế, chất thải sinh hoạt được thu gom và xử lý theo quy định.

  3.8. An ninh trật tự xã hội:

  Thường xuyên củng cố tăng cường nâng cao chất lượng hoạt động lực lượng vũ trang địa phương (quân sự, công an), hoạt động tự quản trong cộng đồng dân cư, hạn chế thấp nhất vấn đề vi phạm pháp luật, đặc biệt là vấn đề trọng án, vấn đề an ninh trật tự, tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông, đảm bảo giữ vững an ninh trật tự khu vực nông thôn nói riêng và trên địa bàn huyện nói chung.

  3.9. Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới:

  Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, Ban Chỉ đạo các cấp, vai trò tham gia thực hiện của các đoàn thể, cơ quan giúp việc Ban Chỉ đạo đối với việc thực hiện Chương trình nông thôn mới trên địa bàn. Nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp cơ sở trên cả hai mặt, phẩm chất đạo đức và năng lực chuyên môn, đảm bảo cho Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới luôn được lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả.

Trên đây là báo cáo kết quả xây dựng nông thôn mới huyện Đức Linh, kính đề nghị UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh xem xét thẩm định, thẩm định và công nhận./.

 

Nơi nhận:

- UBND tỉnh;

- Ban chỉ đạo các CT MTQG tỉnh;

- Sở Nông nghiệp và PTNT;

- VPĐP NTM tỉnh;

- Chủ tịch, các Phó CT UBND huyện;

- Chánh, Phó VP HĐND&UBND huyện;

- Các cơ quan, đơn vị liên quan;

- Lưu: VT, NN, CV. Thuận.

CHỦ TỊCH

 

 

 

 

 

 Nguyễn Văn Húy


 

 

 

 

 

BIỂU TỔNG HỢP

KẾT QUẢ THỰC HIỆN TIÊU CHÍ HUYỆN NÔNG THÔN MỚI
HUYỆN ĐỨC LINH, TỈNH BÌNH THUẬN
(Kèm Báo cáo số:          /BC-UBND ngày       /5/2020 của UBND huyện Đức Linh)

 

 

TT

Tên tiêu chí

Nội dung tiêu chí

Đvt

Tiêu chuẩn đạt chuẩn

Kết quả thực hiện

Kết quả tự đánh giá của huyện

1

Quy hoạch

Có quy hoạch xây dựng trên địa bàn huyện được phê duyệt

 

Đạt

Đạt

Đạt

2

Giao thông

2.1. Hệ thống giao thông trên địa bàn huyện đảm bảo kết nối tới các xã

 

Đạt

Đạt

Đạt

 

 

2.2. Tỷ lệ km đường huyện đạt chuẩn theo quy hoạch

%

100

100

Đạt

3

Thủy lợi

Hệ thống thủy lợi liên xã đồng bộ với hệ thống thủy lợi các xã theo quy hoạch

 

Đạt

Đạt

Đạt

4

Điện

Hệ thống điện liên xã đồng bộ với hệ thống điện các xã theo quy hoạch, đảm bảo yêu cầu kỹ; thuật của cả hệ thống

 

Đạt

Đạt

Đạt

5

Y tế - Văn hóa - Giáo dục

5.1. Bệnh viện huyện đạt tiêu chuẩn bệnh viện hạng 3; Trung tâm y tế huyện đạt chuẩn quốc gia

 

Đạt

Đạt

Đạt

5.2. Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện đạt chuẩn, có các hoạt động văn hóa - thể thao phù hợp kết nối với các xã có hiệu quả

 

Đạt

Đạt

Đạt

5.3. Tỷ lệ trường Trung học phổ thông đạt chuẩn

%

≥ 60

66,67

Đạt

6

Sản xuất

Hình thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung; hoặc có mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, tổ chức liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ các sản phẩm chủ lực của huyện

 

Đạt

Đạt

Đạt

7

Môi trường

7.1. Hệ thống thu gom, xử lý chất thải rắn trên địa bàn huyện đạt tiêu chuẩn

 

Đạt

Đạt

Đạt

7.2. Cơ sở sản xuất, chế biến, dịch vụ (công nghiệp, làng nghề, chăn nuôi, chế biến lương thực - thực phẩm) thực hiện đúng các quy định về bảo vệ môi trường

%

100

100

Đạt

8

An ninh, trật tự XH

Đảm bảo an toàn an ninh, trật tự xã hội

 

Đạt

Đạt

Đạt

9

Chỉ đạo xây dựng NTM

9.1. Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cấp huyện được kiện toàn tổ chức và hoạt động đúng quy định

 

Đạt

Đạt

Đạt

 

 

9.2. Văn phòng Điều phối Chương trình nông thôn mới cấp huyện được tổ chức và hoạt động đúng quy định

 

Đạt

Đạt

Đạt

 

 

ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN ĐỨC LINH

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

Đức Linh, ngày         tháng 05 năm 2020

DANH SÁCH CÁC XÃ ĐẠT CHUẨN NÔNG THÔN MỚI

HUYỆN ĐỨC LINH, TỈNH BÌNH THUẬN

 

 


TT

Tên xã

Năm công nhận

Số, ký hiệu, ngày, tháng của Quyết định công nhận

Cấp ban hành quyết định

Trích yếu nội dung quyết định

Năm công bố xã đạt chuẩn

Ghi chú

 

1

Mê Pu

2014

776QĐ-UBND ngày 19/3/2015

UBND tỉnh Bình Thuận

Công nhận xã đạt chuẩn NTM năm 2014

2015

 

2

Sùng Nhơn

2014

2015

 

3

Đức Hạnh

2014

2015

 

4

Đông Hà

2015

3647/QĐ-UBND ngày 18/12/2015

Công nhận xã đạt chuẩn NTM năm 2015

2016

 

5

Vũ Hòa

2016

3511/QĐ-UBND ngày 28/11/2016

Công nhận xã đạt chuẩn NTM năm 2016

2017

 

6

Tân Hà

2016

2017

 

7

Đức Tín

2017

214/QĐ-UBND ngày 19/01/2018

Công nhận xã đạt chuẩn NTM năm 2017

2018

 

8

Đa Kai

2017

2018

 

9

Trà Tân

2018

28/QĐ-UBND ngày 03/01/2019

Công nhận xã đạt chuẩn NTM năm 2018

2019

 

10

Đức Chính

2018

2019

 

11

Nam Chính

2019

128/QĐ-UBND ngày 14/01/2020

Công nhận xã đạt chuẩn NTM năm 2019

2020

 

 

Tổng số: 11 xã đạt chuẩn/11 xã thuộc huyện, đạt 100%

 

 

                                                          CHỦ TỊCH

 

 

 

                                                           Nguyễn Văn Húy

 
   

 

 

 

 

 

 

 

  

ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang